Quốc gia tiêm chủng top đầu đã thoát khỏi ‘chế độ đại dịch’: 4 bài học cho toàn thế giới
Dưới đây là những gì thế giới có thể học được từ kinh nghiệm của Israel trong phòng chống Covid-19, theo hai chuyên gia dịch tễ.
Ngày 1/6, Israel đã quyết định gỡ bỏ nhiều quy định hạn chế trong phòng chống dịch Covid-19 .
Theo đó, Israel đã ngừng hoạt động của hệ thống thẻ Green Pass. Điều này có nghĩa là người Israel không còn phải trình giấy tờ chứng nhận đã tiêm phòng hoặc đã phục hồi từ Covid-19 để vào các địa điểm công cộng.
Giờ đây, cả người đã tiêm vắc xin và chưa tiêm vắc xin Covid-19 đều được phép vào các nhà hàng, nơi tổ chức sự kiện thể thao, hoạt động văn hóa và những địa điểm công cộng tương tự.
Quy định hạn chế số người tham gia các buổi tụ tập, kể cả trong nhà lẫn ngoài trời, cũng đã được gỡ bỏ. Các buổi hòa nhạc và lễ hội giờ đây có thể tổ chức theo quy chuẩn trước khi đại dịch diễn ra.
Hiện tại, quy định phòng chống dịch duy nhất ở Israel là yêu cầu đeo khẩu trang tại một địa điểm công cộng đóng kín cửa. Và các quan chức y tế đang thảo luận để dỡ bỏ nốt quy định này.
"Giống như truyện cổ tích vậy, mọi thứ thay đổi chỉ sau một đêm", nhà dịch tễ học hàng đầu của Israel, Giáo sư Nadav Davidovitch đến từ Đại học Ben Gurion, nói về việc dỡ bỏ các quy định phòng chống Covid-19.
Nhạc sĩ Aviv Geffen biểu diễn tại Bệnh viện Ichilov ở thành phố Tel Aviv, Israel, khi nước này dỡ bỏ phần lớn quy định hạn chế trong phòng chống Covid-19 ngày 1/6.
Davidovitch nói thêm: "Tôi rất tự hào khi Israel trở thành một quốc gia kiểu mẫu".
Trong một cuộc họp báo, Davidovitch và một nhà dịch tễ học hàng đầu khác, Ronit Calderon-Margalit của Đại học Hebrew, nhấn mạnh rằng mặc dù Israel đã thoát khỏi ‘chế độ đại dịch’, cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong cuộc họp báo, các chuyên gia đưa ra 4 bài học quan trọng mà họ tin rằng các quốc gia khác có thể học hỏi từ Israel.
1. Vắc xin
Một người Israel được tiêm vắc xin Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng Leumit ở thành phố Tel Aviv, ngày 8 tháng 3 năm 2021. (Miriam Alster / Flash90)
Theo số liệu ngày 1/6 từ Our World In Data, Israel là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 61% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19.
Theo cả hai chuyên gia, vắc xin đã ‘biến đổi’ Israel và đưa đất nước của họ đến gần với khả năng miễn dịch cộng đồng.
"Trên thực tế, có vẻ như chúng tôi đang đạt được điều đó [miễn dịch cộng đồng]", Calderon-Margalit nói.
Người đứng đầu Bộ Y tế Israel, Tiến sĩ Sharon Elroy-Preis, không có câu trả lời chắc chắn về việc liệu Israel đã đạt được miễn dịch cộng đồng hay chưa.
Elroy-Preis hôm 30/5 gọi miễn dịch cộng đồng là "một tình huống mà con người hành động bình thường và không truyền mầm bệnh cho người khác".
Bà Elroy-Preis nói thêm: "Đúng là chúng tôi đã dỡ bỏ ngày càng nhiều quy định và cuối cùng chúng tôi sẽ trở lại bình thường và không đeo khẩu trang, nhưng chỉ khi đó chúng tôi mới biết liệu virus có thể lây truyền từ người này sang người khác nữa hay không".
Davidovitch nói thêm: "Không phải bạn tiêm phòng cho một người nữa và sau đó bạn đột nhiên có miễn dịch cộng đồng. Mọi thứ phải diễn ra một cách từ từ. Tôi rất tự hào vì Israel là một quốc gia kiểu mẫu và giờ đây chúng tôi đang gặt hái thành quả của một chiến dịch tiêm chủng thực sự tuyệt vời".
Bài học từ Israel cho thế giới: Vắc xin hoạt động hiệu quả ngay cả ở những quốc gia từng có số ca mắc Covid-19 cao ngất như Israel.
2. Biên giới
Một kỹ thuật viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Sân bay Quốc tế Ben-Gurion vào ngày 28 tháng 2 năm 2021. (Yossi Aloni / Flash90)
Số ca mắc Covid-19 ở Israel đạt đỉnh vào đầu năm 2021, khi biến thể Anh dễ lây lan ‘quét qua’ đất nước, nhanh chóng chiếm ưu thế.
Biến thể này từ nước ngoài xâm nhập vào Israel. Calderon-Margalit lưu ý rằng điều này sẽ không xảy ra nếu quá trình kiểm dịch được thực hiện nghiêm ngặt tại tất cả mọi nơi.
"Vì chúng tôi đã không yêu cầu tất cả các trường hợp phải xét nghiệm và cách ly, chúng tôi có thể đã đưa biến thể Anh vào đây, gây ra làn sóng dịch bệnh cao nhất mà chúng tôi có vào tháng 1 và tháng 2", Calderon-Margalit nói.
Nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của những người ‘siêu lây nhiễm’ từ nước ngoài đến Israel trong việc gây ra các ca mắc Covid-19.
Một nghiên cứu ở giai đoạn đầu của đại dịch cho thấy Mỹ là nguồn lây Covid-19 lớn nhất của Israel và chỉ một số lượng nhỏ những người ‘siêu lây nhiễm’ đã lây cho phần lớn các ca mắc trong giai đoạn đầu.
Calderon-Margalit tin rằng ngay cả khi số ca mắc Covid-19 của Israel hiện ở mức thấp, các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt vẫn nên được duy trì đối với những người từ nước ngoài đến Israel do nguy cơ lây nhiễm các biến thể từ nước ngoài.
Bài học từ Israel đối với thế giới: Giám sát chặt chẽ biên giới, yêu cầu xét nghiệm và cách ly, ngay cả ở những nơi số ca mắc đang giảm.
4. Green Pass
Một cô gái khoe Green Pass tại một buổi hòa nhạc ở Tel Aviv vào ngày 5 tháng 3 năm 2021 (JACK GUEZ / AFP)
Davidovitch cho biết Green Pass, chứng chỉ được cấp cho những người đã được tiêm vắc xin hoặc đã hồi phục sau Covid-19, đã chứng tỏ hiệu quả cao trong việc giúp mở cửa nền kinh tế Israel.
Ông gọi Green Pass là một "công cụ rất quan trọng" và đã được triển khai tốt.
Tuy nhiên, bởi vì tiêm chủng là tự nguyện, một số người Israel đã chọn không tiêm. Một số người khác không thể tiêm. Những người này cho rằng hệ thống Green Pass là phân biệt đối xử.
Điều này nên coi như một lời cảnh báo cho các quốc gia khác trong việc sử dụng các hệ thống tương tự.
Davidovitch nói: "Tôi nghĩ thẻ xanh là một công cụ rất quan trọng, nhưng tôi không nghĩ rằng nó nên là cách khuyến khích mọi người đi tiêm".
Bài học từ Israel cho thế giới: Hãy trao Green Pass cho những người đã tiêm chủng, nhưng đừng sử dụng chúng làm đòn bẩy kích thích chiến dịch tiêm chủng.
4. Lên kế hoạch dài hạn
Nhân viên y tế Israel tại bệnh viện Ichilov ở thành phố Tel Aviv ăn mừng Ngày Quốc khánh Israel, tháng 4 năm 2020 (Miriam Alster / Flash90)
Khi số ca mắc Covid-19 giảm, không nên cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy các tác động của đại dịch đã kết thúc, Davidovitch nhấn mạnh.
Kinh nghiệm của Israel cho thấy ngay cả khi có ít ca mắc, các triệu chứng kéo dài của Covid-19 vẫn tạo áp lực đáng kể lên hệ thống y tế. Điều này đôi khi được gọi là "COVID kéo dài" – khi những bệnh nhân đã hồi phục vẫn có các triệu chứng khó chịu.
Davidovitch nói: "Chúng tôi đang nghiên cứu ‘COVID kéo dài’. Tôi nghĩ đó sẽ là một thách thức lớn đối với các dịch vụ y tế và phòng khám".
Ông nói rằng khi áp lực lên hệ thống y tế đã giảm bớt, thì sự căng thẳng mà nhiều nhân viên y tế đang phải gánh chịu trở nên rõ ràng hơn.
"Nhiều nhân viên y tế đã bị chấn thương, và bây giờ chúng ta cần phải giúp họ hồi phục, thậm chí hỗ trợ họ giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần".
Davidovitch, chủ tịch hiệp hội các bác sĩ sức khỏe công cộng, cho biết ông lo lắng rằng các chính trị gia Israel đã không hiểu được tầm quan trọng của việc hỗ trợ hệ thống y tế.
Có những lo ngại rằng 600 bác sĩ được tuyển dụng trong đại dịch sẽ mất việc chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng vì kinh phí không được gia hạn. Đầu tháng này, đã có một cuộc đình công của các bác sĩ sau khi chính phủ không xác nhận rằng họ sẽ được tiếp tục làm việc sau khi hợp đồng có thời hạn của họ kết thúc vào ngày 30 tháng 6.
Davidovitch nói: "Tôi rất thất vọng và thậm chí căng thẳng với những gì chúng tôi đang phải đối mặt bây giờ".
Bài học từ Israel cho thế giới: Đại dịch kết thúc không có nghĩa là yêu cầu với ngành y tế giảm.
(Nguồn: The Times of Israel)