Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết bãi bỏ thiết quân luật của Tổng thống, quân đội rời tòa nghị viện

04/12/2024 00:19 AM | Thế giới

Vào rạng sáng 4/12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết bãi bỏ thiết quân luật được Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố chỉ trước đó vài giờ đồng hồ.

(Các thông tin mới được cập nhật ở phía đầu bài viết)

Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết bãi bỏ thiết quân luật

Vào khoảng 1h sáng ngày 4/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik thông báo thiết quân luật là vô hiệu, sau khi các nhà lập pháp nước này thông qua nghị quyết về bãi bỏ thiết quân luật trong cuộc họp khẩn.

Ông Woo cũng xác nhận "Tất cả binh sĩ tiến vào tòa nhà Quốc hội đã rời đi".

Theo Yonhap, nghị quyết về bãi bỏ thiết quân luật được thông qua bởi 190/190 nghị sĩ có mặt. 18 nhà lập pháp ủng hộ ông Han Dong Hoon từ đảng PPP cầm quyền và 172 nghị sĩ đối lập đã bỏ phiếu.

Chủ tịch Quốc hội Woo Won Sik nói, "Tổng thống phải ngay lập tức dỡ bỏ thiết quân luật theo nghị quyết của Quốc hội. Tuyên bố thiết quân luật hiện đã vô hiệu."

Các thành viên của Quốc hội đang chờ đợi tại hội trường toàn thể trong khi chờ lệnh dỡ bỏ thiết quân luật chính thức - Yonhap cho hay.

Trước đó, quân đội thiết quân luật đã tiến vào khu nhà Quốc hội Hàn Quốc và vào bên trong tòa nhà chính. Yonhap mô tả số lượng lớn người cố gắng chặn lối vào của các binh sĩ. Ba chiếc trực thăng được cho là chở các quân nhân đã bay vào khu phức hợp vào khoảng 23h46 tối ngày 3/12.

Chỉ các nhà lập pháp, nhân viên Quốc hội và phóng viên được công nhận mới được phép vào bên trong sau khi kiểm tra giầy tờ tùy thân. Khu vực bên ngoài Quốc hội Hàn Quốc được quân đội bảo vệ bằng rào chắn.

Lệnh thiết quân luật được Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố tối ngày 3/12 đánh dấu lần đầu tiên kể từ sau năm 1981 đến nay tình trạng này được áp đặt tại Hàn Quốc.

Thiết quân luật gần đây nhất được ban bố tại Hàn Quốc vào năm 1979 sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung Hee. Tình trạng này duy trì đến ngày 24/1/1981 và chưa bao giờ được ban bố lại kể từ đó.

 - Ảnh 1.

(Ảnh: Yonhap)

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc lên tiếng

Vào đêm 3/12, rạng sáng 4/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik đưa ra tuyên bố về lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon: "Quốc hội sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó theo đúng trình tự hiến pháp".

Ông phát biểu trong cuộc họp báo khẩn cấp được tổ chức tại Quốc hội, kêu gọi người dân Hàn Quốc "tin tưởng Quốc hội và bình tĩnh theo dõi tình hình".

"Tôi yêu cầu tất cả các thành viên của Quốc hội tập trung tại phòng họp chính của Quốc hội ngay lập tức", ông Woo lên tiếng, nói thêm rằng "Đặc biệt là quân đội và cảnh sát không nên bị kích động và nên giữ nguyên vị trí của mình".

 - Ảnh 2.

Quân đội thiết quân luật đang chuẩn bị tiến vào tòa nhà chính của Quốc hội Hàn Quốc tại Seoul vào khoảng nửa đêm, ngày 4/12/2024 (Ảnh: Yonhap)

Nhà Trắng theo dõi sát sao tình hình

Theo Yonhap, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết "đang theo dõi chặt chẽ tình hình" ở Hàn Quốc sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nói rằng, "Chính quyền đang liên lạc với chính phủ Hàn Quốc".

Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm giá mạnh so với đồng USD vào ngày 3/12, trượt xuống mức thấp nhất là 1.430 won đổi 1 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 26/10/2022.

 - Ảnh 3.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật vào tối 3/12/2024

Quốc hội Hàn Quốc bị phong tỏa

Yonhap đưa tin vào lúc 23h08 tối 3/12 (giờ Hàn Quốc) cho biết, các lối ra vào của Quốc hội nước này đã bị phong tỏa sau lệnh thiết quân luật.

Đến khoảng 23h30 tối, Cảnh sát Quốc hội và các sĩ quan Đồn cảnh sát Yeongdeungpo đã được bố trí dọc theo hàng rào tại tòa nhà Quốc hội ở Yeongdeungpo-gu, Seoul.

Hiện tại, chỉ các thành viên của Quốc hội, nhân viên Ban thư ký Quốc hội, trợ lý Quốc hội và phóng viên Quốc hội mới được vào qua Cổng 1 và 2 sau khi xác minh danh tính - Yonhap cho hay.

Khoảng 100 người đã tụ tập trước Quốc hội Hàn Quốc sau khi thiết quân luật được ban bố.

 Cho Kuk, một lãnh đạo đảng DP, kêu gọi "Các binh lính và chỉ huy, đừng bao giờ huy động quân đội."

Thẩm quyền của Tư lệnh Thiết quân luật

Theo Đạo luật thiết quân luật của Hàn Quốc, chỉ huy thiết quân luật được Tổng thống bổ nhiệm từ các sĩ quan cấp tướng đang tại ngũ, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất, sau khi Hội đồng Nhà nước cân nhắc.

Song song với việc ban bố thiết quân luật, chỉ huy thiết quân luật sẽ giám sát mọi công việc hành chính và tư pháp trong khu vực thiết quân luật. Các cơ quan hành chính và tư pháp trong khu vực thiết quân luật sẽ nằm dưới sự chỉ huy và giám sát của chỉ huy thiết quân luật.

Trong trường hợp cần thiết, chỉ huy thiết quân luật có quyền thực hiện các biện pháp đặc biệt liên quan đến việc bắt giữ, giam giữ, tịch thu, khám xét, cư trú, di dời, phát biểu, công bố, tập hợp, liên kết hoặc hành động tập thể.

Chỉ huy thiết quân luật chịu sự chỉ huy và giám sát của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến thực thi thiết quân luật. Trong trường hợp phạm vi thiết quân luật là cả nước, hoặc khi Tổng thống Hàn Quốc cần trực tiếp chỉ huy và giám sát thì chỉ huy thiết quân luật phải tuân theo mệnh lệnh của Tổng thống.

 
 - Ảnh 4.

Cảnh sát đang kiểm soát lối vào tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc vào đêm ngày 3/12, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật (Ảnh: Yonhap)

Hàn Quốc cấm hoạt động liên quan Quốc hội và đảng phái

Đại tướng Park An Su, Tham mưu trưởng Lục quân Hàn Quốc, đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh Thiết quân luật. Tướng Park cho biết, các hoạt động liên quan đến Quốc hội và các đảng chính trị, bao gồm mít tinh và biểu tình, bị cấm trong thời gian thiết quân luật.

Theo ông Park, những người vi phạm lệnh thiết quân luật có thể bị bắt mà không cần lệnh của tòa án. Toàn bộ nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ nội trú, cũng được yêu cầu trở lại công việc trong vòng 48 giờ.

Toàn bộ truyền thông và hoạt động xuất bản sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của thiết quân luật - ông Park nêu. 

Theo Yonhap, các chỉ huy quân sự từ cấp tiểu đoàn trở lên được lệnh trong tình trạng sẵn sàng.

Trong khi đó, đảng PPP đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Tối cao và cuộc họp chung khẩn cấp của các thành viên tại trụ sở đảng này ở Yeouido để phản ứng lại quyết định thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

 - Ảnh 5.

Đại tướng Park An Su được bổ nhiệm làm Tư lệnh Thiết quân luật (Ảnh: Yonhap)

Lãnh đạo đảng cầm quyền Hàn Quốc nói sẽ chặn thiết quân luật

Theo Yonhap, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của Hàn Quốc Han Dong Hoon tuyên bố quyết định ban bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol là "sai trái". Ông Han khẳng định sẽ "chặn" quyết định này cùng với người dân.

Một đại diện PPP đã gặp các phóng viên tại trụ sở đảng, khẳng định “Đảng Quyền lực Nhân dân không biết trước” về thiết quân luật. Quan chức này nói, “Chúng tôi chắc chắn sẽ ngăn chặn thiết quân luật bất hợp pháp và vi hiến.”

Lãnh đạo đảng DP Lee Jae Myung gọi tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp của ông Yoon là "vi hiến", cảnh báo "xe tăng, xe bọc thép và binh lính với súng và kiếm sẽ sớm kiểm soát đất nước".

 - Ảnh 6.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc Lee Jae Myung đến Tòa án Quận Trung tâm Seoul ngày 3/12/2024 để tham dự phiên điều trần về các cáo buộc tham nhũng chống lại ông (Ảnh: Yonhap)

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc triệu tập tướng lĩnh, đảng đối lập gọi nghị sĩ đến Quốc hội

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo triệu tập "cuộc họp các chỉ huy cấp cao của toàn thể lực lượng vũ trang", thúc giục đề cao cảnh giác - hãng thông tấn Yonhap nêu. Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun ra lệnh cho quân đội duy trì tình trạng cảnh giác khẩn cấp.

Lãnh đạo cảnh sát, công tố và các bộ ngoại giao, tài chính,... Hàn Quốc cũng triệu tập họp khẩn tại các cơ quan này.

Đảng Dân chủ (DP) đối lập ở Hàn Quốc cũng kêu gọi các nhà lập pháp của họ tới Quốc hội ngay sau khi lệnh thiết quân luật được Tổng thống Yoon ban bố. Theo Yonhap, động thái này dường như nhằm mục đích thảo luận ngay lập tức và khởi động các thủ tục cần thiết để dỡ bỏ thiết quân luật.

Khoản 5, Điều 77 trong Hiến pháp Hàn Quốc quy định: "Khi Quốc hội yêu cầu bãi bỏ thiết quân luật với sự đồng ý của đa số đại biểu Quốc hội thì Tổng thống [Hàn Quốc] phải bãi bỏ". Điều này có nghĩa là đảng Dân chủ, nắm giữ 170 trong số 300 ghế tại Quốc hội Hàn Quốc, có thể tự mình thông qua việc bãi bỏ thiết quân luật.

Quyết định của ông Yoon được đưa ra sau khi đảng Dân chủ thông qua dự luật về cắt giảm ngân sách tại Ủy ban ngân sách Quốc hội, đồng thời tiến hành thủ tục luận tội nhắm vào một kiểm toán viên nhà nước và Tổng trưởng công tố Hàn Quốc.

Liên quan đến dự luật ngân sách bị cắt giảm, ông Yoon chỉ trích điều này sẽ làm suy yếu các chức năng thiết yếu của chính phủ, bao gồm phòng chống tội phạm ma túy và các biện pháp an toàn công cộng.

Tổng thống cáo buộc đảng DP sử dụng các dự luật ngân sách và thủ tục luận tội như một công cụ chính trị để bảo vệ lãnh đạo Lee Jae Myung - người đang phải đối mặt với một số phiên tòa - khỏi bị truy tố.

 - Ảnh 7.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun đã triệu tập cuộc họp các tướng lĩnh quân đội ngay sau lệnh thiết quân luật của Tổng thống (Ảnh: Yonhap)

Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật khẩn cấp

Yonhap cho hay, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố trong thông điệp khẩn cấp phát đi vào 22h30 tối 3/12 từ văn phòng Tổng thống ở Yongsan, “Tôi tuyên bố thiết quân luật để loại trừ các lực lượng thân Triều Tiên và bảo vệ trật tự hiến pháp tự do".

Ông Yoon nói trong thông điệp được truyền hình trực tiếp, "Thông qua thiết quân luật này, chúng ta sẽ xây dựng lại và bảo vệ Đại Hàn Dân Quốc đang rơi vào vực thẳm của sự hủy diệt quốc gia".

"Vì mục đích này, tôi sẽ xóa bỏ hoàn toàn các thế lực chống nhà nước là nguyên nhân gốc rễ của sự hủy diệt quốc gia...," ông tuyên bố.

Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh, "Đây là biện pháp tất yếu để đảm bảo tự do và an toàn cho người dân và sự bền vững của đất nước khỏi các hoạt động của các thế lực chống nhà nước tìm cách lật đổ chế độ, và để truyền lại một đất nước đúng nghĩa cho các thế hệ tương lai".

Ông Yoon tiếp tục, "Tôi sẽ xóa bỏ các thế lực chống nhà nước và bình thường hóa đất nước càng sớm càng tốt", bổ sung rằng "Việc ban bố thiết quân luật có thể gây ra một số bất tiện cho những công dân tốt đã tin tưởng và tuân theo các giá trị của Hiến pháp Hàn Quốc, nhưng tôi sẽ tập trung vào việc giảm thiểu sự bất tiện đó".

Tổng thống Hàn Quốc nói "Những biện pháp như vậy là tất yếu đối với sự bền vững" của nước này và "không có thay đổi nào trong chính sách đối ngoại chủ chốt của Hàn Quốc trong việc hoàn thành trách nhiệm và đóng góp cho cộng đồng quốc tế".

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM