Việt Nam chỉ có 25 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm

05/12/2011 15:58 PM |

Trong khi ở Trung Quốc là 118 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, và mức trung bình trên thế giới là 80-90 bệnh.

Đây là một trong những nội dung được GS Lê Vân Trình –Viện trưởng Viện KHKT bảo hộ lao động trình bày tại hội nghị “Định hướng công tác thông tin, tuyên truyền và huấn luyện về AT vệ sinh lao động” diễn ra ngày 5/12/2011 tại Nhà khách người có công - TP.HCM do Cục ATLĐ - Bộ Lao động TB&XH tổ chức.

GS Trình nhấn mạnh: "Việt Nam chỉ có 25 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, trong khi ở Trung Quốc là 118 bệnh, và mức trung bình trên thế giới là 80-90 bệnh”. Việc xác định, công nhận các bệnh nghề nghiệp cũng là căn cứ để nghiên cứu các giải pháp phòng ngừa, chữa trị và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

GS cho biết thêm: ”Trong môi trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại hàm lượng thấp tác động đến người lao động sẽ nguy hiểm hơn môi trường chỉ có 1 yếu tố độc hại hàm lượng cao. Môi trường lao động trong các lĩnh vực như khai thác than, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất chưa đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn (VSAT) lao động. Nồng độ bụi, khí độc, tiếng ồn còn lớn, trong khi chất lượng ánh sáng kém. Vì vậy, mục tiêu nghiên cứu chính của Viện trong giai đoạn 2011-2015 là nghiên cứu, đề xuất và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện môi trường và điều kiện lao động để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động cũng như nâng cao năng suất.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, vai trò của truyền thông cũng không kém phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức an toàn lao động (ATLĐ) cho người lao động. Tóm tắt kết quả thông tin, tuyên truyền về ATSVLĐ trong năm 2011, bà Đỗ Thúy Nguyệt – Phó cục trưởng Cục ATLĐ cho biết: “Trong năm qua, hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ đã được tổ chức thường trên khắp các phương tiện truyền thông với nhiều chuyên mục, chuyên đề, bài viết nhằm phổ biến kiến thức ATLĐ rộng rãi”. Song song đó, tính đến tháng 11/2011, Trung tâm huấn luyện thuộc Cục đã tổ chức 300 khóa huấn luyện cho hơn 25.500 người lao động và cán bộ quản lý ATLĐ.

Định hướng trong năm 2012, Cục sẽ xây dựng, phát hành các tài liệu, ấn phẩm mẫu về VSATLĐ (tranh áp phích, đĩa VCD bộ công cụ quản lý ATVSLĐ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ), thực hiện 10 đầu phim, phóng sự, chuyên đề về ATLĐ, biên dịch từ 3-5 tài liệu nước ngoài. Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục đổi mới các hoạt động của tuần lễ quốc gia VSATLĐ, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền qua internet, thực hiện khảo sát tình hình thực tế và mở rộng các các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thông tin tuyên truyền.

Về phía ngành y tế, bà Trần Thị Liên – Phó Viện trưởng Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường đưa ra số liệu: Trong 6 tháng đầu nằm 2011, các mẫu đo ồn, bụi , hơi khí độc và vi khí hậu vượt tiêu chuẩn từ 1,02 đến 2,25 lần. Số mẫu chung đo kiểm tra môi trường lao động 6 tháng đầu năm 2011 vượt chuẩn 1,22 lần. Tuy nhiên, số cơ sở, nhà xưởng, công ty được kiểm tra còn rất ít, phương tiện đo lường, giám sát VSAT lao động tại các địa phương còn hạn chế.

Ngoài ra, Viện còn tiếp tục duy trì chương trình “Tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp” với các nội dung trọng tâm: Phòng chống bệnh nghề nghiệp với ngành nghề có nguy cơ tai nạn lao động cao, chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế, sử dụng amiăng an toàn, dịch vụ y tế cơ bản trong nông nghiệp, làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục ATLĐ cho biết: Theo kết quả điều tra của Bộ LĐ-TB&XH năm 2010 tại 10 tỉnh thành trên cả nước cho thấy, 62% người LĐ chưa được huấn luyện, 70% số người LĐ được huấn luyện không hài long với chất lượng giảng dạy và giảng viên. Hạn chế của công tác huấn huyện do nhiều nguyên nhân: Nhiều cơ quan, tổ chức được giao huấn luyện nhưng lại không đưa ra tiêu chí cụ thể nào, có nội dung chung nhưng chưa hướng dẫn xây dựng chương trình khung khiến chương trình nặng lý thuyết, thiếu thực hành; không có giáo viên phù hợp; việc cấp thẻ an toàn còn phức tạp; mâu thuẫn quanh việc thu phí đào tạo…

Hiện tại. việc cấp thẻ an toàn đã được chuyển sang cho doanh nghiệp. Ngoài ra, để đáp ứng sự phát triển lâu dài, cần thay đổi đồng bộ, có hệ thống từ Luật lao động, Luật An toàn – vệ sinh lao động thống nhất với Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh phí và lệ phí theo định hướng cụ thể.

Trong hai ngày 6/12 và 10/12 sắp tới , Cục ATLĐ sẽ tiếp tục tổ chức hai hội nghị với chủ đề “Thúc đẩy văn hóa phòng ngừa ATLĐ trong doanh nghiệp” và “Tập huấn triển khai chương trình quốc gia về ATLĐ , VSLĐ giai đoạn 2011-2015”.

Theo YÊN VŨ

Doanh nhân Sài Gòn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM