Từ con bò đến cây mía

25/11/2013 15:17 PM | Quản trị

Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng về nông nghiệp, nhưng thực tế nền nông nghiệp lại đang tụt hậu so với các nước trong khu vực do chưa được chú trọng và đầu tư một cách đúng mức.

Nội dung nổi bật:

- Con bò Úc: Gần đây xu hướng nhập bò Úc nguyên con về Việt Nam giết mổ đang ngày càng phổ biến do giá rẻ hơn cả thịt bò trong nước.

=> Nếu không nhanh chóng có những chính sách “giải cứu” ngành chăn nuôi bò thịt, ngành này có thể bị “giết chết”. 

- Cây mía Lào: Hoàng Anh Gia Lai và CTCP Đường Biên Hòa dự định nhập 30.000 tấn đường từ Lào về Việt Nam do chi phí sản xuất rẻ, sau đó tinh chế rồi xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hiệp hội Mía đường Việt Nam phản đối do lo ngại gây ảnh hưởng đến 40 nhà máy đường trong nước.

=> Vì sao Hiệp hội Mía đường và Bộ Công Thương không tìm ra phương án xuất khẩu sang những thị trường khác (ngoài xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc) để giảm thiểu rủi ro?


Câu chuyện thịt bò Úc lấn át bò nội nhờ giá rẻ và chất lượng vượt trội, cũng như ý tưởng nhập đường từ Lào về Việt Nam tinh chế sau đó tái xuất của Hoàng Anh Gia Lai đang gióng lên “hồi chuông cảnh tỉnh” cho ngành nuôi bò thịt, mía đường nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Con bò đi lùi

Thịt bò xưa nay vẫn được xem là món ăn bổ dưỡng, chính vì vậy giá thành luôn vào hàng đắt đỏ. Bò nội đã vậy, bò nhập khẩu, đặc biệt bò Úc, thường chỉ dành cho những người có tiền và cũng không bày bán phổ biến.

Thế nhưng, thời gian gần đây bò Úc nhập khẩu lại đang trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng vì giá thành chỉ tương đương, thậm chí có thời điểm còn rẻ hơn thịt bò Việt Nam. Xu hướng nhập bò Úc nguyên con về Việt Nam giết mổ đang ngày càng phổ biến.

Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng về nông nghiệp, nhưng thực tế nền nông nghiệp lại đang tụt hậu so với các nước trong khu vực do chưa được chú trọng và đầu tư một cách đúng mức. 

Do vậy khi có bất kỳ một sự cạnh tranh nào từ bên ngoài chúng ta cũng có thể bị “tổn thương” ngay lập tức. Chính vì thế việc tìm ra giải pháp nâng cao sức khỏe ngành nông nghiệp trong nước là việc cần làm ngay.

Ngay cả những công ty lớn như Vissan cũng đang đẩy mạnh nhập bò Úc. Rất nhiều ý kiến đã được đem ra mổ xẻ nhằm tìm ra nguyên nhân khiến giá bò Úc nhập khẩu đang rất cạnh tranh như hiện nay. Có ý kiến cho rằng giá bò Úc nhập khẩu rẻ vì có hiện tượng bán phá giá.

Song trước khi chính thức có câu trả lời từ các cơ quan chức năng xem có thật bò Úc đã bị bán phá giá khi vào thị trường Việt Nam hay không, chúng ta hãy thử đưa 2 con bò này lên bàn cân để rồi nhìn lại ngành chăn nuôi bò thịt của Việt Nam.

Trong khi trọng lượng giống bò vàng trong nước chỉ khoảng 250kg/con thì giống bò Úc nhập có trọng lượng trung bình từ 550-600kg/con. Tỷ lệ thịt của bò vàng sau khi giết mổ chỉ đạt 50% còn bò Úc đạt lên đến 55-60%. Thuế nhập nguyên con cũng giảm hơn so với nhập thịt đông lạnh.

Số lượng bò thịt của Việt Nam đang ngày càng giảm. Theo thống kê trong năm 2007, số lượng bò của của nước là 6,7 triệu con, năm 2013 này chỉ còn khoảng 5,1 triệu con. Và theo dự báo của nhiều chuyên gia, đàn bò Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới.

Quy mô nuôi bò của Việt Nam cũng nhỏ lẻ, thường theo dạng hộ gia đình chứ chưa có những trang trại lớn. Và khi nuôi theo hộ gia đình, nguồn thức ăn cho bò chủ yếu là tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Và khi sản lượng trong nước giảm, buộc nhập khẩu sẽ phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Nếu không nhanh chóng có những chính sách “giải cứu” ngành chăn nuôi bò thịt, ngành này có thể bị “giết chết” khi cánh cửa thị trường của Việt Nam chính thức mở vào năm 2015. Khi đó, một đất nước vốn mạnh về nông nghiệp như Việt Nam sẽ phải đứng nhìn hàng ngoại ung dung chiếm lĩnh thị phần. Câu chuyện con bò cũng chỉ là một phần nhỏ, nhìn rộng ra cả ngành chăn nuôi Việt Nam mới thấy vẫn còn nhiều bất cập cần phải giải quyết ngay.

Bật gốc cây mía

Ngay khi ý tưởng nhập 30.000 tấn đường về Việt Nam sau đó tinh chế rồi xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc của Hoàng Anh Gia Lai và CTCP Đường Biên Hòa được đưa ra, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng nếu ý tưởng này thành hiện thực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 40 nhà máy đường trong nước cùng hàng triệu nông dân trồng mía.

Thực ra câu chuyện luẩn quẩn của ngành mía đường không phải bây giờ mới bắt đầu, mà đã từ rất lâu cuộc sống của những người nông dân trồng mía đã không ổn định. Lúc mía được giá bán, nông dân đổ xô trồng, nhưng khi giá thu mua nguyên liệu thấp, vùng nguyên liệu lại có nguy cơ bị thu hẹp.

Câu chuyện của Hoàng Anh Gia Lai có 2 vấn đề cần được nhìn nhận lại. Trước hết, theo thông tin từ Hoàng Anh Gia Lai, chi phí sản xuất mía ở Lào rất thấp, chỉ ở mức 250-300 đồng/kg, mức này bằng khoảng 1/3 ở Việt Nam.

Trong khi chi phí sản xuất mía đóng góp 60% giá thành đường. Tại sao một đất nước có ngành trồng mía lâu đời như chúng ta mà chi phí sản xuất lại cao hơn nhiều như vậy? Đó chính là câu hỏi buộc các cơ quan chức năng, hiệp hội phải nhanh chóng tìm câu trả lời và đưa ra những giải pháp tốt nhất để giảm thiểu những chi phí này.

Vì nếu không, chưa nói cạnh tranh với các nước khác như Thái Lan mà chỉ riêng việc cạnh tranh với nước bạn Lào trong thời gian tới cũng gặp nhiều khó khăn. 

Thứ hai, theo như Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc Hoàng Anh Gia Lai nhập đường về Việt Nam tinh chế rồi tái xuất có thể bịt con đường sống của 40 DN mía đường trong nước.

Vậy ra lâu nay các DN trong nước chỉ có thể xuất qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc? Vì sao Hiệp hội Mía đường và Bộ Công Thương không cùng ngồi lại tìm ra phương án xuất khẩu sang những thị trường khác để giảm thiểu rủi ro đồng thời giúp các DN dần nâng cao năng suất, chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình?

Từ sự việc này, rất nhiều dấu hỏi được đặt ra cho chính các DN, hiệp hội và cơ quan chức năng. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc cạnh tranh công bằng, tự do vì khi nhiều hiệp định thương mại Việt Nam ký kết có hiệu lực cũng có nghĩa nhiều dòng thuế sẽ về 0%. Làm sao để có thể cạnh tranh trên sân nhà, rồi sau đó “mang chuông đi đánh xứ người” là một thách thức không nhỏ. 

Theo Đức Mạnh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM