Quy hoạch hạ tầng ĐBSCL: 'Container hóa' đường thủy nội địa, hình thành trục đường bộ mới

25/05/2021 20:02 PM | Kinh doanh

Chuyên gia giao thông Phạm Hoài Chung cho biết quan điểm quy hoạch ĐBSCL thời gian tới là đầu tư đồng bộ giữa các loại hình vận tải, kết hợp phát triển lợi thế đường thủy nội địa của vùng.

Trao đổi với Người Đồng Hành, chuyên gia giao thông Phạm Hoài Chung cho biết đường bộ sẽ được đầu tư mạng lưới giao thông theo cả trục dọc, trục ngang và cả tuyến đường ven biển nhằm khai thác lợi thế về biển của các tỉnh duyên hải ĐBSCL. Theo đó, vùng dự kiến được bố trí 500.000 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đến 2030.

Quy hoạch hạ tầng ĐBSCL: Container hóa đường thủy nội địa, hình thành trục đường bộ mới - Ảnh 1.

TS Phạm Hoài Chung, Viện phó, Viện Chiến lược & Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: Ngọc Hà.

- Vùng ĐBSCL gần đây ghi nhận nhiều chuyển động tích cực về chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, đi liền với quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên trước đó, đây vốn được xem là vùng trũng về hạ tầng so với mặt bằng chung của cả nước. Nguyên nhân của điều đó là gì, thưa ông?

- Trước hết phải nói rằng, ĐBSCL trong giai đoạn vừa qua vẫn được quan tâm đầu tư ngang bằng với mức bình quân của cả nước nhưng số lượng công trình được xây dựng được thường ít hơn. Do vùng có đặc thù điều kiện tự nhiên nhiều sông ngòi, kênh rạch, địa chất yếu, suất đầu tư mỗi công trình cao hơn so với những vùng khác. Ví dụ thông thường 1 tỷ đồng sẽ đầu tư được 1 km đường nhưng cũng với số tiền này chỉ xây dựng được 0,5km tại ĐBSCL. Do đó, vùng cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo động lực thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.

Trên thực tế từ năm 2012 và 2018, Thủ tướng đã phê duyệt các quyết định quy hoạch phát triển giao thông vận tải và điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đến 2030 và tầm nhìn đến 2050. Trên cơ sở hai quyết định “xương sống” này và thực hiện Luật Quy hoạch mới, Bộ Giao thông vận tải đang lập 5 quy hoạch ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, hàng hải, thủy nội địa và hàng không) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó quan tâm lớn đến định hướng phát triển giao thông ĐBSCL trong mối quan hệ kết nối không gian với cả nước và quốc tế.

- Việc quy hoạch lần này có gì khác trước?

- Nhìn chung, các quy hoạch được lập trong giai đoạn trước đây đã đảm bảo được chất lượng nhất định, giúp hình thành hệ thống khung kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của vùng tương đối rõ nét với những công trình tiêu biểu (tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) nhưng cũng còn một số tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là việc đề xuất dự án theo quy hoạch trong khi không cân đối được nguồn lực (vốn, công nghệ), dẫn đến không đạt được chỉ tiêu quy hoạch cao.

Trong dự thảo báo cáo quy hoạch giao thông vận tải lần này đã khắc phục những nhược điểm của giai đoạn vừa qua để đưa ra quan điểm quy hoạch phù hợp trong đó quan tâm, bố trí nguồn lực, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, không đầu tư, bố trí vốn dàn trải; Đầu tư dự án nào xong dự án đó để đưa vào khai thác, như vậy việc đầu tư mới hiệu quả và tránh lãng phí. Định hướng quy hoạch là chú trọng kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm của vùng, trong đó, chú trọng phát huy lợi thế vận tải thủy nội địa, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Về phương thức huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước còn chú trọng huy động vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Dự kiến quy hoạch sẽ trình Chính phủ và Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt vào quý III năm nay.

- Vậy hạ tầng các ngành sẽ được quy hoạch cụ thể tại ĐBSCL như thế nào?

- Như đã nói ở trên, dự thảo quy hoạch tập trung phát triển và tăng thị phần vận tải hàng hóa  đường thủy nội địa theo “xu hướng container hóa”, kết nối với hệ thống cảng biển Cần Thơ, TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để gom hàng, nhập và xuất khẩu đi thị trường quốc tế. Các công trình thủy nội địa được nâng cấp, cải tạo, trong đó có tuyến huyết mạch vùng là kênh Chợ Gạo - nối sông Tiền Giang với sông Vàm Cỏ.

Tĩnh không một số cầu như cầu Mang Thít, cầu Nàng Hai, cầu Trà Ôn trên các tuyến sông, kênh chính cũng sẽ được nâng lên để phát triển vận tải container trong tương lai. Nghĩa là sản phẩm, hàng hóa sẽ được đóng container tại vùng sản xuất sau đó đi thẳng ra cảng biển thay vì chở rời lên TP HCM như hiện nay, gây tốn kém chi phí và thời gian. Cùng với đó là việc hiện đại hóa, dây chuyền xếp dỡ, cải tạo đường bộ dẫn đến cảng, hệ thống cầu cảng...

Để kết nối với hàng hải, quy hoạch còn tính đến việc phát triển tuyến vận tải ven biển kết nối từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. ĐBSCL sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của các cảng biển sẵn như Cái Cui, Vĩnh Thới (An Giang), Tắc Cậu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau). Tuy nhiên các cảng này mới đón được tàu giảm tải 20.000 tấn và tàu 10.000 tấn đầy tải là tối đa nên quy hoạch cũng dự kiến tập trung nghiên cứu, hình thành một cảng biển nước sâu cho vùng là khu vực Trần Đề (Sóc Trăng). Người làm quy hoạch cũng tính đến việc nạo vét hệ thống luồng lạch vào cảng biển như sông Hậu, sông Tiền, Quan Chánh Bố..., hiện đại hóa dây chuyền xếp dỡ, ứng dụng công nghệ, xây dựng trung tâm logistics tại mỗi cảng.

Về hàng không, hiện ĐBSCL có 4 sân bay quốc tế và nội địa là Phú Quốc, Cần Thơ, Rạch Giá và Cà Mau. Tương lai, An Giang sẽ có sân bay taxi. Hiện cảng hàng không Cần Thơ mới khai thác được 40-50% công suất thiết kế. Do đó cần phải có chính sách nâng cấp, cải tạo và hiện đại hóa hạ tầng cảng để thu hút hành khách lưu chuyển đến đây. Sân bay Quốc tế Phú Quốc tương lai được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4E. Đây là sân bay trọng điểm về phát triển du lịch, phục vụ thành phố Phú Quốc và toàn tỉnh Kiên Giang.

Về đường sắt, vùng sẽ được nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến TP HCM - Cần Thơ dài 174 km, khi đi vào hoạt động sẽ giảm tải ùn tắc giao thông cho QL 1A, QL 60, QL 50 và tuyến N2. Đến 2050, lượng hành khách sẽ được giảm tải, hỗ trợ cho hệ thống đường bộ và góp phần tái cơ cấu vận tải hợp lý trong vùng.

Quy hoạch hạ tầng ĐBSCL: Container hóa đường thủy nội địa, hình thành trục đường bộ mới - Ảnh 2.

Hiện trạng hệ thống giao thông ĐBSCL.

- Vậy còn đường bộ, lâu nay vốn là điểm yếu của vùng thì sao, thưa ông?

- Đường bộ đang giữ vai trò chủ đạo về vận tải hành khách nhờ những lợi thế nhất định. Do nhu cầu đi lại, chất lượng cuộc sống đi lên, nhu cầu đầu tư phương tiện giao thông cá nhân cũng nhiều hơn, xuất hiện tình trạng ùn tắc ở các đô thị và tuyến quốc lộ huyết mạch trong vùng, đặc biệt vào những dịp lễ, tết. Định hướng quy hoạch thời gian tới là đầu tư mạng lưới giao thông theo trục dọc, chiều ngang và cả đường ven biển để giải quyết tình trạng vừa nêu.

Về trục dọc, quy hoạch dự kiến đầu tư, hoàn thiện và đưa vào khai thác tuyến N2, đóng vai trò trục mới của vùng đồng bằng sông Cửu Long, với điểm đầu tại huyện Củ Chi (TP HCM) đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp) và điểm cuối là Kiên Giang. Các đoạn tuyến cao tốc còn lại từ TP HCM - Cà Mau cũng tiếp tục hoàn thiện và dự kiến đi vào khai thác giai đoạn 2021-2025. Hiện cao tốc TP HCM - Cà Mau đã hoàn thành được 40km và đang đầu tư, chuẩn bị đưa vào khai thác tuyến Trung Lương -Mỹ Thuận dài khoảng 52km.

Về trục ngang, sẽ đẩy sớm tiến độ đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ- Sóc Trăng - Trần Đề vào giai đoạn 2021-2025 thay vì 2026-2030 như trước đây và đầu tư đoạn tuyến cao tốc nối Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh cũng như An Hữu (Tiền Giang) - Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Dự thảo quy hoạch còn tính đến việc nghiên cứu hình thành tuyến đường bộ ven biển nhằm khai thác lợi thế về biển của các tỉnh duyên hải ĐBSCL như Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Việc nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ cũng đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu vận tải của vùng, giảm chi phí vận tải và logistics.

Quy hoạch hạ tầng ĐBSCL: Container hóa đường thủy nội địa, hình thành trục đường bộ mới - Ảnh 3.

Hiện trạng cao tốc ĐBSCL.

- Ông có cho rằng việc quy hoạch và đầu tư như trên, đến nay mới làm là muộn không?

- Theo tôi về đầu tư không thể nói sớm hay muộn mà việc đầu tư theo quy hoạch sẽ góp phần tái cơ cấu vận tải hợp lí và phù hợp với nhu cầu vận tải của từng giai đoạn nhất định, nếu nguồn lực lớn ta có thể đầu tư tốt hơn, hiện đại hơn.

Đối với ĐBSCL, đây lại là thời điểm thuận lợi với dân số vàng, năng suất lao động tăng lên đáng kể, nhu cầu hấp thụ, lưu chuyển hàng hóa lớn tương xứng với vị thế phát triển của vùng... Việc đẩy mạnh phát triển giao thông vận tải theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để đầu tư, nâng cấp, cải tạo công trình ở thời điểm hiện nay là phù hợp với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền sản xuất, thương mại và phát triển xã hội của vùng.

Quy hoạch hạ tầng ĐBSCL: Container hóa đường thủy nội địa, hình thành trục đường bộ mới - Ảnh 4.

ĐBSCL dự kiến được bố trí 500.000 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đến 2030, trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 120.000 tỷ đồng và xã hội hóa 380.000 tỷ đồng.

- Rút kinh nghiệm từ quy hoạch trước, việc bố trí nguồn vốn trong giai đoạn tới được sẽ được thực hiện như thế nào?

- Để đưa ra được con số dự toán chính xác nhất và đảm bảo cân đối đủ nguồn lực cho hoạt động đầu tư của vùng, đơn vị thực hiện quy hoạch phải dự báo chính xác điều kiện địa phương, tín dụng, cơ cấu lao động, đặc biệt là nhu cầu vận tải. Dựa trên những dự báo, dự thảo quy hoạch đề xuất bố trí khoảng 500.000 tỷ để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho ĐBSCL đến 2030, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 120.000 tỷ đồng và xã hội hóa 380.000 tỷ đồng.

- Ngoài đầu tư về hạ tầng, ĐBSCL sẽ cần chú trọng vấn đề gì khác để nắm bắt cơ hội phát triển trong giai đoạn tới ?

- ĐBSCL cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý, khai thác và tổ chức thực hiện quy hoạch rất tốt thì mới đáp ứng, thích nghi được sự phát triển trong thời đại công nghệ số hiện nay. Khi vùng có quy hoạch tốt sẽ đưa ra được những dự án tốt. Dự án tốt sẽ tìm được nhà đầu tư tốt. Nhà đầu tư tốt phải có con người khai thác, quản lý vận hành dự án tốt. Chất lượng nguồn nhân lực của vùng phải được chú trọng và nâng lên mới đảm bảo công tác quản lý quy hoạch. Lập quy hoạch tốt đã đành, quản lý quy hoạch có tốt thì việc thực hiện quy hoạch mới tốt được.

Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM