Doanh nghiệp chi hối lộ vào mục đích gì?

21/11/2012 14:54 PM | Quản trị

30% số doanh nghiệp thực hiện các khoản thanh toán không chính thức để đối phó với các cơ quan thuế trong năm 2011, tăng lên so với con số 26% vào năm 2009.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2011 của Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhiều doanh nghiệp coi các khoản phí không chính thức là một loại phí thường xuyên trong các chi phí hoạt động. Các khoản chi phí này có thể được đưa ra để đổi lại dịch vụ nào đó mà quan chức Nhà nước cung cấp.

Khảo sát cho thấy, 38% doanh nghiệp có các khoản phí không chính thức trong năm 2011, tăng hơn so với con số 34% vào năm 2009. Điều này cho thấy các doanh nghiệp hiện nay vẫn phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc phải chi các khoản phí không chinh thức để “được việc”.

Biểu đồ cho thấy doanh nghiệp chi hối lộ vào mục đích gì

Theo biểu đồ trên, 30% số doanh nghiệp thực hiện các khoản thanh toán không chính thức để đối phó với cơ quan thuế trong năm 2011, tăng lên so với tỉ lệ 26% vào năm 2009. Gần 26% các khoản chi này liên quan đến dịch vụ công so với tỉ lệ gần 20% trong năm 2009.

Các kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỉ lệ doanh nghiệp đăng ký chính thức đưa hối lộ cao hơn so với những doanh nghiệp chưa đăng ký.

Một điểm đặc biệt của kết quả điều tra cho thấy, những DN đưa hối lộ lại có xác suất thoát khỏi thị trường cao hơn. Điều này đưa ra một thông điệp mạnh mẽ đến với các DN vừa và nhỏ rằng “hối lộ không làm cho DN tồn tại trong dài hạn”.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư, hì tmôi trường kinh doanh Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề, nhiều doanh nghiệp trên thực tế không tiếp cận được chính sách, không biết được chính sách.

Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng môi trường kinh doanh Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề.

“Hiện tượng tiêu cực ở nước ta là do tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin, chính sách tới doanh nghiệp còn bị hạn chế. Một vấn đề nữa là năng lực quản lý của các chủ doanh nghiệp còn yếu, gây ra những cách hiểu không rõ ràng, tạo cơ hội để một số cán bộ thu những khoản phí không chính thức, hay hối lộ”, ông Hiệu cho biết.

Khảo sát được tiến hành trên gần 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến, nằm tại nhiều tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Cuộc diều tra được thiết kế với mục tiêu thu thập và phân tích số liệu đại diện cho toàn bộ khu vực tư nhân tại Việt Nam.

Quốc Dũng


dungtq

Cùng chuyên mục
XEM