Bài học từ vụ bạo loạn tại nhà máy Foxconn Trung Quốc

20/01/2014 08:26 AM | Quản trị

Nội dung nổi bật:

- Điểm chung: Vụ bạo loạn tại nhà máy Foxconn (chuyên sản xuất iPhone tại thành phố Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) và vụ xô xát tại công trường nhà máy Samsung Thái Nguyên (Việt Nam) đều bùng phát là do một nhân viên an ninh đánh công nhân.

- Cách giải quyết tại Foxconn Trung Quốc: Sau khi xảy ra nhiều trường hợp công nhân tự tử vì stress và vì điều kiện làm việc tồi tệ, chính Apple đã tổ chức các đoàn đi điều tra, và sau đó yêu cầu Foxconn phải cải thiện điều kiện sống và làm việc cho công nhân.



Hai vụ việc xảy ra ở hai vị trí địa lí cách xa nhau hàng ngàn cây số và hơn một năm về thời gian, nhưng lại có nguyên nhân giống nhau: Vụ bạo loạn tại nhà máy Foxconn (chuyên sản xuất iPhone tại thành phố Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) bùng phát là do một nhân viên an ninh đánh đập công nhân. Vụ xô xát tại công trường nhà máy Samsung Thái Nguyên cũng lên đến đỉnh điểm khi công nhân bị nhân viên bảo vệ đánh bằng dùi cui.

Qui định hà khắc  

Sau vụ bạo loạn tại nhà máy Foxconn xảy ra ngày 24.9.2012 khiến cho hơn 40 người bị thương, giới phân tích đã đưa ra nhận định về những nguyên nhân gây ra bạo loạn: Hơn 70.000 công nhân phải làm việc căng thẳng trong điều kiện vật chất thiếu thốn, tồi tệ; phải liên tục làm thêm giờ khiến mệt mỏi, stress; các qui định về an ninh hà khắc và lực lượng an ninh hay đối xử không tốt với công nhân. Hành động nhân viên an ninh đánh công nhân là giọt nước tràn li…

Ở công trường nhà máy Samsung Thái Nguyên, dù mới trong giai đoạn thi công, nhưng những dấu hiệu quản lí hà khắc và sự thiếu tôn trọng của lực lượng bảo vệ đối với công nhân đã quá rõ. Trong khi điều kiện ăn uống tại công trường không bảo đảm, người công nhân phải mang cơm theo cũng là điều cần thiết và dễ hiểu. Thay vì phải giải thích về qui định (mà qui định ở đây là hà khắc) thì bảo vệ lại giật cặp lồng cơm vứt xuống đất, lại còn dùng dùi cui đánh công nhân…

Đành rằng, với những công trường hay nhà máy sử dụng lực lượng công nhân lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn người thì cần có những qui định về trật tự, an toàn một cách nghiêm khắc. Tuy nhiên, những qui định đó phải tính đến điều kiện, môi trường xung quanh công trường/nhà máy đó, cũng như những tập quán, văn hóa quốc gia và địa phương.

Khi các nhà thầu thi công không tổ chức ăn ca được cho công nhân, thì công nhân phải tự lo. Khi các hàng quán bên ngoài công trường bán thức ăn khó bảo đảm cho sức khỏe, thì công nhân cũng phải tự lo.

Việc họ tự lo cho sức khỏe của mình cũng là một cách gián tiếp góp phần bảo đảm tiến độ thi công trên công trường. Thế nhưng phía nhà thầu không thấy được điều này, và lực lượng bảo vệ với cách hành xử vô học và hống hách chính là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp dẫn đến xô xát.  

Chủ đầu tư phải có điều chỉnh

Dù Samsung không liên quan trực tiếp trong vụ việc xô xát xảy ra trên công trường nhà máy tại Thái Nguyên, nhưng rõ ràng không thể đứng ngoài cuộc. Bởi dù muốn hay không đó cũng là công trường xây dựng nhà máy của Samsung, nếu không xử lí tốt vấn đề cũng sẽ gây tổn hại đến uy tín và thương hiệu.

Hơn nữa, ở tư cách là chủ đầu tư, Samsung hoàn toàn có quyền yêu cầu phía các nhà thầu phải báo cáo vụ việc, điều chỉnh những qui định quá hà khắc ảnh hưởng tới đời sống, công việc của người công nhân.

Ở Trung Quốc, Foxconn hiện là nhà sản xuất lớn nhất sản phẩm cho Apple. Sau khi xảy ra nhiều trường hợp công nhân Foxconn tự tử vì stress và vì điều kiện làm việc tồi tệ, chính Apple chứ không phải ai khác đã tổ chức các đoàn đi điều tra, và sau đó yêu cầu Foxconn phải cải thiện điều kiện sống và làm việc cho công nhân.

Ở Việt Nam, trong vài năm tới, các dự án của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên có thể thu hút từ 100.000-150.000 công nhân làm việc. Tuy nhiên, trong số các nhà đầu tư vào khu vực dự án Samsung có không ít doanh nghiệp là đối tác gia công.

Họ bị điều chỉnh bởi các yêu cầu và ràng buộc làm ăn với Samsung nhưng lại có triết lí, văn hóa doanh nghiệp riêng. Và trong  nhiều trường hợp, những rắc rối có thể xảy ra từ các Cty đối tác như thế. 

Sự thành công của những tập đoàn hay thương hiệu lớn như Apple, Samsung, Intel, Microsoft…không chỉ thuần túy nhờ yếu tố thương mại, mà gốc rễ từ văn hóa với trọng tâm là cách nuôi dưỡng nhân tài và đối xử giữa người với người. Sự thu hút người tài đến cũng như sự thuyết phục giữ chân người giỏi cũng từ nền tảng văn hóa ấy.

Người công nhân có thể nhẫn nhịn mưu sinh kiếm tiền nhưng họ khó có thể chấp nhận sự đối xử thiếu tôn trọng, bị xúc phạm và xem thường. Khi Việt Nam đang dần trở thành công xưởng công nghệ cao của khu vực, thì yếu tố đời sống, điều kiện làm việc của công nhân trong các nhà máy của những tập đoàn lớn trở thành vấn đề phức tạp cần được theo dõi sát sao để giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh.

Theo Thế Lâm

duchai

Cùng chuyên mục
XEM