6 bước lập hệ thống kế toán cho doanh nhân mới khởi nghiệp

06/07/2014 15:00 PM | Quản trị

Hãy bắt đầu chuẩn bị ngay bây giờ và bạn sẽ không còn phải lo lắng về việc thất thu tiền bạc doanh nghiệp mình như bao nhiêu chủ doanh nghiệp vẫn gặp phải.

CafeBiz xin giới thiệu Chuyên đề Kinh nghiệm Quản lý Tài chính - Kế toán - Thuế với sự cộng tác từ Chuyên gia tài chính kế toán Nguyễn Đương. 



Bài viết cùng tác giả

Làm sao để đọc báo cáo tài chính trong 1 phút? (P1)

Đọc báo cáo tài chính trong 1 phút? (P2)

4 lời khuyên kế toán dành cho các doanh nhân trẻ

5 cách giúp Start-up kiểm soát tiền bạc dễ dàng mà không lãng phí thời gian

Trong bài viết trước, tôi cùng với các bạn hiểu được những khái niệm cơ bản nhất của tài chính, kế toán doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn hình dung ra các phương pháp thiết lập sổ sách kế toán và bộ máy kế toán cho doanh nghiệp mình sau này. 

Bài viết này, tôi sẽ giúp bạn -  đặc biệt các chủ doanh nghiệp mới thành lập hoặc những người sắp lập doanh nghiệp riêng - các bước để thiết lập hệ thống kế toán cho doanh nghiệp mới của mình dễ dàng và đơn giản nhất. Hãy bắt đầu chuẩn bị ngay bây giờ và bạn sẽ không còn phải lo lắng về việc thất thu tiền bạc doanh nghiệp mình như bao nhiêu chủ doanh nghiệp vẫn gặp phải.

Bước 1
 
Thiết lập tài khoản ngân hàng riêng của công ty bạn. Chọn phương pháp kế toán bạn sẽ sử dụng – có thể phương pháp kế toán dựa trên dòng tiền hay phương pháp kế toán dồn tích và lựa chọn ghi chép số sách theo hệ thống kế toán đơn hay kép. 

Ví dụ phương pháp kế toán dồn tích là phương pháp bán chịu, doanh thu được ghi nhận vào sổ kế toán khi phát sinh hóa đơn, giao hàng thay vì vào thời điểm thu được tiền. Phương pháp kế toán dựa trên dòng tiền là phương pháp đơn giản nhất, theo đó doanh thu và chi phí được ghi nhận ngay khi nhận được tiền hoặc chi tiền.
 
Tiếp theo, thiết lập chu kỳ kế toán, bắt đầu năm tài chính vào ngày mùng một năm mới dương lịch hoặc bắt đầu năm tài chính theo ngày riêng của bạn.
 
Bước 2 
 
Thu thập tất cả tài liệu tài chính của các đại lý, cửa hàng công ty sau đó tập hợp và chuyển lại cho phòng kế toán kịp thời và đều đặn. Các tài liệu tài chính bao gồm những bản ghi chép về các khoản thu, chi, tài sản hoặc nợ phải trả. Ví dụ như: Hóa đơn bán hàng, Hóa đơn nhà cung cấp, Báo cáo tài khoản thẻ tín dụng.
 
Bước 3
 
Ghi lại tất cả giao dịch công ty, sử dụng thông tin từ các tài liệu tài chính ở trên và trong hồ sơ lưu trữ của công ty. Gửi tất cả các khoản thu nhập từ bán hàng tới tài khoản doanh thu, tất cả khoản tiền chi sang tài khoản chi phí, ví dụ. Cập nhật các tài khoản phải thu và phải trả bằng cách sử dụng thông tin bán hàng và bản báo cáo tài khoản thẻ tín dụng
 
Bước 4
 
Cân đối các tài khoản nội bộ với các bản ghi chép bên ngoài một cách thường xuyên. Ví dụ: So sánh sổ sách của bạn với báo cáo của tài khoản ngân hàng, sổ sách của nhà cung cấp và kết quả kiểm toán để đảm bảo hệ thống tài khoản kế toán vẫn chính xác.
 
Bước 5
 
Lập báo cáo tài chính một cách đều đặn cho những người cho vay, nhà đầu tư và cơ quan chính quyền nếu bạn là một doanh nghiệp góp vốn. Tạo bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ để tổng hợp số liệu vào hệ thống kế toán của bạn và trình bày các báo cáo đó theo một cách dễ dàng nhất nhằm hỗ trợ cho việc đưa ra quyết định chiến lược. 

Khuyến nghị nên sử dụng một gói phần mềm kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, chẳng hạn như Fast Book, để giúp bạn tổ chức tài khoản kế toán dễ dàng cũng như tự động lập và in báo cáo tài chính một cách rất nhanh chóng.
 
Bước 6
 
Lập báo cáo tài chính nội bộ cho chính bạn và người quản lý doanh nghiệp, phân tích tỷ lệ của các chỉ số tài chính để có được cái nhìn sâu sắc về hiệu quả thực sự doanh nghiệp. Bạn có thể tạo ra bản báo cáo thực tế về bất kỳ khía cạnh tài chính nào của doanh nghiệp. Ví dụ: Một bản báo cáo chỉ ra xu hướng tỷ lệ nợ/tài sản và một bản báo cáo cho biết các khoản chi phí nào đang tăng ở mức cao nhất.
 
Tính toán tỷ số tài chính của các thông số trên báo cáo kết quả kinh doanh bằng cách so sánh chúng với các thông số trên bảng cân đối kế toán.
 
6 bước trên đây là quy trình để tạo ra một hệ thống kế toán hoàn chỉnh cho doanh nghiệp mới thành lập của bạn. Việc quản lý tiền bạc doanh nghiệp đòi hỏi sự chính xác và đơn giản hóa để dễ dàng cho việc theo dõi. 

Hãy xin lời khuyên của những cố vấn tài chính có kinh nghiệm với những vấn đề bạn chưa rõ. Nhớ rằng đừng bao giờ nghĩ sẽ giao phó toàn bộ công việc tài chính kế toán cho nhân viên của bạn vì bạn không hiểu biết, bạn tạo ra doanh nghiệp để kiếm tiền thì bạn phải làm chủ các khoản tiền đó của mình.

>> 5 cách giúp Start-up kiểm soát tiền bạc dễ dàng mà không lãng phí thời gian

Nguyễn Đương

Bà Nguyễn Đương là chuyên gia tài chính kế toán, nhà sáng lập, giám đốc chuyên môn và cố vấn tài chính cấp cao của AAL. Bà hiện đã hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính kế toán tại doanh nghiệp Việt Nam, hơn 6 năm làm cố vấn tài chính kế toán và thuế. 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM