Các Chaebol Hàn Quốc: “Chẳng giống ai” nhưng rất thành đạt

09/11/2011 21:35 PM |

Các tập đoàn khổng lồ như Hyundai, LG và Samsung đang tìm cách thống trị thị trường thế giới và làm cái điều trái ngược hoàn toàn với triết lý kinh doanh phương Tây.


Nếu xét theo những lý thuyết quản trị kinh doanh của hai thập kỷ gần đây, thì lẽ ra ba gã khổng lồ Huyndai, LG và Samsung phải phá sản từ lâu.

Các tập đoàn này không tuân thủ các nguyên tắc: tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, thuê mướn nguồn ngoài... mà đa dạng hóa kinh doanh theo nhiều phương hướng khác nhau. Cho tới nay, thành viên trong gia đình của người sáng lập vẫn nắm quyền điều hành tập đoàn.

Có lẽ vì thế mà Hyundai, LG và Samsung thành đạt, thậm chí còn rất thành đạt là đằng khác. Trong năm 2010, chỉ riêng Samsung Electronics đã có mức lãi bằng tổng  lãi của tất cả các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản: từ Sony cho đến Panasonic. Ba tập đoàn “Chaebol” (gia đình trị) khổng lồ Hyundai, LG và Samsung hiện đang chiếm tới 40% tổng thu nhập quốc dân của Hàn Quốc.

Từ sao chép đến sáng tạo

Trước đây, các “Chaebol” khét tiếng về cái thói sao chép bắt chước và thường lẽo đẽo chạy theo các bậc đàn anh. Hiện thời, sao đang đổi ngôi. Các “Chaebol” đang vượt lên dẫn đầu. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc không còn bị động chạy theo xu thế hiện hành mà đang tìm cách tạo ra xu thế mới. Không một nước thành viên OECD nào ra khỏi suy thoái nhanh như Hàn Quốc, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hiện đang ở mức 4-5%.

Bất chấp những khuyết điểm chết người bị bộc lộ trong cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á 1997, các “Chaebol” không bị phá sản đã vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là những thương hiệu toàn cầu Hyundai, LG và Samsung.

Samsung là một tập đoàn kinh doanh hỗn hợp: từ bảo hiểm đến công nghiệp đóng tàu. Trụ cột chính là Samsung Electronics (dẫn đầu thế giới về máy thu hình và màn hình tinh thể lỏng), với doanh số 136 tỷ USD và lãi ròng 14 tỷ USD. Công việc kinh doanh của Samsung đang tiến triển khá thuận lợi: doanh thu Quí 3/2011 của tập đoàn đã tăng 3% và lên tới 26 tỷ euro. Với việc bán được 28 triệu Smartphone, Samsung đã vượt xa số lượng iPhone bán được của Apple, trở thành hãng sản xuất Smartphone hàng đầu thế giới.

Samsung rất chú trọng đến lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm và mạnh dạn chi tới 6% tổng doanh thu của tập đoàn cho nghiên cứu phát triển để đạt mục tiêu đạt doanh thu 400 tỷ USD vào năm 2020.

Sau khi thành công với lĩnh vực sản xuất màn hình tinh thể lỏng, LG hiện đang ráo riết tấn công các tập đoàn “đàn anh” ở Nhật Bản và đối thủ trong nước Samsung. LG hiện dựa trên hai trụ cột hóa học và điện tử. Trong năm 2010, LG Electronics đạt doanh thu 48 tỷ USD - với các sản phẩm chính là máy thu hình, đồ gia dụng và điện thoại di động.

Đế chế Hyundai dựa trên 5 trụ cột, trong đó Huyndai Heavy Industries  và Hyundai Kia Automotive là hai trụ cột quan trọng. Chỉ riêng Hyundai Kia Automotive, lớn thứ 5 thế giới, đã có doanh số 97 tỷ USD và lãi ròng 4,7 tỷ USD. Hyundai vươn lên nhờ tác phong quân đội, hoàn toàn giữ kín công việc kinh doanh: từ trên xuống dưới. Một cựu quan chức cao cấp của Hyundai họ Lee, yêu cầu giấu tên, bật mí: “Hyundai giống như một đội quân. Một người ra lệnh, còn tất cả những người khác răm rắp thi hành”. Người phất ngọn cờ lệnh của Hyundai chính là Chung Mong-Koo, 73 tuổi, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp lão luyện và rất mê môn đấu vật.

Từng làm việc 30 năm cho Hyundai, ông Lee cho biết “Chaebol” này nghiên cứu kỹ lưỡng về các đối thủ Mercedes, BMW và trên hết là Toyota. Ông nói: “Hiện thời chúng tôi hơn hẳn Toyota, nhất là về khâu kiểm tra chất lượng”. Mục tiêu của Hyundai là vượt các bậc “đàn anh” trong lĩnh vực sản xuất ô tô thế giới.

Từ lâu, giới kinh doanh phương Tây không ngán người Nhật mà lại ngán các đối thủ Hàn Quốc. Tập đoàn Apple - hiện đang dẫn đầu thế giới về Smartphone - iPad, lo ngại bị Samsung vượt mặt. Trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, Giám đốc điều hành Martin Winterkorn của tập đoàn Volkswagen không sợ Toyota mà ngán Hyundai “đang chọc ngoáy lung tung”. Cựu lãnh đạo Bob Lutz của  General Motors thừa nhận “Hyundai là đối thủ nguy hiểm nhất”.

“Mô hình lai” của Hàn Quốc

Tại sao “mô hình Hàn Quốc” lại thành công đến thế? Liệu mô hình này có thành công ở những khu vực khác?

Câu trả lời nằm ở lịch sử Hàn Quốc. Hồi đầu những năm 1960, Nam Triều Tiên bị chiến tranh tàn phá nặng nề và chỉ có trình độ tương đương với Ghana. Tổng thống thời đó là Park Chung-Hee, người sau này được tôn vinh là cha đẻ của kỳ tích kinh tế Hàn Quốc, đã quyết định chiến lược đầu tư có chọn lọc và dựa vào xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, các “Chaebol” bắt đầu bắt đầu từ con số không. Hyundai khi đó là một nhà thầu xây dựng, chỉ có trong tay vài chục nhân viên và nhận xây dựng đường cao tốc Seoul-Pusan. Samsung khởi đầu bằng sản xuất đường và dệt may. Posco khởi nghiệp trong năm 1968 với 39 nhân viên tập tọng học nghề luyện thép. Hiện thời, Posco là một trong các nhà luyện thép làm ăn hiệu quả nhất thế giới. Với thời gian, các doanh nghiệp nhỏ này đã vươn lên trở thành các tập đoàn kinh doanh hỗn hợp khổng lồ.

Người Hàn Quốc biết cách “pha trộn” các kinh nghiệm thế giới về quản trị kinh doanh, cả phương Đông lẫn phương Tây, và tạo ra một “mô hình lai” khá thú vị.

Để có được tri thức quản lý phương Tây, các “Chaebol” thường thu hút các nhà quản lý phương Tây và cởi mở hơn nhiều so với các đối thủ Nhật Bản. Hyundai tìm cách thuê mướn các nhà thiết kế ô tô thành danh của BMW và Audi, trong khi LG lại chú trọng thuê mướn các nhà quản lý hàng đầu người Mỹ.

Ngay từ năm 1997, Samsung đã thành lập Global Strategy Group (GSG), với mục đích tuyển mộ các tài năng xuất chúng tốt nghiệp đại học phương Tây để đào tạo thêm 2 năm (trong đó có học tiếng Triều Tiên). Cho đến nay, GSG đã đào tạo được 200 các nhà quản lý trẻ tốt nghiệp đại học ở nước ngoài.

Các “Chaebol” cũng rất chú trọng việc thu hút nhân tài trong nước. Được làm việc cho Samsung hiện là niềm mơ ước của sinh viên Hàn Quốc, kế tiếp là Hyundai và LG. Các “Chaebol” có điều kiện chọn lấy “những nhân tài  giỏi nhất trong số những người tài xuất sắc nhất”. Nhân tài ở nước này hiện đang rất dồi dào, vì không một nước thành viên OECD nào chi nhiều tiền cho giáo dục như Hàn Quốc.

Đó là chưa kể nhà nước cũng chi tiền cho lĩnh vực nghiên cứu và hợp tác rất hiệu quả với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển. Tổng thống đương nhiệm Lee Myung-Bak được coi là “ người bạn lớn của các doanh nghiệp”. Ông này vốn trưởng thành từ lò đào tạo của Hyundai.

Mục tiêu lớn tiếp theo của Hàn Quốc là công nghệ xanh và y tế. Chính phủ Hàn Quốc đã ra quyết định và các “Chaebol” đang ráo riết thực thi... Đó chính là cung cách hoạt động của Hàn Quốc: “chẳng giống ai nhưng lại vô cùng thành đạt”.

Theo Minh Bích
Tầm nhìn/Manager Magazine. de

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM