Quyết định "lạ" của Sở Giáo dục TP. HCM: Giáo viên nước ngoài chết ngất nếu phải gọi tên tiếng Việt
Năm 1996, tôi trúng tuyển vào lớp chuyên Anh trường Minh Khai. Đó là một bước ngoặt lớn trong quá trình học tiếng Anh của tôi vì lớp tôi là một trong hai lớp có giáo viên nước ngoài.
Sự im lặng đáng sợ
Tôi còn nhớ tiết học đầu tiên với người nước ngoài không hề diễn ra suôn sẻ như mong muốn vì cô Kate, giáo viên người Úc phụ trách lớp tôi lúc đó không biết cách nào để kết nối với hơn 40 học sinh rất lễ phép ngoan ngoãn nhưng cực kỳ thụ động và ngơ ngáo vì lần đầu tiếp xúc với người nước ngoài.
Sự nhiệt tình năng nổ của cô được đáp lại bằng phản ứng gượng gạo có phần sợ sệt của các học sinh vốn chỉ "giỏi Anh văn" qua các bài thi nhưng không có chút khả năng giao tiếp thực tế nào. Những câu hỏi hết sức đơn giản về thông tin cá nhân do cô đặt ra rơi vào khoảng không.
Tôi thoáng thấy sự hụt hẫng và thất vọng trong mắt của cô Kate mặc dù cô vẫn cố giữ giọng điệu hào hứng khi giới thiệu về bản thân mình và về nước Úc.
Tiết học thứ hai khá hơn đôi chút khi chỉ có vài ba bạn dám mạnh dạn trả lời những câu của cô. Các bạn còn lại vẫn ngồi im thụ động đúng kiểu học sinh ngoan hiền Việt Nam và chỉ dám trả lời lí nhí khi được hỏi tới.
Tới lúc này, cô giáo trẻ bắt đầu gần như phát hoảng thực sự. Cô nhìn lớp bằng ánh mắt van lơn và xuống giọng: "Chúng ta phải làm gì đó chứ! Các bạn hãy nói với cô là các bạn thích học như thế nào?" Đáp lại vẫn là sự im lặng cố hữu.
Cô Kate lặp lại yêu cầu của mình một lần nữa với giọng run run sắp vỡ òa.
Lúc đó tôi đánh bạo giơ tay xin phát biểu: "Hay là cô thử dạy bọn em hát tiếng Anh đi!" Mắt cô ánh lên một tia hi vọng: "Hát à, cô hát không hay lắm nhưng cô sẽ thử!"
Học tiếng Anh qua bài hát
Và thế là buổi học thứ ba với cô Kate, chúng tôi được cô dạy cho bài hát "Can you feel the love tonight" của Elton trong bộ phim "Lion King" với sự hỗ trợ của chiếc máy Sony Discman mà cô mang theo.
Tác dụng của việc dạy tiếng Anh qua bài hát đã phát huy rõ rệt. Cả lớp hào hứng thấy rõ, một phần thoát khỏi được việc học qua sách giáo khoa khô cứng và một phần còn vì sự ngưỡng mộ với thứ "đồ chơi công nghệ cao" là chiếc máy.
Thời điểm đó chỉ có nhà nào giàu lắm mới có được dàn máy nghe đĩa CD đắt tiền nên không hiếm các bạn lớp tôi chưa bao giờ được tận mắt thấy chiếc đĩa CD.
Tôi nhớ cậu bạn ngồi kế bên thì thầm: "Sau này tao thi đại học ráng vô được trường ba má tao muốn để xin ổng bả mua cho tao cái CD Walkman này!"
Từ sau buổi học đó, lớp tôi thỏa thuận với cô Kate chúng tôi sẽ học giao tiếp với cô ba buổi, đổi lại một buổi học hát tiếng Anh với cái máy CD Walkman. Rất tiếc lớp tôi chỉ học với cô được đúng một học kỳ vì cô phải về Úc. Trong buổi học cuối cùng, cô dạy chúng tôi bài "Lean on Me" với đôi mắt rung rưng lệ.
Hôm qua khi đọc bài báo "Không được dùng CD, bảng tương tác khi dạy tiếng Anh" đăng trên báo Tuổi Trẻ, cả kỷ niệm học tiếng Anh với cô giáo người Úc và chiếc máy CD Walkman ngày nào chợt quay trở lại rõ ràng đến từng chi tiết như chỉ vừa mới xảy ra đây thôi.
Và tôi vừa buồn vừa lo cho việc giảng dạy tiếng Anh lẫn việc học tiếng Anh của các em học sinh tiểu học với giáo viên bản ngữ trong tương lai khi các phương tiện hỗ trợ giảng dạy hiện đại bị cấm không được sử dụng.
Học tiếng Anh qua nhân vật hoạt hình
Với một lý do rất mơ hồ "cho học sinh có cơ hội tương tác, thực hành tiếng Anh với giáo viên", những người làm giáo dục đã tước đoạt đi rất nhiều cơ hội để học sinh có thể thực sự tương tác và thực hành tiếng Anh một cách tự nhiên nhất.
Có bao giờ họ đặt ra những câu hỏi rất thực tế trong việc giảng dạy tiếng Anh cho tuổi thiếu nhi hay chỉ đưa ra một quyết định đầy cảm tính như thế?
Làm sao các bé học sinh tiểu học có thể tự tin tương tác với một thầy giáo/cô giáo Tây hoàn toàn xa lạ từ ngoại hình đến ngôn ngữ mà không thông qua một cầu nối nào đó? Các bé sẽ thích được tương tác và học tiếng Anh hiệu quả hơn với giáo viên người lớn hay với các bạn nhân vật hoạt hình trong một đoạn clip ngắn nhưng thú vị?
Tại sao khi cả thế giới đều hướng đến việc áp dụng càng nhiều cách phương tiện hiện đại vào trong giảng dạy thì chúng ta lại chọn hướng đi ngược với xu hướng toàn cầu?
Tương tác với MỘT giáo viên bản ngữ DUY NHẤT suốt một năm học sẽ tạo được môi trường cho các bé học tiếng Anh tốt hơn là học qua nhiều phương tiện, nghe nhiều giọng nói, làm quen với nhiều nhân vật với tính cách khác nhau sao?
Số tiền học phí mỗi năm đều tăng mà phụ huynh phải è cổ ra gánh với mong muốn cho con cái mình được học tốt hơn với cơ sở vật chất hiện đại sẽ đi về đâu nếu không được đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở vật chất?
Học tiếng Anh qua trò chơi, clip, đóng kịch
Là người tốt nghiệp ngành quản lý giáo dục và sư phạm Anh ở Mỹ, tôi hiểu rất rõ nhu cầu ở từng độ tuổi người học để cho việc học tiếng Anh có hiệu quả nhất.
Đối với trẻ em cấp tiểu học, việc học tiếng Anh sẽ hiệu quả nhất khi các bé được học những gì gần gũi và sinh động nhất (từ vựng về đồ vật xung quanh, các loài vật, các nhân vật hoạt hình yêu thích…), với càng nhiều phương tiện và phương pháp khác nhau (hát, chơi trò chơi, xem video clip, đóng kịch…) càng tốt chứ không phải học với một giáo viên duy nhất với những bài học khô cứng trong sách giáo khoa.
Để đảm báo sự tương tác của giáo viên bản ngữ với học sinh rất dễ dàng. Chỉ cần hạn chế thời lượng sử dụng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy như CD, internet, bảng tương tác…không quá ¼ thời lượng giảng dạy của một tiết học.
Thời gian còn lại là dành cho giáo viên bản ngữ giải thích (nội dung của đoạn clip hay bài hát, từ vựng khó, cấu trúc ngữ pháp…) và tương tác với các bé (tập hát, tập phát âm, phân vai theo nhân vật, đọc từ vựng…) thì việc sử dụng phương tiện hỗ trợ sẽ phát huy tối đa tác dụng của nó trong việc dạy và học.
Giáo viên bản ngữ sẽ chết ngất với tên tiếng Việt của trẻ
Một điều kỳ quặc nữa trong quyết định của Bộ giáo dục về việc giảng dạy tiếng Anh lần này là việc các giáo viên nước ngoài sẽ phải gọi tên các học sinh bằng tiếng Việt mà không được đặt tên tiếng Anh cho các bé.
Tôi hiểu nỗi khổ tâm của những giáo viên nước ngoài từ những người mới chân ướt chân ráo đến Việt Nam cho tới những giáo viên đầy kinh nghiệm đã phải chật vật như thế nào phân biệt được những cái tên như "Uyên", "Nguyên", "Toàn", "Tuấn", "Tuân", "Tuyền", "Hương", "Huân", "Hoàng"…và sự vẻ mặt ngơ ngác của các bé học sinh khi giáo viên gọi tên mình mà chính mình còn không biết.
Xin hỏi giao tiếp như thế nào, tương tác như thế nào cho có hiệu quả khi cả cái tên gọi còn không được? Ai sẽ bảo đảm các giáo viên sẽ có thể thân thiện với các bé khi phải nhớ trong đầu mấy chục cái tên tiếng Việt vốn rất khó để phát âm?
Còn đối với trẻ con, có thêm một cái tên tiếng Anh là một điều thú vị khiến chúng yêu thích tiếng Anh hơn khi cái tên đó giúp chúng tiếp cận dễ dàng hơn với thế giới của vịt Donald, chuột Mickey, gấu Pooh…những nhân vật hoạt hình yêu thích của các bé.
Thằng bé cháu tôi từ khi đi học tại một trung tâm ngoại ngữ dành cho thiếu nhi được đặt cho cái tên Tony thì phấn khởi hơn và học tiếng Anh tốt hơn hẳn so với chương trình tiếng Anh lớp bốn đang được học tại trường vốn quá nặng về lý thuyết. Tại sao chúng ta không tìm đường con đường dễ đi mà phải làm khó mình với những quyết định hết sức vô lý?
Ngành giáo dục của chúng ta hầu như năm nào cũng cải cách nhưng càng ngày càng thụt lùi vì những quyết định cải cách không hề hợp tình hợp lý và đi ngược với sự tiến bộ của nhân loại. Người chịu khổ xét cho cùng vẫn là học sinh, những đứa trẻ ngây thơ bị mang ra làm chuột bạch thí nghiệm và phụ huynh, những người cực khổ kiếm tiền để đóng học phí cho con em mình.