Sự kiện Nick Vujicic: Hiệu quả truyền thông của Tôn Hoa Sen đến đâu?
Quá nhiều những bình luận về Nick, quá nhiều những ý kiến cá nhân được đưa ra. Bài viết này không nhằm đưa thêm tiếng nói để tranh luận, nó nhằm mục đích phân tích hiệu quả của truyền thông qua những sự kiện diễn ra.
Từ chuyện Nick đến Việt Nam
Cho đến lúc này, có thể khẳng định Hoa Sen đã có một chương trình PR hoàn hảo, cả trước, trong và sau chương trình. Đội ngũ của Hoa Sen vốn rất giỏi trong việc làm truyền thông, lần này họ cũng làm tốt.
Nếu Hoa Sen bỏ hơn 30 tỷ đi làm từ thiện, họ có thể có được 100 từ trong mục tấm lòng nhân ái của một trang mạng nào đó.
Nhưng với sự kiện này, logo của họ xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia trong nhiều tiếng đồng hồ. Mọi người có thể tranh cãi việc tại sao có nhiều tấm gương tương tự ở Việt Nam nhưng lại không được tôn vinh.
Tuy nhiên, nếu có một chương trình tương tự về người khuyết tật Việt Nam, số người tham gia có lẽ ngồi chật cả một hội trường 1000-2000 người. Còn với Nick? Cả nước.
Sẽ chẳng cần tranh luận gì thêm vì chẳng ai muốn đem nỗi bất hạnh của người khác ra so sánh, cái khác nhau ở đây là khả năng gây ảnh hưởng. Công việc của Nick là truyền cảm hứng cho người khác, và anh là người thích hợp nhất để làm điều này.
Một số người nhận xét hiệu ứng của Nick là sản phẩm của truyền thông. Cũng đúng, sẽ chẳng ai biết đến anh nếu không có Youtube, và những câu chuyện ồn ào vừa qua sẽ chẳng lan nhanh nếu không có Facebook.
Truyền thông là thứ khuếch tán và lan truyền câu chuyện nhanh nhất và rộng rãi. Nó là phương tiện của word of mouth (truyền miệng), một thuật ngữ marketing.
Nếu kiểm soát tốt, nó là công cụ marketing tuyệt vời, hơn nữa, chi phí thấp. Tạo ra những tranh cãi, bình luận, đồn đoán, hoài nghi sẽ đưa câu chuyện lan truyền đi xa hơn.
Đó là lý do tại sao người ta thích nổi tiếng bằng scandal hơn là làm việc tốt.
Nếu ai đó làm việc tốt, người thứ nhất đọc câu chuyện và nói rằng, ồ việc đó thật tuyệt, người thứ hai nói: Đồng ý và câu chuyện kết thúc.
Nhưng nếu là một câu chuyện gây shock, mọi người sẽ bàn tán, tranh luận, bới lông tìm vết, và cứ thế câu chuyện lan rộng ra. Và mặc dù câu chuyện có thể bị đả kích, châm biếm theo hướng hoàn toàn tiêu cực thì lợi ích về tổng thể vẫn vượt trội.
Khi The Voice lộ việc dàn xếp kết quả, họ vẫn hoàn toàn thành công về mặt thương mại vì dù có 10% số người đang xem tẩy chay chương trình, cũng không thể bằng 1% số lượng người xem mới mà họ thu hút được chỉ vì tò mò một chương trình xuất hiện nhan nhản trên báo chí ngày này qua ngày khác.
Bình thường các công ty vẫn phải trả tiền để quảng bá sản phẩm của mình qua các kênh truyền thông, nhưng truyền thông, ngược lại cũng cần có nội dung để thu hút người xem, đối tượng của quảng cáo.
Đã có nhiều ví dụ về việc lợi dụng truyền thông để tạo danh tiếng, với hiệu quả tốt hơn hẳn việc bỏ tiền ra làm quảng cáo.
Apple luôn giữ bí mật sản phẩm mới của mình, nhưng thường vô tình rò rỉ tin tức trước ngày giới thiệu.
Harry Porter 7 khởi đầu với một tiết lộ gây shock, sẽ có một nhân vật chính sẽ chết, và để mặc mọi người đồn đoán xem đó là ai.
Hay máy lọc nước Kangaroo với chiêu trò quảng cáo gây bức xúc dư luận, nhận được hàng ngàn lời chế nhạo nhưng bỗng chốc được nhận diện chỉ sau một đêm, và được gợi nhớ lại trong tâm trí khách hàng qua các bức ảnh chế và khẩu hiệu hàng đầu Việt Nam.
Đôi khi truyền thông tự sản xuất ra danh tiếng nằm ngoài ý muốn của chủ thể. Hãy nhớ lại chú bạch tuộc Paul của World Cup 2010, với câu chuyện được chú ý còn nhiều hơn màn trình diễn của các cầu thủ trên sân.
Đến hiệu quả của Hoa Sen
Không thể phê phán người khác khi họ đã làm một việc tốt. Nhưng rõ ràng đây là chiến dịch PR có ý đồ của Hoa Sen.
Sẽ nhầm lẫn khi cho rằng Nick đến Việt Nam làm tài sản của ông Vũ tăng thêm 180 tỷ trong 1 tuần (?) như báo chí đang đề cập, bởi vì tăng giá cổ phiếu không phải là mục tiêu của chiến dịch này.
Tuy nhiên, đây là một trong những câu chuyện bên lề được truyền thông khai thác, bên cạnh hàng chục câu chuyện khác như chuyện bảo vệ Nick, bé gái ở Yên Bái muốn gặp Nick…
Thành công của Hoa Sen lúc này là họ để truyền thông hướng mục tiêu về phía chương trình, chứ không phải về mình. Khởi đầu của chiến dịch được đặt ở vị thế rất cao, một chuỗi chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia, đây là lần đầu tiên một người nước ngoài có vinh dự như vậy.
Nếu Nick chỉ đến Việt Nam và diễn thuyết trong một buổi, sự quan tâm có lẽ chỉ lan tỏa 2-3 ngày trước buổi nói chuyện. Họ cũng bỏ qua việc tạo khan hiếm vé để đẩy sức nóng lên, vé được phân phối qua nhiều kênh và tiếp cận tương đối dễ dàng. Việc còn lại chỉ là để mạng xã hội và báo chí lan truyền câu chuyện thêm nữa.
Với 32 tỷ đồng (con số công bố ban đầu) hay chính xác là 36 tỷ (được công bố sau sự kiện), Hoa Sen có thể mời nhiều ngôi sao khác đến Việt Nam. Nick cũng chẳng có liên quan gì đến dòng sản phẩm chính của họ là tôn và thép. Nhưng nhờ Nick, thương hiệu và uy tín của Hoa Sen đang lên rất cao.
Và khi chuỗi chương trình kết thúc, hiệu ứng giảm dần, Hoa Sen có thể khéo léo hướng truyền thông về phía mình, như là đơn vị đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người Việt Nam. Họ cũng không cần phải làm gì nhiều, tự khắc truyền thông và mọi người sẽ tò mò về ông Vũ, về Hoa Sen và từ đó câu chuyện sẽ tiếp tục được sản xuất.
Trong chiến dịch PR này, Hoa Sen đã có một mục tiêu hợp lý, một chiến lược tuyệt vời. Giờ là lúc họ xử lý các chiến thuật để nhân rộng tính hiệu quả và tạo tiền đề cho những chiến dịch khác trong tương lai.
Nguyên Phương