Quảng cáo "nhiệt tình" cùng các trận World Cup 2022, chuỗi cầm đồ lớn nhất nước F88 đang kinh doanh thế nào?
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thế chấp tài sản (gọi nôm na là cầm đồ) quy mô đầu tiên tại Việt Nam, chuỗi F88 cũng khá tích cực xuất hiện trên sóng truyền hình, “theo sau” các trận đấu. Tần suất phủ sóng của F88 gây nhiều chú ý, câu hỏi đặt ra chuỗi này đang kinh doanh theo hình thức như thế nào và hiệu quả ra sao?
Mùa World Cup 2022 đã bắt đầu được gần nửa tháng, không chỉ làm dậy làn sóng sôi động từ người hâm mộ mà còn là “mùa làm ăn” của rất nhiều công ty từ cho thuê màn hình, chỗ ngồi, dịch vụ ăn uống… đến lĩnh vực tài chính.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thế chấp tài sản (gọi nôm na là cầm đồ) quy mô đầu tiên tại Việt Nam, chuỗi F88 rất tích cực xuất hiện trên sóng truyền hình, “theo sau” các trận đấu. Tần suất phủ sóng của F88 ở mỗi trận bóng giải World Cup gây nhiều chú ý, câu hỏi đặt ra chuỗi này đang kinh doanh theo hình thức như thế nào và hiệu quả ra sao?
F88 là Công ty thuộc sở hữu gần như toàn bộ bởi Đầu tư F88 (F88 Investment) - công ty đã gọi vốn thành công từ quỹ Mekong Capital năm 2016 và quỹ Granite Oak năm 2018. Lúc sơ khai, F88 chỉ cho vay thế chấp tài sản và không cho vay tín chấp. Các sản phẩm bao gồm: vay thế chấp xe máy, ô tô, đăng kí xe máy, đăng kí xe ô tô, điện thoại, laptop, trang sức...
Phát triển nhanh chóng trong 5 năm vừa qua, F88 hiện là tổ chức cho vay cầm đồ lớn nhất Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, từ con số vài cửa hàng hồi năm 2017, quy mô F88 đã tăng bằng lần mỗi năm. Tính đến năm 2021, chuỗi ghi nhận hơn 500 cửa hàng – tăng hơn 11 lần so với năm 2018. Kế hoạch hết năm 2022, F88 sẽ đạt 800 cửa hàng, tương ứng mức tăng 60%.
Về hiệu quả kinh doanh, doanh thu tăng quân bình 191%/năm, từ mức 23 tỷ (năm 2017) lên hơn ngàn tỷ trong năm 2021. Lợi nhuận tương ứng tăng mạnh, chính thức có lãi mỏng từ năm 2018, F88 hiện được biết đã đạt quy mô lãi 100 tỷ/năm.
Công ty này tuyên bố sẽ niêm yết HoSE vào năm 2024 với định giá tỷ USD.
Để thực hiện tham vọng trên, F88 chuyển đổi mô hình công ty từ hệ thống chuỗi cho vay cầm cố sang tầm nhìn trở thành chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích. Ngoài việc hỗ trợ cung cấp các khoản vay nhỏ cho khách hàng được thế chấp bằng phương tiện đi lại như xe máy, ô tô, đăng ký xe máy, đăng ký xe ô tô… F88 còn cung cấp các dịch vụ tài chính bổ trợ như bảo hiểm, dịch vụ thu hộ đơn điện nước, internet, nạp rút tiền ví điện tử và chuyển hàng hóa qua Lazada…
Trong chia sẻ gần nhất, người cầm trịch là ông Phùng Anh Tuấn cho biết F88 đang đàm phán với các đối tác chiến lược tiềm năng. Riêng năm 2022 F88 dự huy động thêm 4.000 tỷ đồng bằng kênh trái phiếu hoặc vay từ các quỹ quốc tế.
Tháng 10 vừa qua, F88 công bố huy động thành công khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds. Song song, Công ty cũng huy động thêm 10 triệu USD (tương đương 240 tỷ đồng) từ Lendable.
Đây là khoản đầu tư đầu tiên của CLSA và Lending Ark vào F88. Khoản vốn trên đưa F88 trở thành doanh nghiệp thứ 2 tại Việt Nam huy động thành công hạn mức tối đa 50 triệu USD từ quỹ tài chính này. F88 cho biết sẽ sử dụng vào việc phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh.
Lending Ark là công ty dẫn đầu châu Á trong lĩnh vực tín dụng tư nhân có bảo đảm. Thương vụ được chốt thành công sau khi F88 đạt mức tăng hơn 246% dư nợ cho vay 9 tháng đầu năm 2022 và tốc độ phát triển mạng lưới mạnh mẽ, mở rộng thêm 300 điểm bán mới trong năm 2022, vượt mục tiêu 800 phòng giao dịch vào tháng 10/2022.