Rạng Đông - Ánh sáng bừng lên từ bóng tối: Hành trình từ bờ vực phá sản hơn 30 năm trước, đến mục tiêu doanh nghiệp tỷ đô vào năm 2030

26/12/2023 09:22 AM | Kinh doanh

Trong giai đoạn 1988 – 1990, từng có thời điểm Rạng Đông phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc 6 tháng, tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp bị phong tỏa. Sau cú "lội ngược dòng" ngoạn mục, Rạng Đông giờ đây đặt mục tiêu trở thành công ty tỷ đô vào năm 2030, một nguồn sáng không tắt trong thời đại 4.0 dù đã tồn tại hơn 60 năm.

"Gừng càng già càng cay": Hành trình từ bờ vực phá sản hơn 30 năm trước đến mục tiêu doanh nghiệp tỷ USD vào năm 2030 của Rạng Đông - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt Nam ra đời và phát triển tương đối muộn so với nhiều quốc gia do sự đặc thù của tiến trình lịch sử. Dù vậy, những doanh nghiệp thế hệ đầu tiên nếu còn hoạt động đến hiện tại đều đã chuyển mình qua hơn nửa thế kỷ cùng đất nước, trải qua vô vàn thăng trầm của thời cuộc, thậm chí có những giai đoạn đứng bên bờ vực sinh tử. 

Rạng Đông là một điển hình như vậy. Cùng nhìn lại một doanh nghiệp bóng đèn 60 năm tuổi đã làm gì để lội ngược dòng, hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trên website CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại thời điểm này, nhà thông minh đang là sản phẩm được quảng bá mạnh mẽ. "Rạng Đông tiên phong trong lĩnh vực chiếu sáng 4.0" là lời khẳng định đến từ doanh nghiệp. Các đại diện của Rạng Đông thường xuyên được mời tới những sự kiện về công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tại Diễn đàn Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hồi tháng trước, ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Tổng Giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết kể từ năm 2011, công ty đã từng bước hình thành 3 trung tâm nghiên cứu.

Thứ nhất là trung tâm chuyên về công nghệ ánh sáng, các khoa học liên ngành như vật lý - vật liệu, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo… Trung tâm thứ 2 nghiên cứu công nghệ số (IoT, big data, AI, blockchain…). Và cuối cùng là trung tâm nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới.

Ngay từ thập niên 1990, công nghệ chính là một trong những chìa khóa giúp Rạng Đông vượt qua giai đoạn khó khăn - đến mức từng đứng bên bờ vực phá sản.

Từ nơi sản xuất "món quà cưới huyền thoại" đến cảnh lao đao vì hàng ngoại

CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tiền thân là nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, được khởi công xây dựng năm 1958 tại Hà Nội. Đây là một trong 13 nhà máy đầu tiên được thành lập theo quyết định của Chính phủ, cũng là cơ sở đầu tiên sản xuất bóng đèn, phích nước ở Việt Nam và Đông Dương.

Thuở đầu, việc sản xuất phích nước còn khá thủ công, công suất thiết kế của nhà máy chỉ đạt 300.000 sản phẩm/năm. Với giá khoảng 7-8 đồng một chiếc, phích nước trở thành một trong những tài sản giá trị nhất của mỗi gia đình, đặc biệt ở miền Bắc – nơi có mùa đông kéo dài 3-4 tháng. Nhờ tính thiết thực, phích nước Rạng Đông còn là món quà mừng cưới, tân gia quen thuộc thời xưa.

"Gừng càng già càng cay": Hành trình từ bờ vực phá sản hơn 30 năm trước đến mục tiêu doanh nghiệp tỷ USD vào năm 2030 của Rạng Đông - Ảnh 2.

Theo phương pháp thủ công thời xưa, người thợ phải dùng một chiếc ống dài và thổi bình phích bằng miệng. Ảnh: Rạng Đông.

Ngoài phích nước, người tiêu dùng ngày đó cũng không xa lạ gì với các sản phẩm bóng đèn tròn, bóng đèn huỳnh quang, đèn pha ô tô (phục vụ kháng chiến) của Rạng Đông.

Tuy nhiên, "thời hoàng kim" dừng lại ở trước năm 1987. Theo tư liệu được đăng trên website của Rạng Đông, từ năm 1987 đến 1989 là giai đoạn doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.

Với việc đất nước mở cửa thị trường, làn sóng hàng ngoại tràn vào đã khiến Rạng Đông gặp khó vì phải cạnh tranh với những sản phẩm rẻ hơn, dẫn đến mất dần thị trường. Một mặt hàng quan trọng khác là đèn pha ô tô cũng không còn được sử dụng khi kháng chiến kết thúc.

Hệ quả là Rạng Đông liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc 6 tháng. Năm 1990, tài khoản ngân hàng của công ty bị phong tỏa, phải trả lương công nhân bằng sản phẩm, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.

"Lội ngược dòng" ngoạn mục

Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc Rạng Đông, để vượt qua giai đoạn khó khăn đến mức từng đứng bên bờ vực phá sản, doanh nghiệp đã làm được hai việc quan trọng: cải tiến dây chuyền sản xuất và đầu tư phát triển năng lực công nghệ.

Năm 1991, Rạng Đông tái tổ chức sản xuất, sắp xếp lại lao động, thực hiện hạch toán nội bộ, tinh giản bộ máy và thay đổi cơ chế điều hành.

Từ năm 1993, công ty dần thay thế các dây chuyền cũ thủ công bằng dây chuyền tự động hóa để nâng cao năng suất, như dây chuyền huỳnh quang hiện đại, lò thủy tinh Hungary, máy thổi bóng P25, dây chuyền ruột phích mới và dây chuyền sản xuất đầu đèn huỳnh quang Hàn Quốc…

Nhờ vậy, Rạng Đông bắt đầu làm ăn có lãi, sản phẩm được chấp nhận trên thị trường, bắt đầu cho một thời kỳ phát triển bền vững.

Nếu ở thời kỳ đầu, nhà máy chỉ đạt công suất 300.000 sản phẩm phích/năm thì tới năm 2003, con số này đã là hơn 7 triệu nhờ chuyển từ làm thủ công sang sản xuất bằng máy. Hiện nay, công suất mỗi năm của Rạng Đông được nâng lên khoảng 32 triệu phích nước, 100 triệu bóng đèn LED, 5 triệu thiết bị chiếu sáng…

Từ chỗ kinh doanh thua lỗ, Rạng Đông hồi năm 2000 đạt doanh thu 203,3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 12 tỷ đồng. Năm 2006, công ty tiến hành xây dựng cơ sở 2 tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh.

Hơn 60 năm tuổi vẫn không "tụt hậu"

Năm 2004, Rạng Đông chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với vốn điều lệ ban đầu là 79,15 tỷ đồng. 3 năm sau, doanh nghiệp trở thành công ty đại chúng, nâng vốn điều lệ từ 79,15 tỷ đồng lên 115 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết việc doanh nghiệp đã có lịch sử hơn 60 năm vừa là lợi thế, nhưng đồng thời lại là thách thức lớn, trong bối cảnh mọi thứ liên tục thay đổi với tốc độ nhanh chóng.

"Chúng tôi quan niệm rằng một doanh nghiệp như vậy phải thực hiện đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là ĐMST mở. ĐMST phải được dẫn dắt bởi tri thức và nhận được sự cộng hưởng từ quần chúng", ông cho hay.

"Gừng càng già càng cay": Hành trình từ bờ vực phá sản hơn 30 năm trước đến mục tiêu doanh nghiệp tỷ USD vào năm 2030 của Rạng Đông - Ảnh 3.

Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông quy tụ hàng chục nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về chiếu sáng tới làm việc. Ảnh: Rạng Đông.

Ngay từ năm 2011, Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông đã được thành lập, đóng vai trò "bộ não công nghệ" để chuyển công ty từ sản xuất nguồn sáng sang sản xuất thiết bị chiếu sáng, tiến tới cung cấp hệ thống và giải pháp chiếu sáng thông minh cho các loại công trình, thị trường chuyên dụng.

Về mặt sản xuất, đầu tiên Rạng Đông chỉ cải tiến những dây chuyền bán tự động để giúp giải phóng sức lao động. Dần dần, công ty đã nghiên cứu tự thiết kế, sản xuất những dây chuyền tự động được ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng các hệ thống SCADA (điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu), MIS (hệ thống thông tin quản lý), tiến tới xây dựng hệ thống sản xuất thông minh.

Nỗ lực "bắt kịp thời đại" đã giúp Rạng Đông vượt qua thời kỳ Covid-19. Mặc dù chuỗi cung ứng đứt gãy, công ty vẫn đáp ứng được 100% số đơn hàng xuất khẩu, sản xuất không có hàng tồn kho, hàng không lỗi.

Bên cạnh đó, năng suất lao động bình quân đã tăng gấp đôi, có những khâu tăng đến 4-5 lần. Thời gian sản xuất cùng một sản phẩm giảm 10%, giá thành giảm 6,2%, giải phóng được 6.000 mặt bằng kho ở Hà Nội.

Dải sản phẩm của Rạng Đông giờ đây vô cùng phong phú, bao gồm những giải pháp chiếu sáng thông minh cho đường phố, trang trại, văn phòng và trung tâm thương mại, hay giải pháp chiếu sáng nuôi cấy mô… Đối với mặt hàng phích nước, kiểu dáng và màu sắc cũng được đa dạng hóa thành các loại phích cá nhân, phích quà tặng, hay có thêm chức năng hiển thị nhiệt độ…

"Gừng càng già càng cay": Hành trình từ bờ vực phá sản hơn 30 năm trước đến mục tiêu doanh nghiệp tỷ USD vào năm 2030 của Rạng Đông - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh của Rạng Đông từ năm 2000 tới nay. Nguồn: Rạng Đông.

Năm 2022, Rạng Đông đạt kết quả kinh doanh đầy khởi sắc với doanh thu thuần 6.910 tỷ đồng, tăng trưởng 21%. Lãi sau thuế đạt hơn 486 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và là mức lãi lớn nhất từng được ghi nhận.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Rạng Đông ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.660 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 293 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rạng Đông cho biết công ty đã xuất khẩu sản phẩm tới 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trải dài 5 châu lục trên thế giới, trong đó nhiều sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe của thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo báo cáo thường niên năm 2020, Rạng Đông đặt mốc năm 2030 trở thành doanh nghiệp tỷ USD, đưa thương hiệu lên tầm khu vực.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM