Môi trường làm việc: Độc đáo không dễ phổ cập
Đối với nhân viên, bên cạnh những tiện ích nổi rõ của nó cũng có không ít hiểm hóc bởi ranh giới giữa tận dụng và lợi dụng, giữa lợi và bất cập hại rất mong manh.
Sau một số hãng như Netflic hay Evernote, hai tập đoàn lớn trên thế giới là Virgin và Microsoft đã bắt đầu cuộc tấn công vào mục tiêu huỷ bỏ việc bắt buộc cộng sự và nhân viên phải hiện diện đầy đủ thời gian làm việc quy định ở văn phòng.
Virgin cho nhân viên "nghỉ thoải mái, nghỉ không giới hạn và không cần phải xin phép". Còn Microsoft cho phép nhân viên làm việc ở bất kể nơi đâu chứ không bắt buộc phải đến văn phòng.
Đương nhiên, những quy định nói trên đi cùng với điều kiện là công việc được giao phải hoàn thành và không được để cho việc sử dụng quy định quá hào phóng về kỷ luật giờ giấc lao động này ảnh hưởng đến lợi ích của tập đoàn.
Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, quy định như thế là biểu hiện của một phương pháp quản lý mới trong kinh doanh. Tiêu chí để đánh giá và quyết định là kết quả cuối cùng và hiệu quả công việc. Nhân viên tự lựa chọn lấy môi trường làm việc và cách tổ chức công việc sao cho thích hợp nhất với mình. Cách tiếp cận về phương pháp quản lý ở đây là bỏ biện pháp hành chính để tập trung vào coi trọng ý thức tự giác và trách nhiệm của nhân viên. Nó độc đáo ở chỗ trái ngược hoàn toàn với mô hình thời gian làm việc cố định và bắt buộc trong văn phòng, ở chỗ nhân viên từ bị chế tài chuyển sang chủ động thu xếp thời gian làm việc để hoàn thành công việc.
Cũng chính vì nó độc đáo thế mà Virgin và Microsoft mới chỉ áp dụng thử nghiệm ở phạm vi hẹp. Đằng sau chủ ý của hai hãng này muốn để nhân viên tự hoàn chỉnh hoá môi trường làm việc sao cho họ có thể lao động sáng tạo nhiều nhất và hiệu quả nhất còn ẩn chưa hai mục đích khác nữa là tiết kiệm chi phí ở văn phòng và để nhân viên tự gây áp lực cho chính mình.
Phương pháp quản lý mới này đang trở thành chủ đề tranh luận trong thế giới kinh doanh bởi như thế có nghĩa là thay đổi cách suy nghĩ trong quản lý. Đối với nhân viên, bên cạnh những tiện ích nổi rõ của nó cũng có không ít hiểm hóc bởi ranh giới giữa tận dụng và lợi dụng, giữa lợi và bất cập hại rất mong manh. Họ được chủ động về thời gian làm việc và nơi làm việc thật đấy nhưng luôn phải lưu ý đến việc đảm bảo hợp tác với cộng sự và cả ganh đua với cộng sự để thăng tiến trong công danh sự nghiệp.
Độc đáo thật đấy và có tác động không hề nhỏ tới sự biến động của thế giới làm việc của con người nhưng phương thức quản lý này không dễ phổ cập và vì thế không dễ sớm thắng thế đến mức có thể đẩy lùi cách thức làm việc đủ giờ quy định trong văn phòng. Không phải ở ngành nào trong sản xuất cũng như trong dịch vụ đều có thể vận dụng phương cách mới này. Nó có thể thích hợp, thậm chí rất thích hợp, với ngành này nhưng lại rất không phù hợp với ngành khác. Chẳng hạn như khi cần môi trường lao động thật sự yên tĩnh hoặc cần phải tập trung cao độ liên tục trong khoảng thời gian nhất định thì rõ ràng nó rất thích hợp.
Ngoài ra, tâm lý của nhân viên cũng đóng vai trò rất quan trọng. Phương thức quản lý này do hãng Netflix và Evernote phát minh ra nhưng việc thực hiện nó ở tại cả hai hãng này đã không đưa lại kết quả như mong đợi. Nhân viên lo ngại bị biệt lập trong số đông khi những cộng sự không làm thế mà mình lại làm thế và e rằng như vậy sẽ ảnh hưởng đến chính công việc cũng như tương lai nghề nghiệp của mình.
Cũng bởi sự ngờ vực đó mà thiên hạ cho rằng cả Virgin lẫn Microsoft còn chủ ý tự làm PR cho mình, thể hiện đi tiên phong trong đổi mới phương thức quản lý đồng thời tạo hình ảnh quan tâm và thân thiện với nhân viên. Có thể như vậy. Nhưng dù sao thì cũng vẫn không thể không nhận ra rằng mô hình quản lý thời gian làm việc cố định ở văn phòng không còn bất di bất dịch nữa rồi.
>> PERMA: Quy tắc vàng giúp bạn cân bằng cuộc sống - công việc
Theo Hoàng Mai