[Quy tắc đầu tư vàng] Triết lý người đầu tư thành công không kiếm tiền bằng cảm tính của tỷ phú quản lý ngân hàng lớn nhất nước Mỹ

31/08/2020 10:51 AM | Kinh doanh

Bí quyết đi đến thành công được Dimon tiết lộ có thể sẽ khiến nhiều người phải tròn mắt, nhất là sau những thành tích mà vị tỷ phú đạt được trên con đường sự nghiệp…

Jamie Dimon (sinh ngày 13/03/1956) là một tỷ phú, chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan Chase - ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ có tài sản trị giá 2.600 tỷ USD. Hiện ông cũng đang trực tiếp quỹ đầu tư JPMorgan Chase với khối tài sản trị giá gần 30 tỷ USD.

Nhắc về tuổi thơ, ông vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu khá giả tại Mỹ. Hồi còn trẻ, ông thường xuyên dành thời gian rảnh rỗi của mình cho việc nghiên cứu các hoạt động đầu tư, ông thường một mình ngồi cả ngày trước một dãy các con số giá cả chứng khoán.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông đăng kí học đại học trường đại học Tufts và học tiếp thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard. Nói về bản thân, ông luôn tự nhận mình có thể không phải người xuất chúng nhất nhưng lại là một nhà quản lí quỹ kiêm CEO bản lĩnh và biết cách đương đầu với những rủi ro. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Dimon là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong ngành tài chính nước Mỹ. Ông cũng là một trong số ít các CEO ngân hàng trở thành tỷ phú.

[Quy tắc đầu tư vàng] Triết lý người đầu tư thành công không kiếm tiền bằng cảm tính của tỷ phú quản lý ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - Ảnh 1.

Sau khi ra trường, ông được đào tạo và làm việc từ vị trí chuyên viên tư vấn tại Goldman Sachs và American Express. Sau đó, ông chuyển sang làm việc cho Citi Group và First Chicago Corp. Thời gian tiếp theo, ông chuyển việc tới Bank One - tổ chức này sau đó đã được JPMorgan Chase mua lại. Hiện quỹ đầu tư JPMorgan Chase của ông đang quản lý khối tài sản trị giá gần 29 tỷ USD.

Bước ngoặt chói sáng trong sự nghiệp sau khi rời Citigroup vào năm 1998, Dimon đã gia nhập Bank One ở cương vị Chủ tịch HĐQT và CEO. Chỉ trong vòng 4 năm, ông đã vực dậy một Bank One đang đầy ắp khó khăn vào lúc đó và bán nó cho JPMorgan Chase vào năm 2004 với giá 58 tỷ USD. Cuộc sáp nhập này cuối cùng đã giúp Dimon trở thành CEO của JPMorgan - vị trí được ông nắm giữ từ năm 2005 đến nay.

Và tài năng của Dimon càng được biết tới rộng rãi hơn khi là người có công đầu trong việc giúp JPMorgan Chase vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 mà hầu như chẳng chịu chút tổn thất nào nếu so với các ngân hàng khác. Dưới sự dẫn dắt của Dimon, giá trị cổ phiếu của JPMorgan đã tăng hơn gấp đôi, từ 48,07 USD lên đến 114,07 USD.

Dimon còn biết đến là một người lãnh đạo sử dụng thành công các biện pháp bắt buộc, ra lệnh và đe dọa để tránh cho JP Morgan có những sự tan rã đáng tiếc. Về JP Morgan khi đế chế khổng lồ này chỉ là một tổ chức rời rạc, trên dưới không đồng lòng, Dimon đã sử dụng biện pháp cưỡng chế, sử dụng triệt để quyền điều hành của mình, cải cách tất cá các bộ phận của tổ chức tài chính của ông.

Với tổng tài sản ròng ước tính 1,4 tỷ USD, ông được tạp chí Time cũng xếp Dimon vào danh sách 100 cá nhân gây ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu vào các năm 2006, 2008, 2009 và 2011. Còn CNBC thì gọi Dimon là nhà lãnh đạo có sức tác động mạnh mẽ nhất phố Wall vào giai đoạn 2014-2018.

Khi chia sẻ với Forbes, vị CEO đã nói rằng, bí quyết thành công của ông là biết ưu tiên cho gia đình, công việc chỉ đứng ở vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên.

Vị tỷ phú nói: "Tôi lúc nào cũng lặp đi lặp lại rằng, gia đình là số một, còn công việc điều hành ngân hàng và quỹ đầu tư ở JPMorgan, thú thực, chỉ đứng ở vị trí cuối cùng mà thôi" Cũng theo quan điểm của ông. "Nếu thiếu sự tồn tại của gia đình, thiếu đi sự hậu thuẫn và các bài học từ họ những khi thành công hay sóng gió... bạn sẽ khó có được một cuộc đời trọn vẹn".

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã chứng minh được bản thân là một nhà điều hành và quản lí quỹ đầu tư khôn ngoan bậc nhất, tạo ra nguồn lợi nhuận vững chắc và đồ sộ cho đế chế tài chính của mình. Mặc dù rất ít chia sẻ phương pháp trên truyền thông tuy nhiên trong 1 phỏng vấn trên truyền hình quốc gia năm 2016 ông đã bật mí 2 bí quyết để có thể thành công trong lĩnh vực tài chính nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng

Người đầu tư thành công không kiếm tiền bằng cảm tính

Trong một thị trường biến động như thị trường chứng khoán, người kiếm tiền bằng cảm tính chính là người dễ thất bại nhất. Tuy nhiên, có một nghịch lý là con người dễ bị chi phối về mọi hoạt động nhận thức thế giới xung quanh và hầu hết mọi người đều cho rằng họ đang làm rất đúng.

Trước khi nhấn phím enter đặt lệnh, thay vì đầu tư chỉ yêu thích một cổ phiếu nào đó và cố tình phớt lờ trước những diễn biến xấu của thị trường thì vị tỷ phú chia sẻ ông thường dành rất nhiều giờ để đọc báo cáo tài chính, nghiên cứu và tìm hiểu các thông tin cốt lõi của doanh nghiệp.

Chính việc nghiên cứu sâu này sẽ phần nào hỗ trợ cho ông hạn chế tối đa được rủi ro trong đầu tư cũng như có được toàn cảnh bức tranh về kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, ông chọn ra thời cơ thích hợp để mua cổ phiếu với mức thấp hơn giá trị thực và bán ra kiếm lời với giá trị cao hơn khi nó được định giá đúng với giá trị.

Phân bổ tài sản một cách hợp lý rất quan trọng đảm bảo lợi nhuận dài hạn. Hiểu biết rõ chiến lược này là một trong những yếu tố quyết định đầu tư thành công.

Phân bổ tài sản có nghĩa là phân bổ danh mục đầu tư của nhà đầu tư cho những loại tài sản lớn ví dụ như cổ phiếu, thu nhập cố định, hàng hóa và tiền mặt để đạt được mục tiêu tài chính và quản lý rủi ro.

Chiến lược này có tác dụng vì các loại tài sản khác nhau có lợi nhuận và rủi ro khác nhau. Ví dụ, cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng và thu nhập, trong khi thu nhập cố định thường đem lại sự ổn định và đảm bảo thu nhập. Những lợi ích của các loại tài sản khác nhau có thể được kết hợp thành một danh mục đầu tư với mức rủi ro có thể chấp nhận được.

Theo Dimon, lịch sử trên thị trường chỉ ra rằng các loại tài sản có hiệu suất khác nhau từ năm này qua năm khác. Trái phiếu có thể có lợi nhuận lớn nhất trong năm nay nhưng trong năm tới sẽ là cổ phiếu. Hoặc hàng hóa có thể là loại tài sản hấp dẫn trong một thời gian nhưng sau đấy sẽ bình ổn khi loại tài sản khác tạo cơn sốt.

Nhìn vào lợi nhuận trong quá khứ thì nhận xét dễ hơn. Tuy nhiên, dự đoán loại tài sản nào sẽ lên giá nhiều nhất trong một năm cố định là một điều khó khăn. Vì lý do đó, nếu chia khoản đầu tư thành nhiều loại tài sản thì có khả năng một loại tài sản sẽ tăng cao và các loại tài sản khác cũng tăng luân phiên trong dài hạn.

Đến tuổi nghỉ hưu, nhà đầu tư có thể muốn đầu tư vào quỹ trái phiếu và giữ tiền mặt để có sự ổn định. Nhưng cũng đừng quên cổ phiếu, bởi vì lạm phát luôn theo sát chúng ta.

Đối với ông bí quyết để thành công đã được kiểm chứng khi so sánh các chiến lược đầu tư trong hơn 20 năm qua cho thấy đầu tư với nhiều loại tài sản đã giúp giảm biến động tổng thể của danh mục đầu tư và tránh được rủi ro khi thị trường xuống.

Lê Hằng

Cùng chuyên mục
XEM