Quốc gia có tỷ lệ dùng tiền số cao nhất Tây Bán cầu: Tất cả chỉ vì mức lạm phát tới 600%
Tiền số tại quốc gia này dù chưa được luật pháp công nhận nhưng lại được người dân ưa chuộng vì nền kinh tế đang siêu lạm phát.
Tại Argentina, siêu lạm phát đã trở thành câu chuyện quá bình thường với người dân. Trong 1 năm qua, lạm phát tại nền kinh tế Tây Bán cầu này đã lên đến 276%, khiến người dân phải tìm mọi cách để sống sót, từ việc chuyển sang ăn thịt gà rẻ hơn thay vì thịt bò cho đến tìm kiếm các nguồn cung ứng khả dụng ở chợ đen.
Với nhiều dự báo cho thấy lạm phát tại Argentina trong năm nay có thể lên đến 600%, người dân nước này đã tích cực tìm phương án mới nhằm giữ giá tài sản cho bản thân và sống sót trong thời kỳ khó khăn, đó là tiền số.
Kỳ lạ nhất thế giới
Mặc dù việc mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen tại Argentina đã có từ cách đây 50 năm nhưng trong vài năm trở lại đây, nền kinh tế bất ổn đã khiến người dân đổ xô đi mua đồng USD nhiều hơn bao giờ hết.
Hiện tỷ giá đồng Peso/USD ngoài chợ đen tại Argentina cao hơn 41% so với tỷ giá chính thức.
Tuy nhiên việc giao dịch ngoại tệ chợ đen này cũng vấp phải nhiều rủi ro như bị cướp hay tiền giả. Vậy là người dân Argentina quyết định dùng tiền số để giao dịch, dẫn đến tỷ lệ ứng dụng sản phẩm này tại đây cao nhất Tây Bán cầu.
Số liệu của SimilarWeb cho thấy trong số 130 triệu người chơi trên 55 sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới thì có đến 2,5 triệu người đến từ Argentina. Tỷ lệ số người dùng tiền số ở Argentina trên tổng dân số cao hơn bất kỳ quốc gia nào ở Tây Bán cầu.
Điều đáng chú ý là người Argentina không chơi tiền số để kiếm lời hay làm giàu mà họ chỉ mua những đồng tiền ổn định như USDT (Tether) để giữ tài sản và làm giao dịch mua ngoại tệ.
"Argentina là một thị trường tiền số đặc biệt nơi mọi người chỉ mua những đồng như USDT và chẳng đầu cơ đồng tiền số nào khác. Chúng tôi chưa từng thấy một thị trường nào như vậy khi người chơi chỉ mua những đồng ổn định như USDT và để đó chẳng mua gì thêm", giám đốc Maximiliano Hinz của sàn tiền số Biget chi nhánh Châu Mỹ Latinh nói.
Trớ trêu thay, tiền số chưa được công nhận chính thức ở Argentina, cũng chưa có một khung pháp lý nào cho mảng này, khiến những người sở hữu sản phẩm phải tự gánh vác rủi ro khi giao dịch.
Tổng thống mới Javier Milei của Argentina thì đang có kế hoạch "đô la hóa" tiền tệ khi thực hiện kế hoạch cho phép người dân lựa chọn loại đồng tiền sẽ thanh toán. Điều này sẽ giảm dần sự lưu thông của đồng Peso trong nền kinh tế và tiến tới dùng hoàn toàn đồng USD, đồng thời thủ tiêu ngân hàng trung ương để loại bỏ các quan chức tham nhũng vốn đang in quá nhiều tiền nhằm "ăn cắp" từ ngân sách.
Trong bối cảnh đó, một đồng tiền số neo vào đồng USD sẽ là lựa chọn thu hút người dân Argentina, nhưng rủi ro phải tự gánh vác trách nhiệm khi giao dịch và nắm giữ ví điện tử vẫn còn đó.
Rủi ro
Báo cáo của Chainalysis cho thấy tính đến tháng 7/2023, tổng giá trị giao dịch tiền số tại Argentina đã lên đến 85,4 tỷ USD, dẫn đầu Châu Mỹ Latinh.
Tuy nhiên trong số 20 sàn giao dịch tiền số đáng tin nhất được tờ Forbes bình chọn, không có cái tên nào trong số 5 sàn giao dịch phổ biến nhất tại Argentina được nhắc đến.
Ngoài ra, không có một sàn giao dịch tiền số nào tại Argentina đăng ký với Cơ quan kiểm soát chứng khoán quốc gia (CNV).
Phần lớn các giao dịch tiền số hiện nay ở Argentina chỉ dựa trên niềm tin của chính người chơi với nhau.
Bất chấp điều đó, người dân vẫn ưa thích dùng tiền số để mua đồng USD hơn là đồng Peso, vốn đã mất giá trị khi không còn được mọi người tin tưởng.
Kể từ khi đồng Peso từ bỏ neo vào đồng USD tháng 1/2002, đồng tiền này đã mất giá trị nhanh chóng vì nền kinh tế yếu kém. Suốt nhiều năm thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao đã đẩy tỷ giá 4 Peso đổi 1 USD cách đây 10 năm thành 64 Peso đổi 1 USD vào năm 2020.
Suốt từ năm 2009 đến nay, Argentina chỉ có 2 năm thặng dư tài khoản vãng lai. Chỉ số GDP bình quân đã tính kèm lạm phát là (-0,1%) trong suốt 10 năm qua.
Thế rồi biến đổi khí hậu khiến nước này trải qua nạn hạn hán tồi tệ nhất 60 năm, tàn phá ngành nông nghiệp chủ chốt của nền kinh tế cũng như đe dọa an ninh lương thực, gây bất ổn xã hội.
Sản lượng nông nghiệp giảm khiến nguồn thu từ xuất khẩu đi xuống, đẩy giá lương thực lên cao và khiến vô số người vỡ nợ.
Khi Tổng thống Milei mới đắc cử, nền kinh tế Argentina đang có mức lạm phát thường niên bình quân lên đến 143%, thâm hụt thương mại 43 tỷ USD và thâm hụt ngân sách tài khóa lên đến 3,5% GDP.
Tồi tệ hơn, sự mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư khiến mọi người mua đồng USD để gửi ở nước ngoài thay vì để trong nước, qua đó càng khiến đồng Peso mất giá và tạo thành vòng luẩn quẩn.
Vốn là nền kinh tế lớn thứ 22 thế giới và tổng GDP lên đến 633 tỷ USD nhưng Argentina lại đang rơi vào khủng hoảng.
Trớ trêu thay, đồng Bitcoin lại được tạo ra trong thời khủng hoảng 2008 và bất ngờ trở thành công cụ được người dân nước này ưa chuộng bất chấp những rủi ro tiềm tàng của chúng.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo", "tiền số" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
*Nguồn: Tổng hợp