Quốc gia cạnh Việt Nam sở hữu mỏ 'kho báu' vàng xanh lớn nhất thế giới: Có thể vượt Mỹ trong 1 lĩnh vực và xoay chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu

24/07/2023 06:55 AM | Sống

Quốc gia này vừa lắp đặt một mũi khoan "đi sâu" 10.000 mét để nỗ lực đưa "kho báu" này lên mặt đất.


"Kho báu" vàng đen từng giúp Mỹ bùng nổ

Guo Xusheng, một chuyên gia địa chất thuộc một đơn vị của China Petroleum & Chemical Corp., từng thuyết phục các sếp của mình chi khoảng 3 triệu USD để khoan ở độ sâu chưa từng có tại một khu vực ở tây nam Trung Quốc. Còn đối với Sinopec, sự bùng nổ dầu khí đá phiến ở Mỹ đã giúp họ nhận thấy kế hoạch của Guo là nên thử.

Tuy nhiên, họ vẫn chưa thực sự thành công. China National Petroleum đã khoan ở khu vực tương tự nhưng ra về "tay trắng".

Sau đó, vào năm 2021, nhóm của Guo đã thành công và tìm ra nơi có thể khai thác 200.000 m3 dầu khí đá phiến mỗi ngày, đủ để sưởi ấm cho hàng chục nghìn ngôi nhà. Guo cùng cả nhóm đã ngạc nhiên đến mức họ đã đi 1.800 km đến Bắc Kinh để trao đổi với lãnh đạo công ty về những việc cần làm tiếp theo. Song, kho "vàng đen" họ tìm thấy nằm ở một vùng núi hiểm trở thuộc tỉnh Tứ Xuyên lại bị ngừng hoạt động do nguy cơ hồ chứa bị sụp đổ.

Guo chia sẻ: "Dự trữ dầu khí đá phiến của Mỹ như một chiếc đĩa, có hình dạng dễ khai thác và đều nằm không xa bề mặt. Còn đối với trữ lượng của Trung Quốc, mọi thứ như một chiếc đĩa bị đập vỡ. Chúng tôi phải xác định những nguồn dự trữ rải rác đó và nỗ lực hết sức để khai thác được những nguồn lớn hơn."

Mới đây, Trung Quốc đã bắt đầu khoan 10.000 mét xuống lòng đất để tiếp tục tìm kiếm nguồn tài nguyên quý này. China National Petroleum bắt tay vào thực hiện quá quá trình này ở một khu vực thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Mũi khoan được vận hành để "đi sâu" xuống 10.000 mét dưới lòng đất ở Tứ Xuyên.

Trong nhiều thập kỷ, than đã tạo ra "phép màu kinh tế" cho Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tình trạng ô nhiễm xảy ra, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chuyển hướng sang sử dụng khí đốt tự nhiên, cũng như năng lượng tái tạo để tạo ra các nguồn năng lượng sạch hơn.

Các quan chức Bắc Kinh đã sớm đưa ra mục tiêu đầy tham vọng cho hoạt động sản xuất dầu khí đá phiến của Trung Quốc. Năm 2012, họ đặt mục tiêu sản lượng đạt 100 tỷ m3 hàng năm cho đến năm 2020. Quốc gia này càng trở nên lạc quan khi Bộ Năng lượng Mỹ ước tính Trung Quốc sở hữu trữ lượng dầu khí đá phiến lớn nhất thế giới, gần gấp đôi Mỹ và đủ để cung cấp năng lượng cho nước trong hơn 1 thế kỷ.

Trung Quốc không dễ để khai thác "kho báu"

Đá phiến đã giúp Mỹ từ nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới thành nhà sản xuất khẩu ròng nhiên liệu này trong hơn 1 thập kỷ, làm thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu và Trung Quốc thành nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất. Nếu Trung Quốc có nhiều đá phiến hơn Mỹ, thì điều này có ý nghĩa như thế nào với thị trường toàn cầu?

Câu hỏi này vẫn chờ được trả lời. Các nhà thám hiểm Trung Quốc vẫn chưa thể mở rộng quy mô khai thác đá phiến như cách Mỹ đã làm. Năm 2018, Bắc Kinh đã hạ mục tiêu khai thác xuống 30 tỷ m3 vào năm 2020.

Những vấn đề ở Trung Quốc vẫn còn tồn đọng rất nhiều. Các mỏ dầu đá phiến của Trung Quốc sâu, khó tiếp cận và bị phân mảnh hơn so với ở Bắc Mỹ. Các công ty phương Tây trước đây cũng e ngại việc bán công nghệ thủy lực cắt phá cho Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại.

Ngoài ra, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò và khai thác của các công ty dầu mỏ lớn liệu có hiệu quả không. Nguyên nhân là bởi, sự bùng nổ ở Mỹ được thúc đẩy bởi những đổi mới từ hàng chục doanh nghiệp khoan dầu độc lập.

Anna Yu, nhà phân tích tại ICBC International, cho hay: "Mỗi m3 dầu khí đá phiến mà các nhà sản xuất Trung Quốc lấy ra khỏi lòng đất là 1 m3 nhiên liệu mà họ chưa từng có. Đây không chỉ là câu chuyện 'thà có được 1 thứ gì đó còn hơn là không có gì', mà nguồn nhiên liệu này mang lại cả lợi thế cho hiện tại lẫn tương lai."

Những đột phá ấn tượng

Nếu quá trình khai thác nhiên liệu này đạt được sự đột phá, thì điều đó sẽ đến từ những nơi như làng Jiaoshiba, trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí đá phiến của Trung Quốc. Đây là khu vực phát triển vượt bậc, cách đô thị Trung Khánh 3 tiếng lái xe.

Những con đường mới và các nhà máy hóa dầu ở đây đã dần mọc lên, hoạt động kinh doanh bất động sản ở thời điểm cách đây 4 năm đã tăng trưởng mạnh mẽ và dân số tăng lên gấp 10, kể từ khi Guo và nhóm của ông thành lập trụ sở chính để giám sát hoạt động khai thác.

Để rút ngắn khoảng cách công nghệ với Mỹ, Trung Quốc đã tận dụng khả năng của mình để tiếp thu công nghệ mới sau đó xuất khẩu chính công nghệ đó.

Một phần quan trọng của quá trình khai thác dầu đá phiến là thiết bị có tên thanh cầu nối, có hình dạng như tay cầm của thanh kiếm ánh sáng trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao. Vai trò của thiết bị này là tạm thời chặn các giếng ở giữa quá trình khoan để khí không thoát ra ngoài. Sinopec từng mua thanh cầu nối với giá 200.000 NDT/chiếc. Sau đó, họ tự thiết kế và sản xuất với giá 18.000 NDT mỗi chiếc.

Ngoài ra, họ còn hoàn thiện các thiết bị khác. Máy bơm áp suất có nguồn gốc từ Mỹ là "chìa khoá" của quá trình thủy lực cắt phá nhưng không đủ mạnh để khoan các giếng sâu hơn của Trung Quốc. Do đó, Sinopec đã phát minh ra máy bơm của riêng mình với công suất cao hơn 40%.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy các công ty năng lượng để tăng cường an ninh nhiên liệu bằng cách thúc đẩy quá trình sản xuất trong nước, khi tình trạng thiếu điện, xung đột địa chính trị và biến động giá toàn cầu xảy ra. Theo kế hoạch 5 năm hiện tại, Trung Quốc đang tìm cách cung cấp nhiều năng lượng hơn cho nhu cầu trong nước vào năm 2025.

Ngoài China National Petroleum, Sinopec cũng đã và đang thăm dò mỏ khí đốt nằm trong đá carbonate và dầu đá phiến hydrocarbon dưới biển sâu ở lưu vực Tứ Xuyên. Họ đã phát hiện ra các mỏ khí đốt Puguang, Yuanba và Chuanxi.

Tổng hợp

Theo Chi Lan

Cùng chuyên mục
XEM