Chuyện ngân hàng thay 'tướng'

15/10/2013 10:41 AM | Quản trị

Từ đầu tháng 7/2013 đến nay, làn sóng thay tướng trong hệ thống các ngân hàng được dồn dập công bố ra thị trường.

Nội dung nổi bật:

- Hiện tượng một ngân hàng thay vài CEO trong 1-2 năm trở lại đây không còn xa lạ. 

- Việc thay CEO cũng muôn hình muôn vẻ. Nhiều ngân hàng HĐQT quan điểm sử dụng người có năng lực và kinh nghiệm nên thường chọn lãnh đạo từng nắm vị trí cao trong ngân hàng khác sau khi nghỉ việc.

- Tuy nhiên cũng ở không ít ngân hàng, vị trí này đang được xem như thử nghiệm hoặc tạm thời khiến không ít CEO ngán ngẩm muốn từ nhiệm.



Không ít những trường hợp CEO thời gian tại vị còn chưa kịp ấm chỗ đã phải ra đi. Những khó khăn, áp lực và rủi ro trong hoạt động khiến ngành ngân hàng không còn lấp lánh “màu hồng”. Tuy nhiên, vị trí CEO vẫn đầy thử thách và hấp dẫn.

Ghế nóng sớm nguội

Hiện tượng một ngân hàng thay vài CEO trong 1-2 năm trở lại đây không còn xa lạ. Còn nhớ thị trường tài chính đã từng quan tâm về thương vụ hợp nhất ba ngân hàng (NH) đầu tiên ở Việt Nam là SCB, Tinnghiabank và Ficombank. Khi đó, ông Uông Văn Ngọc Ẩn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của NH sau hợp nhất. Tuy nhiên sau 6 tháng đảm nhiệm ông đã phải nhường vị trí này cho ông Lê Khánh Hiền nhiệm kỳ 2012-2017.

Mới đây, Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa có sự sắp xếp và phân công lại nhiệm vụ trong ban lãnh đạo cấp cao với sự tham gia của nhiều gương mặt mới. Vị nữ CEO Đàm Bích Thủy vừa được bổ nhiệm hồi tháng 5/2013, đến từ Ngân hàng ANZ đã sớm từ nhiệm.

Thay vào vị trí của bà là ông Hàn Ngọc Vũ từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của VIB những năm 2006 - 2008. Thời gian tại vị trên chiến “ghế nóng” của bà Thủy tại VIB là khá ngắn ngủi, nếu không muốn nói là còn chưa kịp làm quen hết với công việc. Trước bà Đàm Bích Thủy, VIB đã trải qua hai vị CEO là bà Dương Thị Mai Hoa với thời gian 4 tháng và tiếp đến là ông Lê Quang Trung.

Giữa tháng 8/2013, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có thông báo ông Simon Morris từ chức Tổng giám đốc, thay vào đó là ông Đỗ Tuấn Anh, Thành viên HĐQT sẽ tạm thời giữ chức Tổng giám đốc. Ông Simon Morris được đề bạt làm “tướng” Techcombank vào cuối năm 2011 thay cho ông Nguyễn Đức Vinh, người đã có 12 năm nắm giữ vị trí CEO của ngân hàng này.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo ông Nguyễn Quốc Hương chính thức đảm nhận vị trí Quyền Tổng giám đốc ngân hàng thay ông Trương Văn Phước đã nhiều năm ở vị trí này. Dịp này Eximbank cũng bổ nhiệm hàng loạt vị trí Phó Tổng giám đốc đến Giám đốc khu vực. 

Bên cạnh, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Tuấn giữ chức vụ Tổng Giám đốc với thời hạn 1 năm kể từ ngày 19/9/2013.

Chọn thế nào?

Việc thay CEO cũng muôn hình muôn vẻ. Nhiều lãnh đạo từng nắm vị trí cao trong ngân hàng này sau khi nghỉ việc và chọn cho mình điểm đến là các ngân hàng khác. Đây cũng là quan điểm sử dụng người có năng lực và kinh nghiệm của HĐQT nhiều nơi.

Chẳng hạn, sau thay đổi lớn về chủ sở hữu tại NH Sacombank, ông Phan Huy Khang lên nắm quyền Tổng giám đốc của ngân hàng này thay ông Trần Xuân Huy từ giữa tháng 6/2012. Trước khi về Sacombank, ông Khang vốn là CEO của NH Phương Nam. Ông Nguyễn Đức Vinh sau khi rời khỏi Techcombank đã về “giữ lái” con thuyền NH VPBank.

Việc ra đi của các sếp ngân hàng xuất phát từ nhiều lý do khác nhau khi mà lĩnh vực ngân hàng vốn nhiều áp lực lại đang trải qua giai đoạn khó khăn như lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng cao, tăng trưởng tín dụng thấp. Phải nhìn nhận đây là điều tất yếu. Sự xáo những trộn chiếc ghế nóng trong ngành ngân hàng gắn liền với mục tiêu, chiến lược mới của các nhà băng và được dự báo sẽ còn rầm rộ hơn trong thời gian tới”.  

TS Nguyễn Trí Hiếu
Còn người tiền nhiệm ngân hàng này là ông Nguyễn Hưng lại chuyển sang TiênPhongBank ngay sau khi NH này tái cơ cấu và vị trí CEO đang trống. 

NH An Bình (ABBank) thì tuyển CEO được xem như trẻ nhất làng ông Phạm Duy Hiếu- 34 tuổi vốn trước đó là Tổng giám đốc bên VietABank. 

Cùng đó, Maybank vừa đưa thêm 2 nhân sự của mình vào vị trí chủ chốt tại ABBank là Giám đốc Khối chiến lược & phát triển và Giám đốc Khối Quản lý rủi ro. Được biết MayBank là cổ đông chiến lược đang sở hữu 20% cổ phần của ABBank.

Tuy nhiên, trong khi rất nhiều ngân hàng coi trọng và cầu kỳ trong từng chi tiết tuyển CEO thì cũng ở không ít ngân hàng, vị trí này đang được xem như thử nghiệm hoặc tạm thời. Từng nghe chuyện ở một ngân hàng cổ phần, vị CEO đương tại vị đang năm lần bảy lượt ngỏ ý muốn xin từ nhiệm bởi dù không công khai nhưng bản thân vị này cũng thực ngán ngẩm khi nhìn thấy tình hình tài chính của ngân hàng ngày một bi đát.

Nhưng khổ, vì trót hợp mệnh với lãnh đạo, lại thêm đã từng sát cánh cùng bấy lâu nay nên việc từ nhiệm dù muốn cũng không thể được. Còn tại một ngân hàng mới thay CEO, một thành viên HĐQT thừa nhận tân Tổng giám đốc hiện xác định chỉ làm CEO bất đắc dĩ vì chính bản thân chính CEO được chọn này cũng không muốn. “Ban lãnh đạo xác định vị trí này rất quan trọng, CEO mới sẽ tạm thời đến khi tìm cho ra người mới đủ đáp ứng các tiêu chuẩn mà HĐQT mong đợi.”- Một thành viên chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, việc tuyển vị trí CEO của ngân hàng luôn tuỳ thuộc vào chiến lược của HĐQT. “Như ở Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, mọi việc được phân bổ theo ngành dọc, mỗi thành viên HĐQT đều gánh một phần việc. Chúng tôi xác định không quá tạo áp lực lên vị trí CEO”- Ông Hưởng nói.

CEO họ nói gì ?

Tân Tổng giám đốc một NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa mới đây đã chia sẻ với chúng tôi về công việc. Ông kể ngay khi đảm nhiệm trọng trách này do cấp trên phân công, chỉ một tuần về làm việc tại ngân hàng bản thân ông đã cố gắng nắm và hiểu tường tận tất cả những gì về con tàu sẽ cùng ban lãnh đạo chèo lái.

“Quan điểm của tôi là phải nhìn, chỉ ra cho được những điểm mạnh, điểm yếu đang tồn tại, có sự so sánh với các ngân hàng trong cùng một “mâm, bát” để từ đó nhận xem mình đang thực sự ở đâu, có gì trong tay và phải đưa ra phương hướng chiến thuật hợp lý nào để chiến thắng”- Ông nói.

Còn CEO trẻ sinh năm 1978 Phạm Duy Hiếu của ngân hàng ABBank lại bật mí tâm trạng điều hành như đang là cơ trưởng của một chiếc chuyên cơ cực lớn, áp lực và trách nhiệm sẽ đè nặng. Cảm giác tất cả hệ thống cùng toàn bộ nhân viên và hành khách dưới sự điều khiển của bạn dần ổn định, tăng tốc đạt những độ cao lớn hơn, tầm nhìn của bạn sẽ mở rộng... Điều đó thôi thúc bạn nắm chặt tay lái tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới”.

Theo Trần Anh - Khánh Huyền

thuyntt

Từ khóa:  ngân hàng , CEO
Cùng chuyên mục
XEM