B2B ở Việt Nam: Quá nhiều doanh nghiệp vận hành theo mô hình của thế kỷ 20 (P1)
Đã đến lúc các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp, còn được gọi là doanh nghiệp B2B, cần tái cấu trúc mô hình tổ chức để sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại.
CafeBiz xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài viết của tác giả Lawrence Chong, CEO của Công ty Consulus về những tình hình, hạn chế và cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp trong lĩnh vực B2B tại Việt Nam.
Ở thời đại công nghệ như hiện nay khi LinkedIn có thể nói đang sở hữu nhiều kiến thức chuyên sâu về nhân sự hơn bộ phận quản lý nhân sự của doanh nghiệp bạn và Google nắm giữ nhiều thông tin về các cơ hội kinh doanh hơn đội bán hàng và tiếp thị của doanh nghiệp bạn, một điều chúng ta phải thừa nhận đó là: Đã đến lúc các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp, còn được gọi là doanh nghiệp B2B, cần tái cấu trúc mô hình tổ chức để sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại.
Phần 1: Quá nhiều doanh nghiệp B2B vẫn vận hành theo mô hình của thế kỷ 20
Một vài người trong số chúng ta có thể nghĩ điều trên đây là rất bình thường, nhưng rất đáng tiếc, không nhiều doanh nghiệp B2B đã thay đổi và tiếp nhận phương thức tiếp cận mới tạo điều kiện cho họ thu lợi từ sự hợp tác nội bộ và thông tin dữ liệu - những nhân tố quyết định môi trường của một doanh nghiệp sẵn sàng cho tương lai.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp B2B cố tin vào những niềm tin cũ và vận hành kinh doanh theo cách thức truyền thống. Có thể mô tả những gì đang xảy ra như sau, rất nhiều doanh nghiệp B2B ở Châu Á vận hành như những quốc gia với cấu trúc quân sự và bộ máy ở thế kỷ 20.
Họ tin tưởng vào mô hình lãnh đạo độc tài, không sẵn lòng trao quyền và thông tin cho đội quân bên dưới, kéo dài quy trình ra quyết định từ đó mất đi các cơ hội doanh thu.
Dưới đây là một vài dấu hiệu của doanh nghiệp B2B với mô hình của thế kỷ 20:
1) Thiếu tinh thần đấu tranh trong truyền thông doanh nghiệp
Trang web doanh nghiệp ít khi cập nhật tin tức, cũng như, doanh nghiệp không có tài khoản LinkedIn hay Facebook, tạo ra cho người đọc ấn tượng rõ ràng rằng doanh nghiệp của bạn không quan tâm đến tìm kiếm các cơ hội mới hay các hợp đồng kinh doanh.
Do vậy, khi các khách hàng tiềm năng tìm kiếm về bạn trên Google, họ sẽ tìm thấy rất ít thông tin về doanh nghiệp bạn, từ đó, củng cố thực tế rằng doanh nghiệp của bạn chỉ là người chơi nhỏ trên thị trường.
Điều này cũng ảnh hưởng đến quan niệm của các nhân viên. Bạn bè của họ có xu hướng tìm hiểu về nơi bạn mình làm việc thông qua trang web công ty và việc doanh nghiệp bạn ít xuất hiện sẽ tạo cho những người bạn này cảm giác rằng nhân viên đó đang làm việc cho một công ty lỗi thời và không có tầm nhìn. Điều này thực sự ảnh hưởng tới tinh thần nhân viên và làm doanh nghiệp khó có thể thu hút được những người tài.
2) Thiếu sự năng động trong gắn kết nhân viên
Doanh nghiệp bạn chỉ sắp xếp một vài dịp để cập nhật với nhân viên về hướng phát triển của công ty. Nhân viên trong công ty chỉ nhìn nhận bộ phận nhân sự với vai trò những công việc hành chính. Nhân viên ít khi được khuyến khích hợp tác liên phòng ban do mọi người đều trong trạng thái việc ai người ấy làm.
Mỗi khi nhận được những mệnh lệnh được giao từ bên trên xuống, nhân viên ít nhiều có cảm giác doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề cấp bách nhưng họ vẫn không hiểu hết được bức tranh lớn doanh nghiệp đang theo đuổi.
Chính điều này lại vô tình ra tín hiệu khiến nhân viên lùi lại và không muốn cam kết quá nhiều với doanh nghiệp. Họ sẽ nghĩ rằng hãy chỉ cần làm đúng vai trò của mình và sẽ tìm kiếm các cơ hội mới tốt hơn ở các doanh nghiệp khác!
3) Không có khả năng tiếp nhận và xử lý những phản hồi
Một vài công ty coi nhân viên như những khách hàng và họ triển khai những hòm thư phản hồi. Những hòm thư phản hồi này thường được đưa ra với những khẩu hiệu rất sôi nổi ban đầu, sau đó dễ dàng bị rơi vào quên lãng. Do vậy, khi nhân viên đi qua những hòm thư này, họ nhìn chúng như một dấu hiệu của sự không cam kết.
Tại các buổi họp - chính vì các nguyên tắc đưa ra ý kiến phản hồi không được định nghĩa rõ ràng - các nhân viên mới sẽ dành thời gian quan sát động thái của đám đông trước khi dám đưa ra ý kiến đóng góp. Điều này thực sự làm mất thời gian và mất đi rất nhiều tiền của bởi đáng ra có những nhận xét chuyên sâu và thật lòng có thể giúp doanh nghiệp tạo ra những khác biệt lớn.
4) Thiếu sự minh bạch trong cấu trúc doanh nghiệp
Doanh nghiệp không giải thích hoặc cập nhật rõ ràng cách thức cấu trúc các phòng ban và tại sao người này lại làm việc với người kia. Do vậy khi một nhân sự đảm nhiệm một công việc mới trong công ty, họ phải tự tìm hiểu tất cả mọi thứ.
Việc này khiến họ có cảm giác giống như bị treo lơ lửng giữa 1 cánh đồng mênh mông và người nhân viên này phải tự tìm hiểu cần làm việc với ai và làm cách nào để nhận được sự trợ giúp khi họ thực sự không biết bắt đầu từ đâu. Có thể nói, việc này càng khiến người nhân viên cảm thấy mất phương hướng hơn và giảm hiệu quả làm việc cho doanh nghiệp.
Phần 2: Doanh nghiệp B2B của bạn sẽ bắt kịp với những thay đổi của thời đại hoặc bị đào thải?
Các bài viết khác cùng của tác giả Lawrence Chong từng đăng tải trên CafeBiz:
|
Lawrence Chong - CEO Consulus