Quốc gia khởi nghiệp và những mặt trái ít ai biết về nền kinh tế Israel
Sự thông minh và ngành khởi nghiệp của nước này dường như đã hút ánh mắt của các chuyên gia khỏi những mảng tối của Israel.
Beersheva là một thành phố nghèo ở miền Nam Israel và chính phủ Israel đang cố biến thành phố này thành một trung tâm an ninh mạng hàng đầu thế giới. Nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm thu hút các startup khởi nghiệp tại đây, hàng loạt vườn ươm khởi nghiệp được xây dựng trong khi nhiều phòng nghiên cứu của các trường đại học được mở tại thành phố này.
Theo chính phủ, biệt đội công nghệ nổi tiếng của Israel Unit 8200 và nhiều tập đoàn công nghệ lớn sẽ được đặt tại Beersheva trong những năm tới nhằm thúc đẩy ngành công nghệ nơi đây. Nhiều cựu thành viên của Unit 8200 đã trở thành những doanh nhân khởi nghiệp và nhà đầu tư ưu tú.
Tuy nhiên, một thực tại phũ phàng mà nhiều người đã bỏ quên là Israel vẫn tồn tại đói nghèo cũng như nhiều mặt trái của nền kinh tế. Sự thông minh và ngành khởi nghiệp của nước này dường như đã hút ánh mắt của các chuyên gia khỏi những mảng tối của Israel.
Quốc gia khởi nghiệp
Hiện nay, Israel thu hút khoảng 15% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào an ninh mạng trên toàn cầu và đây là một trong những yếu tố chủ chốt biến nước này thành quốc gia khởi nghiệp cũng như đóng góp vào nền công nghệ hùng mạnh ngoài Mỹ trên thế giới.
Rất nhiều chuyến bay đã được nối giữa San Francisco với Tel Aviv trước nhu cầu về công nghệ. Nhiều tập đoàn quốc tế cũng cảm thấy hứng thú với ngành công nghệ nông nghiệp, kỹ thuật tưới tiêu, chăm sóc sức khỏe và tài chính kỹ thuật cao mà Israel phát triển.
Trong số đó, mảng xe tự động thực sự khiến nhiều ông lớn sản xuất ô tô của Mỹ quan tâm. Rất nhiều chuyên gia cho rằng Israel có lợi thế trong việc sản xuất bộ não của mảng xe tự động và để những phần khác như thân xe, động cơ cho các công ty lớn phụ trách. Mới đây, tập đoàn Intel đã mua lại Mobileye, hãng sản xuất hệ thống hỗ trợ lái tự động của Israel với giá 15,3 tỷ USD.
Tất cả những yếu tố trên đánh dấu sự thay đổi đáng kể của Israel kể từ khi lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính thập niên 1980. Những cuộc xung đột chính trị khi đó đã buộc chi tiêu quốc phòng của Israel lên tới 30% GDP vào năm 1975. Đến năm 1984, nợ công của nước này đạt gần 300% GDP và tỷ lệ lạm phát lên tới mức khủng bố 450%/năm.
Kể từ đó đến nay, những chính sách khôn ngoan của chính phủ hướng đến phát triển công nghệ cũng như hỗ trợ từ Mỹ đã đem lại nhiều thành quả cho đất nước. Trong suốt 10 năm qua, nền kinh tế Do Thái này đã tăng trưởng bình quân 4% mỗi năm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,3%/năm.
Mặc dù không có nhiều tài nguyên nhưng Israel đã lên kế hoạch xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu cũng như nước sạch sang Jordan. Nợ công cũng đã giảm xuống mức 62% GDP, thặng dư tài khoản vãng lai và kho dự trữ ngoại hối ngày một tăng lên.
Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế đã khiến đồng Shekel tăng giá 13% so với một rổ các đồng tiền chủ chốt trong 2 năm qua. Điều này đã khiến ngân hàng trung ương nước này phải tạm thời can thiệp thị trường tiền tệ đề hạ giá đồng nội tệ, qua đó hỗ trợ xuất khẩu.
Theo tổ chức Startup Nation Central (SNC), Israel chưa từng trải qua cuộc suy thoái kỹ thuật nào (có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp) kể từ sau cuộc chiến năm 1987 và nền kinh tế này vẫn có tăng trưởng sau cuộc chiến tại Gaza và Li Băng.
Dẫu vậy, Israel vẫn có cả mặt sáng lẫn mặt tối. Trong khi các tập đoàn công nghệ cao khiến nhiều chuyên gia phải thán phục nhưng chỉ chiếm 10% tổng lao động thì phần còn lại phải hoạt động trong những ngành nghề có năng suất kém và được bảo hộ bởi chính phủ, thiếu tính sáng tạo.
Số liệu chính thức cho thấy khoảng 20% số gia đình Israel, tương đương 1,7 triệu người đang phải sống trong cảnh đói nghèo.
Tỷ lệ đói nghèo tại Israel thuộc hàng top trong những nước phát triển bởi 2 lý do chủ yếu. Một là những người theo đạo Orthodox chính thống sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ để theo đuổi con đường sống giản dị hướng đến tôn giáo. Một yếu tố nữa là bộ phận khá lớn công dân Ả Rập đang phải vật lộn để có được sự bình đẳng đối xử tại quốc gia Do Thái này.
Phần chìm của tảng băng trôi
Tổ chức SNC nhận định ngành công nghệ cao nổi tiếng của Israel chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong nền kinh tế nước này và đang mất dần kết nối cũng như ảnh hưởng đến các mảng khác. Điều này có thể khiến Israel gặp khó khi công nghệ không kéo được các mảng khác của nền kinh tế đi lên cùng. Ngoài ra, việc quá chú trọng vào công nghệ có thể khiến toàn bộ hệ thống luật pháp, môi trường, xã hội bị mất cân bằng và suy thoái.
Việc thành lập hàng loạt các startup để rồi bán cho những công ty như Google không thực sự giúp ích được cho đất nước bởi những công ty quốc tế quan tâm đến lợi nhuận nhiều hơn là những lợi ích quốc gia và cộng đồng.
Thậm chí kể cả khi nhiều tập đoàn lớn đặt phòng nghiên cứu và phát triển tại Israel thì tác dụng cũng không hoàn toàn hiệu quả bởi những người có trình độ cao thường rời đến những công ty lớn có mức lương tốt hơn là ở lại trong nước phát triển sự nghiệp.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có hệ thống đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) cho mảng khoa học, toán học, kỹ năng đọc viết và điều thú vị là các học sinh, sinh viên Israel đạt điểm khá thấp trong các kỳ thi PISA.
Theo SNC, điểm số PISA không quan trọng với các nhà khởi nghiệp nhưng đây lại là yếu tố đáng quan tâm cho toàn nền kinh tế Israel.
Bộ trưởng bộ giáo dục Israel, ông Naftali Bennett đang cố gắng thúc đẩy sinh viên, học sinh theo học toán học nhiều hơn, nâng cao chất lượng giảng dạy… Tuy vậy, các công đoàn của giáo viên nơi đây lại đòi hỏi rất nhiều thứ, qua đó khiến ngân sách chính phủ không đáp ứng kịp với những tiêu chuẩn đề ra.
Ông Bennett cho rằng mấu chốt của sự thành công trong ngành khởi nghiệp Israel không nằm ở hệ thống giáo dục mà là văn hóa kinh doanh, tư tưởng làm giàu thấm sâu vào máu của tầng lớp thanh thiếu niên nước này.
Mặt khác, chuyên gia Dan Ben David của trường đại học Tel Aviv và Viện Shoresh nhận định không phải khủng bố hay những yếu tố bên ngoài mà chính năng suất kém mới là mối nguy hiểm đang đe dọa Israel. Với năng suất hiện nay của đất nước, ông David cho rằng Israel sẽ bị khủng hoảng trong vòng 30-40 năm nữa khi chính phủ tập trung quá nhiều vào khởi nghiệp và công nghệ nhưng lại quên mất những mảng cốt lõi khác của nền kinh tế.
Năng suất lao động GDP bình quân giờ (USD) của ISrael và các nước G7. GDP bình quân đầu người/năm của Israel và các vùng bờ Tây cũng như dải Gaza (nghìn USD)
Chuyên gia Davis nhận định nền kinh tế Israel được chia làm 2 thời kỳ. Giai đoạn đầu là từ sau cuộc chiến năm 1973 khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, bắt kịp với các nước công nghiệp phát triển G7 nhờ tập trung vào mảng tài chính.
Giai đoạn tiếp theo là sự phục hồi của Israel sau thời kỳ khủng hoảng tài chính và tăng trưởng trong những năm gần đây nhờ tập trung vào công nghệ, khởi nghiệp.
Tuy nhiên, điểm đáng ngại mà chuyên gia David nhấn mạnh là sản lượng của Israel tăng lên nhờ số lượng lao động đi lên chứ không phải do gia tăng năng suất. Dân số của quốc gia Do Thái này đang tăng chóng mặt do lượng lớn người Do Thái hồi hương trong khi việc chính phủ cắt giảm trợ cấp đã đẩy nhiều lao động, nhất là phụ nữ tham gia thị trường và nâng sản lượng toàn nền kinh tế.
Theo chuyên gia David, Israel đã đầu tư quá ít cho cơ sở hạ tầng cũng như giáo dục bởi phần lớn tài nguyên đã được dùng để trợ cấp cho người Do Thái. Hiện những người theo tôn giáo chính thống Orthodox chiếm 7% dân số, người Ả Rập chiếm 21% dân số Israel và những công dân này sẽ chiếm khoảng 40% dân số nền kinh tế Do Thái trong 40 năm nữa. Nếu chính phủ Israel không có thay đổi về việc trợ cấp cho người Do Thái, họ sẽ phải đối mặt với sự xung đột lớn trong nền kinh tế, xã hội, qua đó hạ năng suất lao động.
Trước tình hình đó, việc Thủ tướng Binyamin Netanyahu cắt giảm trợ cấp công đã giúp ngân sách chính phủ có nhiều chỗ trống hơn cho đầu tư những mảng khác của nền kinh tế ngoài công nghệ. Kể từ năm 1980, chi tiêu công của Israel đã liên tục giảm từ 80% GDP xuống dưới 40% GDP hiện nay.
Tuy nhiên, Israel vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện nền kinh tế. Chỉ số cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Israel khá thấp trong tổ chức OECD. Rất nhiều ngành nghề bị thống trị bởi các tập đoàn lớn trong khi xếp hạng môi trường kinh doanh của nước này theo Ngân hàng thế giới (World Bank) đã giảm từ 26 xuống 52. Điều này đồng nghĩa với việc lao động bị trả lương thấp trong khi chi phí sản xuất và giá cả các mặt hàng lại bị đẩy lên cao.
Chi phí sinh hoạt tại Israel hiện cao hơn 20% so với Tây Ban Nha và 30% so với Hàn Quốc. Những tiêu chuẩn và chứng chỉ làm đồ Do Thái (Kosher) khiến thực phẩm tại đây trở nên đắt đỏ trong khi hàng loạt những hàng rào thuế quan, hạn ngạch… khiến giá nông sản cao hơn rất nhiều so với những nước khác.
Israel cũng xây dựng một hệ thống taxi qua đó ngăn chặn khả năng xâm nhập thị trường ủa Uber, qua đó buộc người dân phải sử dụng hệ thống giao thông chi phí cao để bảo hộ cho ngành taxi trong nước. Trong khi đó, tiến trình xây dựng rườm rà, năng suất kém tại đây khiến giá nhà tăng chóng mặt, gây khó cho nhiều công ty muốn đầu tư kinh doanh.
Một sự thật trớ trêu là nổi tiếng với trí thông minh, nền công nghệ phát triển nhưng một bộ phận rất lớn người dân Do Thái tái định cư ở dải Gaza đang bị Israel bỏ quên. Ngay cả những công nghệ tìm đường như Google Maps cũng chỉ có thể ước lượng đại khái vài thị trấn nhỏ nơi đây.
So sánh về kinh tế, GDP bình quân đầu người của Israel đạt 35.700 USD/năm vào năm 2015, tương đương với Pháp nhưng vùng phía Tây lại chỉ có mức 3.700 USD/năm, tương đương Ai Cập còn dải Gaza chỉ có mức 1.700 USD/năm, tương đương Cộng hòa Congo.