Quyền Bộ trưởng Y tế: Có thể xét nghiệm PCR xong cho 75 nghìn người trong 3 ngày
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, với sự hỗ trợ của các bệnh viện T.Ư, trong 3 ngày hoàn toàn có đủ khả năng để xét nghiệm PCR cho 75 nghìn người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng.
Sáng 8/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo Bộ Y tế làm việc với thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống COVID-19.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, ống vận chuyển lấy mẫu của Hà Nội chỉ vận chuyển được 1 - 2 mẫu, nếu vận chuyển 5 mẫu để trộn chung, làm xét nghiệm theo hướng dẫn mới thì không vận chuyển được. Bộ cần có hướng dẫn để Hà Nội mua các trang thiết bị phù hợp, làm việc với các đơn vị cung ứng để thống nhất một khung.
Ông Chung cho biết, theo quyết định của Bộ Y tế, có 4 đơn vị gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Phổi T.Ư sẽ hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm PCR, nên ngay từ chiều nay, 8/8, thành phố sẽ vận chuyển các mẫu đến các bệnh viện này để xét nghiệm ngay.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho rằng, tính ra, Hà Nội hiện đã có 6 ca dương tính với SARS-CoV-2, vì ca bệnh công bố ở Hải Dương chủ yếu ở Hà Nội là chính.
Ông Chung cho biết, Hà Nội chốt việc xét nghiệm PCR cho 75 nghìn người trở về từ Đà Nẵng từ 15 - 29/7. Những trường hợp này có nguy cơ cao, vì qua phát hiện, có những trường hợp đi Đà Nẵng từ ngày 14 - 17/7 nhưng qua xét nghiệm vẫn dương tính.
Về kinh phí xét nghiệm, ông Chung cho biết, sẽ tính vào kinh phí của Bộ Y tế để không phải ký hợp đồng giữa thành phố với các bệnh viện, vì sau này, chi phí xét nghiệm đều được bảo hiểm chi trả.
Liên quan đến công tác chữa bệnh, ông Chung đề xuất các trường hợp ca bệnh của Hà Nội được tiếp tục chữa trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Nếu Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 quá tải, thành phố sẽ tính đến phương án Bệnh viện Đa khoa Thăng Long, Bệnh viện dã chiến ở Mê Linh...
Tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, phải coi xét nghiệm là mấu chốt kiểm soát dịch bệnh, phát hiện ca bệnh nhanh, khoanh vùng, dập dịch. Thành phố Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao, bởi vì có nhiều người từ Đà Nẵng trở về (gần 100 nghìn người), từ ngày 15/7 đến nay có tới 75.000 người. "Vì Đà Nẵng hiện giờ là vùng dịch, là tâm dịch nên những người này có nguy cơ", ông Long nói.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã giao cho 4 đơn vị tiến hành xét nghiệm PCR cho Hà Nội, trong đó, Bệnh viện Bạch Mai khoảng 40.000 mẫu; Bệnh viện Nhi T.Ư 10.000 mẫu; Bệnh viện Phổi T.Ư 10.000 mẫu; Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư 10.000 mẫu.
"Việc xét nghiệm tiến hành ngay chiều nay, 8/8. Việc xét nghiệm thì nhanh, nhưng phụ thuộc vào tốc độ lấy mẫu. Sở Y tế cần phối hợp với các đơn vị của Bộ để lấy mẫu", ông Long nói.
Theo ông Long, với các trường hợp từ Đà Nẵng trở về từ ngày 7 - 15/7, phương án đưa ra là lấy mẫu máu để xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với Enzyme (ELISA). Việt Nam là 1 trong 5 nước triển khai xét nghiệm này, độ chính xác cao. "T.Ư đảm nhận cho Hà Nội xét nghiệm này", ông Long nói.
"Xét nghiệm PCR phải làm thật nhanh. Trong 3 ngày thì cũng làm được", ông Long nói.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thành phố cần chuẩn bị cơ sở vật chất, tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ khác, là các bệnh nhân, nhân viên y tế có tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm. "Việc này thành phố cần chủ động làm", ông Long nói thêm.
Ông Long thống nhất việc T.Ư tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân của Hà Nội. Nếu có tăng thêm thì cần có kịch bản tiếp theo. "Quan điểm là giữ cho Thủ đô. Bởi nếu Thủ đô bị ảnh hưởng thì cũng ảnh hưởng đến các cơ quan T.Ư", ông Long nói, đồng thời cho biết, đã rút các chuyên gia kỳ cựu từ Đà Nẵng ra để tăng cường cho Hà Nội.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc xét nghiệm sẽ được thanh toán qua bảo hiểm y tế, đảm bảo tính đúng, tính đủ. Còn việc mua sắm sẽ có hướng dẫn, căn cứ theo các quy định của pháp luật.
"Đặc biệt, Hà Nội phải hết sức lưu ý cho các cơ sở y tế, coi như đây là các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Việc bảo vệ các cơ sở y tế là quan trọng, đặc biệt là các khoa có các bệnh nhân hồi sức cấp cứu, chạy thận, bệnh nhân già, bệnh lý nền", ông Long lưu ý.