Đồng hồ Thụy Sĩ và nạn tham ô

28/05/2013 13:34 PM | Quản trị

Có nhiều dự đoán về quyết định chọn Thụy Sĩ làm nước đầu tiên cho vòng công du “ra mắt” thế giới tuần qua của tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tiếp sau hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan.

Trong bối cảnh một thế giới đa cực đang tranh giành ảnh hưởng, việc ra mắt “thiên hạ” tại một nước khét tiếng là trung lập được công nhận từ năm 1815 có thể là một chọn lựa “trung tính”, trước khi kết thúc vòng công du tại Đức, đầu tàu kinh tế của khối EU hiện đang trông chờ “phép lạ Trung Quốc”.

Còn có một giải thích khác, nếu căn cứ vào bài viết “chào sân” của ông được đăng trên tờ Neue Zuricher Zeitung nhân chuyến thăm Thụy Sĩ, với những tin tức Thụy Sĩ và Trung Quốc sắp đạt được một hiệp định thương mại tự do “nhằm gửi đến thế giới một tín hiệu mạnh mẽ rằng chúng tôi chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và đầu tư, thay vào đó là gắn chặt với tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại”. Minh họa cho hứa hẹn này là những con số thật không tưởng: năm 2012, thương mại hai chiều giữa Thụy Sĩ và Trung Quốc trị giá 26,3 tỉ USD, trong đó Trung Quốc nhập đến 22,8 tỉ USD!

Hàng Thụy Sĩ nào mà bán chạy đến thế tại Trung Quốc? Bản tin của AFP, được Chinapost ngày 26-5 đăng lại, liệt kê: “Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu sang Trung Quốc là đồng hồ, thuốc men và hóa chất cùng máy móc”! Chính China Daily ngày 4-6-2012 cũng đã xác nhận: năm 2011, Trung Quốc - tính cả Hong Kong mà đa số khách mua đến từ đại lục - đã mua đến 29,7% tổng trị giá đồng hồ mà Thụy Sĩ xuất khẩu, tính ra là 5,72 tỉ SF (france Thụy Sĩ, tương đương 5,9 tỉ USD) trên tổng số 19,3 tỉ SF xuất khẩu được trên thế giới.

Tính ra, năm 2011 Trung Quốc nhập khẩu đồng hồ Thụy Sĩ nhiều hơn 18,2% so với năm 2010, xếp hạng nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Vẫn theo bản tin này, một nghiên cứu thị trường do tạp chí Fortune Character, vốn chuyên phân tích sở thích các “đại gia”, cho biết các loại đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ là “những mặt hàng xa xỉ được khách tiêu thụ Trung Quốc ưa chuộng nhất, và 34% người được hỏi đã xem việc mua đồng hồ Thụy Sĩ như là một “của để”, một cơ hội “đầu tư”: bình quân một cái đồng hồ Thụy Sĩ được nhập khẩu vào Trung Quốc trị giá 6.812 USD (năm 2011), cao gấp 205% so với năm 2007. Tức phú quý ngày càng đi tới chứ không đi giật lùi ở Trung Quốc!

Thế nhưng, đó là chuyện năm ngoái, trước khi báo chí Trung Quốc đưa tin từ tháng 12-2012, “cơn bão chống tham nhũng đã nổi lên rồi” với trào tân Tổng bí thư Tập Cận Bình. Nhật báo tài chính Bloomberg ngày 10-5 đưa tin: “Chẳng ai đeo đồng hồ Thụy Sĩ nữa do lẽ Trung Quốc đang tấn công vào nạn biếu xén... Do đồng hồ xịn từ lâu đã là quà biếu, nên nay chúng trở thành dấu chỉ của sự tham ô do tính “nổi bật” của chúng”.

Do vậy, đồng hồ Thụy Sĩ nhập vào Trung Quốc đã giảm 24% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo báo này, từ khi nhậm chức tổng bí thư vào tháng 11 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã cấm chi những khoản chiêu đãi xa hoa cũng như cấm xe siêu xịn gắn bảng số quân đội. Kết quả là lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, doanh thu ngành nhà hàng cao cấp, tiệc tùng sụt giảm trong hai tháng đầu năm nay, như theo báo cáo của Ngân hàng HSBC.

“Tân vương, tân chính sách”: hi vọng những chấn chỉnh đạo đức này sẽ giúp phúc lợi được san sẻ xuống lớp dân nghèo, bởi theo Tân Hoa xã ngày 22-2, hiện vẫn còn đến 23,39 triệu người Trung Quốc sống ở nông thôn chỉ có thu nhập khoảng 1 USD/ngày! Thế nhưng, bớt đeo đồng hồ Thụy Sĩ, bớt ngự xe Porsche, bớt thết khách, bớt phô bày xa hoa... mới chỉ là “lành mạnh, trong sạch hóa” ở phần ngọn, đâu đã đồng nghĩa với bớt trưng thu, thu vén, thu gom... vốn là cái gốc của tham ô!

Đức kêu gọi EU thỏa hiệp thương mại với Trung Quốc

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 27-5 đã kết thúc chuyến thăm Đức, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU). Theo AFP, trong cuộc gặp ngày 26-5 với ông Lý, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi EU tránh một cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” và thỏa hiệp thương mại với Trung Quốc.

Bà Merkel khẳng định Berlin sẽ thúc đẩy một cuộc đối thoại trong vòng sáu tháng tới nhằm giải quyết những tranh chấp giữa Brussels và Bắc Kinh về các sản phẩm viễn thông và tấm năng lượng mặt trời. Cuộc đối thoại này, như bà Merkel nhấn mạnh, nhằm tránh tình trạng EU và Trung Quốc “sa vào cuộc tranh chấp mà cuối cùng kết thúc bằng việc đánh thuế lẫn nhau”.

EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Việc chọn Đức là điểm dừng chân duy nhất trong số 27 nước EU cho thấy Trung Quốc đánh giá rất cao tầm quan trọng của đầu tàu kinh tế này. Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc gặp không ít bất đồng trong thời gian qua. Một ngày trước khi đến Berlin, ông Lý Khắc Cường đã chỉ trích việc EU điều tra các sản phẩm viễn thông và áp thuế đối với các tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Việc điều tra không những gây thiệt hại lớn cho Trung Quốc mà cũng sẽ khiến các công ty châu Âu gặp khó khăn.

Tuần trước, EU cho biết sẽ mở cuộc điều tra việc hai tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei (Hoa Vi) và ZTE (Trung Hưng) đã bán phá giá trên thị trường châu Âu nhờ vào sự trợ cấp của chính phủ.

ĐÔNG PHƯƠNG


Theo Danh Đức

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM