Kinh doanh bê bết: Doanh nghiệp thay tướng hòng đổi vận
Có thể thấy, chưa có năm nào tại các DN niêm yết lại có sự thay đổi mạnh mẽ về đội ngũ nhân sự cao cấp như năm 2012.
Không chỉ đến mùa đại hội cổ đông, việc thay lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp (DN) đã liên tiếp diễn ra một cách bất thường. Qua đó cho thất một thực trạng DN kinh doanh bế tắc, không hài lòng với kết quả kinh doanh nên thay tướng hòng đổi vận.
Bài toán thay tướng
Ngày 27/9, trong bản tin nội bộ của FPT, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc kiêm nhiệm FPT đã gửi thư đến toàn thể 14.000 cán bộ nhân viên tập đoàn này để khích lệ tinh thần của họ vượt qua khó khăn hiện nay.
Trong tâm thư, ông Bình đã nhắc lại việc ông Trương Đình Anh chính thức xin từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc FPT từ ngày 26/9 . Với ông Bình, quyết định từ nhiệm của "người trẻ tuổi tài năng, đầy khát vọng" Trương Đình Anh là 1 mất mát lớn bởi chính nhà lãnh đạo thế hệ thứ 2 của FPT này đã có rất nhiều đóng góp cho FPT. Nhưng dường như đây là 1 sự thay đổi không thể tránh khỏi.
Có thể thấy,đây là 1 giai đoạn đầy thách thức với FPT. Những biểu hiện đi xuống (doanh thu và lợi nhuận có xu hướng đi xuống) hoặc tầm nhìn dài hạn không mấy sáng sủa có thể khiến các nhà lãnh đạo của tập đoàn này lo ngại. Theo đó, 1 trong những thách thức mà FPT phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thách thức của một cuộc chinh phục mới - trở thành công ty toàn cầu như họ kỳ vọng.
Có thể thấy, sau 2 lần mong muốn đổi vận với 2 vị tướng Nguyễn Thành Nam và Trương Đình Anh, FPT giờ đây lại đang trở lại với nhà lãnh đạo kỳ cựu và để "chuẩn bị tốt hơn cho sự chuyển giao một thế hệ lãnh đạo trong thời gian tới".
Không ồn ào như ở FPT, nhưng quyết định "thay máu" lãnh đạo ở nhiều DN khác cũng không kém phần quyết liệt. Thậm chí, có doanh nghiệp thay cả dàn lãnh đạo với mong muốn có lẽ không có gì khác là để công ty trở nên tốt hơn.
Cũng trong tuần này, CTCP Y dược phẩm Vimedimex (VMD) công bố Nghị quyết ĐHCĐ bất thường tổ chức ngày 21/9/2012. Theo đó, toàn bộ ''dàn'' lãnh đạo cũ đã bất ngờ bị thay hết toàn bộ.
Theo đó, ĐHCĐ đã miễn nhiệm tất cả các thành viên HĐQT và bầu các thành viên mới. Ngay sau đó, HĐQT cũng nhanh chóng công bố nghị quyết miễn nhiệm tổng giám đốc và kế toán trưởng.
Những thay đổi trên tại VMD xảy ra trong trong bối cảnh DN này vừa trải qua 1 quý kinh doanh tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể, VMD lỗ hơn 2,1 tỷ đồng trong quý II/2012, trong khi nợ gia tăng còn vốn chủ sở hữu giảm mất hơn 10 tỷ. Không những thế, lợi nhuận sau soát xét 6 tháng đầu năm của VMD giảm 42% so với trước soát xét và chỉ đạt 23,4% kế hoạch năm.
Ở 1 động thái tương tự, Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi (Vigatexco) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị ngày 17/9/2012 thông qua việc thay đổi cả 1 dàn nhân sự lãnh đạo.
Cụ thể, Vigatexco miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Việt Cường kể từ ngày 17/9/2012 và miễn nhiệm chức vụ tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Việt Cường kể từ ngày 1/10/2012.
Vigatexco cũng bầu bà Đặng Phạm Minh Loan giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2012 - 2016 thay ông Nguyễn Việt Cường; bổ nhiệm ông Đinh Thanh Phương giữ chức vụ Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/10/2012.
Trước đó khoảng 2 tuần, CTCP chiếu xạ An Phú (APC) đã "trảm" tướng vì không hoàn thành chỉ tiêu ĐHCĐ đề ra, bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Lập (1975) giữ chức vụ tổng giám đốc từ ngày 7/9/2012, thay cho ông Vương Đình Khoát. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận của APC chỉ đạt 6,43 tỷ đồng, rất xa mục tiêu 29,8 tỷ đồng đề ra cho năm 2012.
Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) hồi cuối tháng 8 cũng công bố đồng thời thay tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT với ông Ngô Thành Chung được bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc thay cho ông Nguyễn Văn Bình kể từ ngày 13/8/2012 và ông Phạm Thanh Sơn được bổ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT thay thế ông Nguyễn Duy Hùng kể từ ngày 10/8/2012.
Việc "thay máu" lãnh đạo còn được nhìn nhận ở rất nhiều DN như: VSI, SCR, FDC, Cienco 5, STL, SJS, PTC, BHS, SSG, RAL, DHA, VPK... và tại 1 loạt các ngân hàng và công ty chứng khoán khác.
Một điểm chung ở hầu hết các DN có sự thay đổi về lãnh đạo cao cấp nói trên là các đơn vị này đa phần gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh hoặc bế tắc trong phát triển. Một số ít vừa gặp khó khăn vừa đối mặt với tình trạng bị mua bán, thâu tóm.
Kỳ vọng sự thay đổi
Một quy luật mà các DN luôn phải cân nhắc theo là phải thay đổi để phát triển. Việc thay máu lãnh đạo cũng là 1 phần trong quy luật đó.
Có thể thấy, chưa có năm nào tại các DN niêm yết lại có sự thay đổi mạnh mẽ về đội ngũ nhân sự cao cấp như năm 2012.
Làn sóng thay máu lãnh đạo này dồn dập từ trước mùa đại hội với 1 loạt các cái tên như SJS, PTC, BHS, SSG, RAL, DHA, VPK... nhưng dường như chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngay trong tháng 9 này thôi, sự thay đổi lãnh đạo đang diễn ra mạnh mẽ không hề kém trước đó, hồi tháng 3-5. Hàng loạt các tên tuổi lớn đã công bố các quyết định thay tướng và đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Mặc dù ở mỗi DN, tình trạng tài chính, tình trạng quản trị và chiến lược là khác nhau. Do vậy, việc thay đổi lãnh đạo ở từng DN cụ thể chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ nhất là vì sao. Nhưng nói chung, lý do gì thì cuối cùng cũng quay về với nguyên nhân chính là thay đổi để phù hợp, thay đổi để phát triển, hoặc do áp lực từ cổ đông lớn, hoặc ý đồ thâu tóm...
Trong thời kỳ nền kinh tế ở đỉnh cao, các DN thừa cơ phát triển ồ ạt thì không sao nhưng 2-3 năm kinh tế suy thoái vừa qua đã khiến những yếu kém nội tại các doanh nghiệp lộ rõ. Khi mà nền kinh tế đang hướng dần tới 1 sự thay đổi mới, 1 giai đoạn tăng trưởng mới thì nó cũng đòi hỏi các tế bào của nền kinh tế là các doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích nghi.
Việc thay đổi cách thức quản trị mà nhanh nhất là thay đổi người đứng đầu (mặc dù là tối kỵ với doanh nghiệp) nhưng có lẽ là cần thiết hơn bao giờ hết. Tư duy phát triển nóng, cạnh tranh theo những thế mạnh về vốn rẻ, về quan hệ, về bảo hộ, về sự đi đầu... giờ có lẽ phải được thay đổi bằng tư duy phát triển bền vững, cẩn trọng, kiểm soát tốt rủi ro...
Gần đây, trên thị trường giới đầu tư đã nhìn nhận khá nhiều gương mặt đại gia, DN hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ, từng nổi danh 1 thời nay đang đứng trên bờ phá sản hoặc nguy cơ tụt lùi với các đối thủ như THV, Bianfishco, QCG, TRI, HBB...
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại, cách thức quản trị cứng nhắc, thúc ép theo mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà không hề sáng tạo... có lẽ là không còn hợp thời. Áp lực quá lớn có thể làm thui chột tài năng, sức làm việc của nhân viên và ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Huấn Tú
Vef