Kiếm tiền & Làm giàu: Làm thuê chuyên nghiệp và làm nghề tự do (P2)

11/09/2014 12:31 PM | Quản trị

Người “làm thuê chuyên nghiệp” hoặc “làm nghề tự do” thành công, tuy không thể quá giàu, nhưng nếu biết quản trị tài chính vẫn có thể thể là người “tự do về tài chính”.

CafeBiz trân trọng giới thiệu tiếp bài số 2: “Làm thuê và tự làm chủ” trong loạt bài Kiếm tiền và làm giàu”.

Bài kỳ trước: Kiếm tiền & làm giàu: Hãy là người giàu đúng nghĩa? (P1)


LÀM THUÊ CHUYÊN NGHIỆP

Làm thuê vẫn có thể là người giàu

Theo ông Robert Kiyosaki - tác giả của cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” thì những người làm thuê chuyên nghiệp bị rơi vào vòng luẩn quẩn: Đi làm, nhận lương, và trả nợ cho những chi phí và những tài sản mà ông gọi là tiêu sản – những tài sản không sinh lợi cho người sở hữu. Vì thế theo ông, những người làm thuê khó có thể là người giàu.

Có lẻ tác giả Robert Kiyosaki quá hăng say với hai kiểu làm giàu: Doanh nhân và Đầu tư, nên suy nghĩ của ông có “hơi ép” những người làm thuê chuyên nghiệp, làm công ăn lương. 

Thật ra người làm thuê cũng có thể giàu nếu như họ hưởng mức lương khá tốt so với chi phí, hoặc/và có những ưu đãi như: Tiền thưởng khi hoàn thành công việc, thưởng trên giá trị tăng thêm của cổ phiếu, hoặc được chia cổ phiếu của công ty…

Những người này nếu biết cách quản trị tài chính cá nhân, thì vẫn có thể “rủng rình” tiền bạc và tích tụ tài sản. Một cách “tương đối” họ vẫn có thể là những người giàu. Dĩ nhiên, họ không thể giàu bằng với các doanh nhân, các nhà đầu tư thành công, nhưng ngược lại độ rủi ro của họ thấp hơn so với doanh nhân, nhà đầu tư.

Xã hội luôn cần những người làm thuê

Theo một số sách và cảm nhận của người viết, thì đa số người Việt thích làm thuê, thích có công việc ổn định, và thích được “làm quan”.  Điều này có hai mặt của nó. Nếu phần đông xã hội đều muốn làm thuê thì đất nước khó mà phát triển. 

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Mỹ là quốc gia hàng đầu thế giới là tinh thần khởi nghiệp của người dân nước họ. Việt Nam cần nhiều hơn những người có tinh thần doanh nghiệp thì mới phát triển mạnh được. 

Thế nhưng việc đi làm thuê cũng là một bước đệm, một trải nghiệm cần thiết cho hầu hết mọi người trước khi họ có thể làm chủ, làm nghề tự do, doanh nhân, hay đầu tư… Xét theo khía cạnh đó làm thuê là một giải pháp tuyệt vời – vừa có tiền để sinh sống vừa thu thập kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ cần thiết để có thể tăng xác suất thành công khi tự làm chủ, làm doanh nhân, hay nhà đầu tư. 

Một điều quan trọng nữa đó là xã hội lúc nào cũng cần những người làm thuê chuyên nghiệp. Và những doanh nhân thành công - chủ những doanh nghiệp  - luôn cần có lao động: Công nhân, nhân viên văn phòng và đặc biệt là những người giỏi chuyên môn, nắm vững kỹ thuật; những quản trị viên cao cấp… để vận hành doanh nghiệp cho họ, giúp họ “rảnh tay” suy nghĩ chiến lược hay phát triển việc kinh doanh.

 

 

 

Rủi ro của người làm thuê

Tuy người làm thuê không có những rủi ro lớn như chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư, nhưng họ vẫn có những rủi ro trong công việc. Và khi càng lên vị trí cao, những rủi ro này càng lớn. Một cách tổng quát, vị trí hay sự nghiệp của một người phụ thuộc vào những điều cơ bản sau: Năng lực của họ, kệt quả của việc họ làm, những đóng góp của họ đối với công ty, đánh giá của các sếp về họ. 

Thế nhưng có rất nhiều biến số ảnh hưởng tới những điều cơ bản trên chẳng hạn như: Tình hình thị trường, đối tác, đồng nghiệp, tính cách sếp, sự thay đổi của lãnh đạo cấp cao hơn... Ngoài ra còn có sự góp phần của những “mưu kế công sở”, những “chiêu chính trị” vốn tồn tại hầu hết ở các tổ chức – vấn đề là mức độ cao hay thấp. 

Do đó, người làm thuê phải rất giỏi giang, phải đạt hiệu quả cao trong công việc, và rất bản lĩnh – chịu đựng áp lực, biết cách giải tỏa những mâu thuẫn , và biết "nhẫn" – thì mới có thể tiến lên vị trí cao trong sự nghiệp của mình.

Tiến lên bằng đường zích zắc

Hàng năm những người làm thuê bình thường sẽ được tăng lương theo chế độ của công ty. Mỗi công ty có 1 chính sách tăng lương hàng năm dựa vào bảng xếp hạng đánh giá cuối năm của nhân viên đó. 

Ví dụ như nhân viên được xếp hạng khá có thể tăng lương từ  1,5 hay 2,5 của chỉ số lạm phát. Nếu cứ tiếp tục được tăng lương như vậy thì lương của người làm thuê sẽ gấn như một đường thẳng tuyến tính. Những người làm thuê “khôn ngoan” – khoản 3-5 năm một lần – sẽ tạo ra những cú tăng trưởng về lương. 

Đó có thể là sự thăng tiến về chức vụ, hay nhận lãnh thêm trách nhiệm, hoặc nhận công việc quan trọng khác… Và đó cũng có thể là việc chuyển công ty. Khi đó, đồ thị của họ sẽ là đường zích zắc và lương của họ về đường dài sẽ cao hơn nhiều so với người có tăng trưởng một cách bình thường hàng năm.

Tôi muốn bàn thêm về việc thay đổi công ty. Như đã nói người năng động thăng tiến trong công ty, hoặc thay đổi công ty khoản 3 - 5 năm/ một lần. Thế nhưng những người thay đổi công ty quá nhiều: Trung bình dưới 2 năm một công ty, sẽ bị các nhà tuyển dụng xếp vào danh sách Người thích nhảy việc - tiếng Anh gọi là Job Hopper. Vì thế người làm thuê cũng phải hết sức thận trong trong việc thay đổi công ty.

Chuyên nghiệp với chính bản thân mình

Người viết may mắn được học từ một người sếp của 1 tập đoàn nước ngoài: Mình đã làm thuê chuyên nghiệp thì phải hành xử chuyên nghiệp: Chuyên nghiệp trong công việc và chuyên nghiệp với chính bản thân mình. 

Nghề nghiệp và tương lai của mình rất quan trọng, mình không thể trông cậy hết vào sự hoạch định của công ty dành cho mình. Bản thân mình phải biết mình là ai - điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; mình  cần gì - mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn; và mình làm như thế nào  – chiến lược và hoạch định – để đạt những mục tiêu ấy.

Xem thêm: Người khai sinh ra dầu gội X-Men: 'Muốn làm chủ tốt, hãy đi làm thuê 10 năm đã'

LÀM NGHỀ TỰ DO, TỰ LÀM CHỦ

Làm nghề tự do tức là làm cho chính mình

Người làm công việc tự do (Freelancer) còn được xem là người tự làm chủ: Làm việc cho chính mình (self-employed). Ưu điểm của làm nghề tự do là được tự do về  thời gian, và được tự do làm điều mình muốn, theo cách thức của mình chứ không theo cách thức của công ty hay ông sếp nào cả. 

Điều quan trọng nhất là có khách sử dụng, “mua” công việc, dịch vụ của mình. Một ưu điểm nữa của người làm nghề tự do là họ được hưởng gần như trọn vẹn thành quả của mình làm ra vì thế có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn so với những người làm thuê có cùng năng lực. 

Khuyết điểm của làm nghề tự do là không ổn định: Nếu không có công việc, không có khách thì sẽ không có thu nhập hàng tháng như người làm thuê. Những người làm nghề tự do tạo ra sự ổn định cho mình bằng cách làm tốt công việc để được khách hàng tiếp tục sử dụng và giới thiệu khách hàng mới. 

Khi có nhiều khách hàng, người làm tự do không những ổn định mà có thể kiếm tiền nhiều và trở nên giàu có – một cách “tương đối”.

Ngoài những người chọn nghề làm tự do như một nghề nghiệp chính, có người chọn nghề tự do như là nghề thứ hai để kiếm thêm thu nhập, hoặc học thêm một nghề; có người sử dụng nghề tự do như bước đệm để tiến tới thành lập công ty chuyên về lĩnh vực đó.

Không có nghề nào kiếm tiền một cách dễ dàng

 

 

Một số quảng cáo nói về những cách kiếm tiền tự do rất hấp dẫn, thu hút. Ví dụ như làm 4 tiếng một ngày, có thể đạt thu nhập 3.000 USD/tháng. Đôi khi cũng có những nghề hay, và có thể kiếm tiền được, thế nhưng hầu như không có nghề nào kiếm tiền một cách quá dễ dàng cả. 

Với tốc độ thông tin ngày nay, nếu có nghề nào kiếm tiền quá dễ, qua vài ngày, thì mọi người sẽ chen chúc mà làm, và nguồn thu nhập cao sẽ không còn nữa. 

Phần đông những quảng cáo cho những nghề kiếm nhiều tiền một cách dễ dàng, sau đó đều đi kèm với việc mua “dụng cụ, đồ nghề” để hành nghề, hay phải học những khóa học của người sẽ dạy “nghề”. Sau khi mua đồ nghề, hay học xong chúng ta sẽ nhận thấy việc kiếm tiền khó khăn và rủi ro chứ không dễ dàng như học đã quảng cáo.

Công nghệ thông tin tạo ra nhiều cơ hội vừa chơi vừa kiếm tiền

Ngoài những nghề tự do truyền thống như những nghề về chuyên môn, nghệ thuật, tư vấn, huấn luyện, dịch thuật, công nghệ thông tin, marketing… ngày nay công nghệ thông tin và thế giới phẳng mang tới nhiều cơ hội cho những người trẻ, giúp học có thể vừa chơi – thoã mãn đam mê -  vừa kiếm tiền. 

Ví dụ nếu hiểu biết sâu về một lãnh vực nào đó và giỏi tiếng Anh, chúng ta có thể làm blog về lãnh vực đó và thự hiện làm tiếp thị liên kết (affiliate marketing) cho những website thương mại điện tử. Độc giả của blog khi click vào những mặt hàng chúng ta giới thiệu một cách “tự nhiên” trên blog để mua hàng từ các website TMĐT, chúng ta sẽ được hưởng hoa hồng. 

Một số bạn trẻ làm Video blog (Youtube) cuốn hút nhiều người xem, vừa thoã mãn sở thích vừa có thể kiếm được tiền từ quảng cáo. Và nếu clip có kèm tiếng Anh và thu hút được độc giả nước ngoài thì Vlogger có thể kiếm tiền khá “bộn” tiền.

>> Kiếm tiền & Làm giàu: Hãy là người giàu đúng nghĩa

Lâm Minh Chánh

Cùng chuyên mục
XEM