Nóng mặt vì doanh nghiệp lãi lớn không chịu trả cổ tức
DN làm ăn có lãi, thậm chí lãi lớn nhưng lại chậm chia cổ tức, không chia cổ tức hay chia cổ tức ít ỏi… với nhiều lý do khác nhau.
Trong lúc giá chứng khoán đi xuống mà lãi suất lại tăng lên, việc này khiến cho không ít cổ đông chán nản.
Viện đủ lý do
Lần thứ 4 thất hứa trả cổ tức 2011, CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) lại đưa ra lời giải thích là cần vốn cho các công trình trọng điểm thay cho chưa thu hồi được công nợ như lần trước. Cổ tức 10% (tương đương 1.000 đồng/cp) bị hoãn nhiều lần trước đó được thanh toán thành hai đợt, 4% vào ngày 23/4 và 6% còn lại phải chờ đến 19/8.
Trong ĐHĐCĐ thường niên 2013 hồi cuối tháng qua, CTCP Xây dựng số 5 (SC5) đã quyết định không chia cổ tức năm 2012 mặc dù có lợi nhuận tương đối trong năm qua. Theo đó, phần lợi nhuận thực hiện được, công ty dùng để trích lập các quỹ và đưa vào lợi nhuận chưa phân phối, nhưng không chia cổ tức năm 2012.
CTCP Đầu tư và Thương mại PFV hồi đầu tháng 4 cũng đã thống nhất không chia cổ tức cho dù lãi đột biến 327 tỷ trong năm 2012 (tăng 325 tỷ so 2011). Lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm cuối 2012 là 360 tỷ đồng được giữ lại để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Hay như Chứng khoán Vietinbank (VietinbankSC), dù vượt kế hoạch với lợi nhuận sau thuế 2012 đạt trên 70 tỷ đồng nhưng công ty này dự tính giảm chia cổ tức cho cổ đông từ mức 8% dự tính trước đó xuống còn 6%.Nhiều doanh nghiệp lãi lớn nhưng chia cổ tức tỷ lệ thấp. Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là một ví dụ. Công ty này tiếp tục gây thất vọng cho nhiều cổ đông khi quyết định chỉ chia cổ tức 2012 ở mức 10% cho dù lợi nhuận tăng gần 300% so với 2011.
Ở mảng ngân hàng, rất nhiều đơn vị tiếp tục công bố lãi hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn quyết định không chia cổ tức hoặc chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2012 và kế hoạch vẫn như vậy cho các năm kế tiếp.
Vietinbank (CTG) lên kế hoạch 2013 tiếp tục dùng cổ phiếu chia cổ tức và dự tính sẽ làm như vậy cho cả giai đoạn 2011-2015 với mục đích nhằm tích lũy cho chiến lược tăng vốn và tăng tổng tài sản liên tục giai đoạn này.
Hàng loạt các doanh nghiệp và ngân hàng khác cũng đã không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông mà dùng tiền cho mục đích phát triển dài hạn như: MSN, Techcombank, Sacombank, ITA, HAG... hoặc chia thấp hơn so với lợi nhuận doanh nghiệp kiếm được như: REE, HBC...
Nhiều doanh nghiệp thậm chí dùng tiền mặt dư thừa để mua cổ phiếu quỹ như: DQC (đã bị hủy trước thềm đại hội), EBS, MDG, TAG...
Cổ đông bé căn răng chịu thiệt
Trên thực tế, đã có không ít các nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia đứng ra giải thích về quyết định giữ lại vốn của các doanh nghiệp như thế là để đầu tư cho tương lai, tranh thủ cơ hội phát triển hay để phòng thủ trong bối cảnh nền kinh tế chưa khởi sắc... Tuy nhiên, không ít cổ đông nhỏ lẻ vẫn cảm thấy phần thiệt dường như đang nghiêng về mình.
Trong trường hợp MSN, doanh nghiệp đã quyết định không chia cổ tức trong 4 năm qua. Vốn được MSN liên tục giữ lại cho đầu tư phát triển. Thậm chí, ĐHCĐ gần đây còn thông qua việc không chi thù lao cho HĐQT, BKS năm 2013 cho dù lợi nhuận chưa phân phối còn lại tính tới cuối 2012 đạt gần 6.000 tỷ đồng.
Tại nhiều DN, dù làm ăn kém ấn tượng trong năm qua hoặc/và không trả cổ tức, nhưng một khoản tiền thù lao lớn vẫn được trả hoặc dự tính trả cho các lãnh đạo như trường hợp Sacombank, PNJ, PGI...
Giải thích về tỷ lệ cổ tức thấp hoặc không chia cổ tức, lãnh đạo một số DN cho rằng, nền kinh tế vẫn đang trong khủng hoảng, chưa có tín hiệu khởi sắc nên nếu trả cổ tức cao hoặc đặt kế hoạch cổ tức cao sẽ không hợp lý, thậm chí sẽ rất rủi ro. Đặt kế hoạch cao doanh nghiệp có thể khiến ban lãnh đạo chạy theo mục tiêu và có thể dẫn tới kịch bản đầu tư sai lầm, gây thua lỗ hoặc mất vốn.
Những sai lầm về đầu tư phát triển nóng, đầu tư đa ngành... đã được lật lại và định hướng phát triển bền vững được nhiều lãnh đạo nói tới. Việc không chia cổ tức hoặc chia cổ tức thấp là để phòng ngừa rủi ro hoặc để đầu tư cho dài hạn.
Có thể thấy, trong những năm khó khăn vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp biết vượt trên giông bão, thậm chí tận dụng cơ hội để mua bán thâu tóm, mở rộng thị trường hoặc/và tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi... đã tạo ra lợi nhuận lớn cho mình.
Việc không chia cổ tức hoặc chia cổ tức thấp là nằm trong chiến lược phát triển kinh doanh. Chia cổ tức nhiều đôi khi làm mất đi cơ hội kinh doanh, mất đi đà lớn mạnh của doanh nghiệp.
Những đó là lập luận của các cổ đông lớn nhưng với các cổ đông nhỏ với lợi ích liên quan tới không gì hơn ngoài cổ tức thì cảm thấy bị thiệt thòi.
Vấn đề nằm ở chỗ, nếu các đồng tiền lợi nhuận được DN giữ lại được đầu tư vào các dự án kém tiềm năng thì sao? Các cổ đông nhỏ lẻ thường không có vai trò quyết định tới việc doanh nghiệp làm gì, làm dự án nào và thực hiện ra sao. Vụ việc cổ đông lớn bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên) cũng như hàng loạt các đại gia khác bơm tiền sang các "sân sau", sang các dự án có lợi cho họ... đã khiến không ít các cổ đông nhỏ lẻ đột nhiên quan tâm tới cổ tức trong các đại hội cổ đông gần đây.
Mong muốn được trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao của các cổ đông nhỏ trong tất cả các đại hội gần đây thường không đạt được. Một điều đơn giản là bởi vì quyền quyết định vẫn nằm trong tay các cổ đông lớn. Họ muốn sử dụng đồng tiền để doanh nghiệp phát triển theo định hướng của họ. Cổ đông nhỏ lẻ không hài lòng chỉ có cách tốt nhất là bán cổ phiếu.
Theo Mạnh Hà