Quốc gia mà Viettel mất hơn 10 năm “mai phục” mới có giấy phép đầu tư có gì đặc biệt?
Mất 10 năm nỗ lực, cuối cùng Viettel cũng có được giấy phép đầu tư dự án 2 tỷ USD vào ngành viễn thông của Myanmar. Đây là một thị trường mới mở sau hàng thập niên bị cô lập nhưng cũng tràn đầy sức trẻ và tính cạnh tranh.
Myanmar chính thức mở cửa thị trường di động từ mùa hè năm 2014, chấm dứt cơ chế độc quyền, mở ra cơ hội đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Myanmar có 3 nhà mạng có giấy phép cung cấp dịch vụ di động trên toàn quốc là Ooredoo từ Quatar, Telenor của Na Uy và nhà mạng quốc doanh Myanmar Posts & Telecommunications MPT.
Và mới đây nhất là Myanmar National Tele & Communications Co.,Ltd (MNTC) – liên doanh của Viettel tại Myanmar. Trên thực tế, nếu tính từ thời điểm ban lãnh đạo Viettel sang quốc gia này tìm kiếm cơ hội đầu tư năm 2002 thì Tập đoàn của Việt Nam mất tới 15 năm để có được giấy phép đầu tư viễn thông tại đây.
Một thị trường sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân
Tại Myanmar, ngoài các thành phố lớn thì hầu hết các vùng nông thôn không có một dịch vụ điện thoại cố định do thiếu các phương tiện truyền tải liên vùng. Theo báo cáo Green Power for Mobile Market Analysis, Myanmar hiện có khoảng 35,8 triệu thuê bao di động trên 62 triệu dân, tức là mật độ thuê bao là 58/100. Trong khi đó mật độ thuê bao di động của Việt Nam là 140/100. Những con số mật độ thuê bao cho thấy thị trường Myanmar đang có một sức nở rất lớn. Thực tế là quy mô thị trường đã tăng gấp 7 lần chỉ trong 2 năm từ 2013 – 2015.
Trước khi mở cửa thị trường viễn thông, Myanmar chỉ có 10% dân số tiếp cận với các dịch vụ di động. Sau sự khi có sự tham gia của Ooredoo và Telenor, số dân số được tiếp cận tăng lên vào khoảng 40%. Với sự xâm nhập tiếp theo đến từ nhà đầu tư của Việt Nam, Chính phủ Myanmar kỳ vọng tăng tỷ lệ những người đang có điện thoại đến từ 75% ~ 80% vào năm 2017.
Trong các nhà mạng thì MPT chiếm thị phần lớn nhất với 18 triệu thuê bao, Telenor có 12 triệu thuê bao, còn Ooredoo khoảng 5,8 triệu thuê bao. Trong năm tới, Ooredoo cũng công bố kế hoạch chi 350 triệu USD để nâng cấp mạng lưới. Các công ty khác cũng đẩy nhanh sự ra mắt của dịch vụ 4G, dự báo sẽ kích thích mở rộng hơn nữa sự phát triển của smartphone. Về nhà đầu tư Việt Nam, liên doanh của Viettel đặt mục tiêu khai trương sau 12 tháng và phủ 95% dân số Myanmar trong vòng 3 năm.
Thị trường viễn thông Myanmar đang tràn đầy sức trẻ sẽ đặc biệt “lớn nhanh” trong những năm tới. Sachin Gupta, người đứng đầu nghiên cứu viễn thông cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore cho rằng kể cả khi ngành viễn thông của Myanmar đã trưởng thành, nó vẫn được coi thị trường đầy tiềm năng.