Nghe trader hay nghe nhà kinh tế học?
Các nhà giao dịch (trader) và kinh tế học đều là những người giành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, bài viết này sẽ tập trung vào sự khác biệt trong phương pháp tiếp cận của hai nhóm này.
Chỉ trích nhau
Bởi lợi nhuận của trader đến từ việc tìm kiếm các chênh lệch về giá, họ tin rằng giá cả thường sai hơn là đúng. Các yếu tố cơ bản có tác động đến thị trường, nhưng nhóm này tin rằng họ thường xuyên bị tác động quá mức bởi tâm lý, thanh khoản và các yếu tố không cơ bản khác.
Ngược lại, các nhà kinh tế học luôn tin rằng mức giá là đúng. Điểm giao nhau giữa đường cung và đường cầu giải thích việc tại sao mỗi người mua và người bán có thể có ý kiến khác nhau về mức giá. Sự thống nhất giữa người mua và người bán sẽ tạo ra một mức giá chính xác và duy nhất. Các nhà kinh tế học không tranh cãi về vai trò của tâm lý và coi trọng các yếu tố cơ bản.
Sự khác biệt về góc nhìn giúp lý giải tại sao các trader thường nghi ngờ về chương trình nới lỏng định lượng (QE). Tháng 5 vừa qua, Stan Druckenmiller – nhà quản lý quỹ đầu cơ khá thành công trong nhiều năm – đã buộc tội Fed đang thực hiện chính sách tiền tệ bất hợp lý nhất trong lịch sử.
Druckenmiller lập luận rằng lợi suất trái phiếu kho bạc là chỉ số quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ và QE đang phá hủy điều này. Cục dự trữ liên bang (Fed) đang khiến hàng loạt tài sản khác tuột khỏi mức giá nhạy cảm.
Trong khi đó, các nhà kinh tế học như Brad DeLong và Paul Krugman khẳng định sự thật là các trader đã cố gắng tạo ra lợi nhuận từ QE. Tuy nhiên, họ thất bại và giờ đây quay sang đổ lỗi cho Fed.
Ai đúng ai sai?
Không thể phủ nhận rằng các nhà kinh tế học có điểm đúng. Mọi mức giá đều là kết quả của cuộc thương lượng giữa hai trader thông thái. Trader phải tự chọn một bên. Đúng là QE đã bóp méo giá cả, nhưng đó là hệ quả của mọi chính sách tiền tệ: giá vàng, tỷ giá và lãi suất ngắn hạn đều thay đổi. Trong trường hợp QE, việc bóp méo còn khá minh bạch: thay đổi giá bằng cách tác động vào cung cầu chứ không phải trực tiếp kiểm soát giá cả.
Tuy nhiên, các trader cũng có ý đúng. Diễn biến của thị trường trái phiếu trong tháng 6 giải thích điều này.
Đầu tiên, các nhà kinh tế học thường cố gắng mô hình hóa hành vi của các trader, kể cả khi họ không biết rõ về điều đó. Ví dụ, hãy xem xét các mô hình định giá chứng khoán. Giá một cổ phiếu tương đương với dòng tiền trong tương lai, trừ đi lãi suất phi rủi ro cộng với phần bù rủi ro vốn cổ phần. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là mức trung bình của lợi suất ngắn hạn được kỳ vọng trong vòng 10 năm tới, cộng thêm một phần nhỏ gọi là “phần bù kỳ hạn”.
“Phần bù rủi ro vốn cổ phần” và “phần bù kỳ hạn” nghe có vẻ giống với các khái niệm phức tạp trong kinh tế học. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng là những chỉ số thống kê mà các nhà kinh tế học không thể giải thích bằng các yếu tố cơ bản. Đây là những nhân tố không thể định lượng chính xác mà các trader nghiên cứu khi coi giá cả trên thị trường bị lệch.
Khi Fed giúp thị trường chuẩn bị cho việc tốc độ thực hiện gói QE giảm xuống, Fed cho rằng họ không thay đổi quan điểm về việc khi nào sẽ nâng lãi suất ngắn hạn và do đó lãi suất trái phiếu sẽ chỉ biến động nhẹ. Tuy nhiên, mọi thứ không xảy ra như kịch bản dự tính của Fed. Lợi suất trái phiếu tăng 1 điểm phần trăm và còn tăng mạnh hơn trên thị trường tương lai – nơi thể hiện chênh lệch giữa ngắn hạn và dài hạn.
Nhận xét về diễn biến này, các quan chức Fed kết luận rằng vấn đề thuộc về quá trình truyền tải thông điệp của Fed: thị trường nghĩ rằng QE bị thu hẹp cũng có nghĩa là QE sắp chấm dứt và lãi suất sắp được nâng lên. Sau đó, nhiều quan chức Fed đã phải khẳng định lãi suất thậm chí có thể ở mức thấp trong thời gian dài hơn so với dự tính của Fed, đặc biệt là nếu như lạm phát thấp hơn 2%.
Trên thực tế, lập luận của Fed khiến người ta hoài nghi. Trước mỗi cuộc họp của Ủy ban thị trường mở, Fed chi nhánh New York đều thực hiện khảo sát đối với các nhà đầu tư lớn trên thị trường. Khảo sát của tháng 6 cho thấy các nhà đầu tư dự báo lần nâng lãi suất sớm nhất sẽ diễn ra vào quý III/2015 – không khác gì so với khảo sát của tháng 4. Nói cách khác, các trader không hề thay đổi quan điểm về việc khi nào Fed sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách.
Bài học
Vậy thì, nếu như lãi suất ngắn hạn kỳ vọng không thay đổi, lợi suất trái phiếu tăng vọt bởi phần bù kỳ hạn tăng lên? Chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Tuy nhiên, điều cần ghi nhớ ở đây là một lượng tiền lớn được rút khỏi các vị thế đặt cược vào kịch bản lợi suất trái phiếu dài hạn ở mức thấp. Có lẽ, không có ai cho rằng một đợt bán tháo qui mô lớn là điều cần thiết. Tuy nhiên, tất cả đều cố gắng hành động trước người khác.
Việc các yếu tố phi cơ bản có thể trở thành nhân tố chi phối thị trường mạnh mẽ không phải là nguyên nhân khiến các trader chỉ trích chính sách tiền tệ. Đây là lý do khiến chúng ta nên để ý đến quan điểm của các trader khi nhận định về giá cả và khi đề ra chính sách.
Jeremy Stein – một thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed – đã viết:
Các nhân tố cơ bản chỉ có thể giải thích một phần nhỏ trong biến động của giá tài sản (như cổ phiếu, trái phiếu dài hạn và trái phiếu doanh nghiệp). Biến động đến từ điều mà các nhà kinh tế học gọi là “sự thay đổi trong tỷ lệ chiết khấu” (bao gồm sự thay đổi trong tâm lý của nhà đầu tư, biến động giá do yếu tố bất thường…) Bài học rút ra là người tiêu dùng và doanh nghiệp dựa vào giá tài sản để dự đoán về chính sách tiền tệ trong tương lai nên thận trọng để không hiểu sai về biến động giá.
Điều này cũng đúng với các thống đốc NHTW cũng như các nhà báo và các blogger.
Thu Hương
Theo Theo CafeF/Trí thức trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!