Ra mắt binh đoàn robot cộng sinh dọn dẹp nhà máy điện hạt nhân
Đội robot tự hành này có thể thay con người thực hiện nhiều công việc nguy hiểm như dọn dẹp các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động, hoặc sau sự cố cháy nổ.v.v.v…
Các nhà khoa học quốc tế vừa trình làng một hệ thống robot tự động mới cực kỳ tân tiến, nó có tên chính thức là Hạm đội đa robot cộng sinh (Symbiotic Multi-Robot Fleet- viết tắt là SMuRF) để hỗ trợ việc dọn dẹp trong các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động, xuống cấp, hay xảy ra cháy nổ,...
Hệ thống SMuRF được phát triển bởi các kỹ sư đến từ Đại học Glasgow, Đại học Manchester, Phòng thí nghiệm Robotics Bristol và Đại học Heriot-Watt, tất cả đều thuộc Vương Quốc Anh.
Daniel Mitchell, đồng tác giả nghiên cứu mới cho biết: “Mỗi robot mà chúng tôi lập trình và thiết kế trong nguyên mẫu SMuRF này đều có những khả năng và hạn chế riêng, cũng như hệ điều hành riêng. Nó bao gồm các loại robot bay, lăn chạy hoặc đi bộ dưới hình thức robot có bánh xe, bốn chân và di chuyển trên không”.
Theo Daniel Mitchell, những robot này có thể làm việc cùng nhau để hoàn thành các nhiệm vụ vốn gây khó khăn hoặc nguy hiểm cho con người, đặc biệt là trong môi trường phóng xạ hạt nhân.
Trong một cuộc trình diễn thực tế tại Cơ sở Hợp tác Robot và Trí tuệ Nhân tạo (RAICo) ở Cumbria, các nhà nghiên cứu đã trình diễn cách SMuRF hoàn thành thành công nhiệm vụ kiểm tra trong một cơ sở lưu trữ phóng xạ mô phỏng.
Khả năng hợp tác của các robot trong SMuRF bắt nguồn từ một hệ thống vật lý không gian mạng (CPS) tinh vi, do các nhà nghiên cứu phát triển, nhờ đó mà các robot có khả năng giao tiếp với nhau theo thời gian thực với tối đa 1.600 cảm biến hoạt động tích hợp.
Các robot đã làm việc cùng nhau để tạo ra bản đồ kỹ thuật số 3D của khu vực lưu trữ phóng xạ mô phỏng, thông qua việc sử dụng các cảm biến đặc biệt của mình. Một robot bay trên không do một người điều khiển từ xa cũng tham gia giúp lập bản đồ bổ sung.
Robot Boston Dynamics Spot đã sử dụng cánh tay linh hoạt của mình để tạo ra các công cụ giúp quan sát gần hơn trong khu vực. Còn các robot có bánh xe khác, có tên lần lượt là Scout và CARMA đã đo mức độ phóng xạ trong khu vực thử nghiệm. Đặc biệt, CARMA đã tìm thấy một vụ tràn chất lỏng phóng xạ giả dưới một thùng, điều này rất quan trọng để đảm bảo nó có thể chủ động làm sạch chất lỏng phóng xạ đúng cách trong các tình huống thực tế.
Công nghệ đột phá này không chỉ tiềm năng trong việc dọn dẹp các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động, xảy ra cháy nổ hay rò rỉ phóng xạ, mà nó còn giúp ích rất nhiều cho việc bảo trì trong những môi trường đầy thách thức như ở các giàn điện gió ngoài khơi.
Giáo sư David Flynn, đồng tác giả của nghiên cứu mới cho biết thêm: “Đội robot tự hành này có rất nhiều tiềm năng để đảm nhận nhiều công việc nguy hiểm, ngoài khơi xa xôi. Hiện tại, những công việc này rất tốn kém, vì nó thường yêu cầu nhân viên phải được trực thăng đưa đến các địa điểm ngoài khơi, nhưng đây là một quá trình có thể bị cản trở bởi thời tiết xấu”.