Quán mì ở Nhật Bản đóng cửa, nhất quyết không tăng giá bán trong đại dịch vì 'chuyển gánh nặng tài chính sang cho khách hàng là không công bằng'

12/11/2020 10:46 AM | Kinh doanh

Chuyện chỉ có ở Nhật: Giá mì ramen 10 năm gần như không đổi, gặp đại dịch, chủ quán chấp nhận đóng cửa chứ không tăng giá.

Dịch Covid-19 và những biện pháp giãn cách xã hội kèm theo đó đã buộc một vài chủ quán mì nhỏ ở Nhật Bản cân nhắc việc tăng giá bán để tiếp tục tồn tại hoặc đóng cửa.

Trong khi một vài người cuối cùng đã cởi mở với việc cần phải có chút thay đổi về giá thì một số khác lại chọn cách đóng cửa thay vì phải tăng giá bán cho những bát mì ramen.

Chuỗi mì ramen nhỏ Kouraku Honpo là một trong nhiều quán chọn cách đóng cửa.

Trong hơn 2 thập kỷ hoạt động, Kouraku Honpo nổi tiếng luôn phục vụ những bát mì thượng hạng từ nước hầm xương tại chi nhánh ở quận Shimbashi, Tokyo. Doanh số tăng vào cuối năm ngoái khi mà cửa hàng 26 chỗ ngồi này có ngày phục vụ tới gần 500 phần ăn, theo ông Yoshihisa Saito, 61 tuổi - một nhân viên của quán.

Quán mì ở Nhật Bản đóng cửa, nhất quyết không tăng giá bán trong đại dịch vì chuyển gánh nặng tài chính sang cho khách hàng là không công bằng - Ảnh 1.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến đã cuốn bay tất cả thành quả đó. Cửa hàng vẫn mở, với thời gian ngắn hơn trong giai đoạn đất nước phong tỏa. Lương của Saito cũng giảm 40% để giữ cho hoạt động kinh doanh tiếp tục nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy rằng cửa hàng sẽ tăng giá để phù hợp với tình hình mới.

"Tăng giá không bao giờ là lựa chọn bởi việc chuyển gánh nặng của chúng tôi cho khách hàng sẽ là không công bằng. Tình hình tài chính của họ cũng có thể đang gặp áp lực vì dịch nhưng họ vẫn tiếp tục đến với chúng tôi", Saito nói. 

Ngày 28/8, Kouraku Honpo đã quyết định đóng cửa, đó là lựa chọn ông chủ cho là tốt nhất.

Những người chủ cửa hàng như Kouraku Honpo và những quán bar nhỏ là một trong những loại hình doanh nghiệp gặp khó khăn nhất bởi đại dịch khi chi phí thì tăng mà giá vẫn vậy. Các cửa hàng còn đối mặt với sự sụt giảm mạnh nhu cầu và hầu hết đứng trước bờ vực phá sản.

Chương trình cho vay trị giá 1 nghìn tỷ USD và những trợ cấp trên diện rộng của chính phủ giúp giảm lượng hồ sơ phá sản trong nền kinh tế giai đoạn từ tháng 4 và tháng 9. Tuy nhiên số lượng các nhà hàng quán ăn phải dừng kinh doanh tiếp tục tăng, chiếm 10% các doanh nghiệp phá sản – mức cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp.

Từ đầu năm cho tới tháng 8, 1.221 nhà hàng đã đóng cửa.

"Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đều tuân theo quy luật vô hình rằng nếu như giá một cốc bia hôm nay là 100 yên, thì nó vẫn là 100 yên vào ngày mai. Để luôn làm được điều đó, các công ty phải tìm cách giảm chi phí", theo ông Tsutomu Watanabe đến từ Đại học Tokyo.

Nếu không còn khả năng cắt giảm các chi phí như vận hành và tiền lương nữa, các chủ cửa hàng sẽ cho rằng việc sống sót sẽ phụ thuộc vào những cách tiếp cận mới.

Quán mì ở Nhật Bản đóng cửa, nhất quyết không tăng giá bán trong đại dịch vì chuyển gánh nặng tài chính sang cho khách hàng là không công bằng - Ảnh 2.

Giá mì ramen ở Tokyo gần như khổng đổi suốt 10 năm.

Kazushisa Tanaka nói rằng một ý tưởng lóe lên trong đầu ông vào một buổi tối buồn chán hồi tháng 5 khi ông nỗ lực tìm ra cách để quán ăn nhỏ 12 chỗ ngồi của ông tiếp tục hoạt động.

Ông quyết định tăng giá set ăn trưa lên 1.500 yên (14 USD) từ mức 1.000 yên trong những giờ cao điểm và giảm giá xuống 800 yên sau 2h30.

Nhân viên của ông phản đối việc tăng giá, xem đó là sự không trung thành nhưng ông bỏ qua.

"Chỉ đơn giản ngồi nhìn lượng khách hàng giảm mà không biết khi nào đại dịch mới chấm dứt là cuộc chơi của kẻ thua cuộc. Tùy chỉnh giá trở thành công cụ để tôi đối phó với khủng hoảng và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có Covid-19".

Tanaka không phải là người duy nhất lựa chọn giải pháp đó.

Quán mì ở Nhật Bản đóng cửa, nhất quyết không tăng giá bán trong đại dịch vì chuyển gánh nặng tài chính sang cho khách hàng là không công bằng - Ảnh 3.

Chikaranomoto Holdings – chủ sở hữu Ippudo – một trong những chuỗi mì nổi tiếng nhất Nhật Bản có cả cửa hàng ở New York và London chứng kiến lượng khách giảm 60% khi dịch Covid-19 ập đến.

Khi doanh thu vẫn chỉ bằng 1 nửa so với trước sau khi mở cửa lại, chuỗi này quyết định tăng giá một vài món vào cuối tháng 7 đồng thời cũng cho ra đời món ramen mới, rẻ hơn cho những khách hàng "nhạy cảm về giá".

"Rất khó để giữ nguyên giá khi mà chi phí tăng và ảnh hưởng của Covid-19. Vì vậy cách chúng tôi làm là đưa cho khách hàng các lựa chọn khác nhau".

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM