Quản lý quỹ Wavemaker Partners: ‘Mùa đông’ startup đã và sẽ ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam

15/07/2022 19:16 PM | Kinh doanh

Theo bà Trần Hoài Phương, "mùa đông" startup có thể kéo dài đến hết năm 2023. Lời khuyên cho startup là nếu gọi được vốn với một định giá có thể chấp nhận được thì nên tiến hành để đảm bảo nguồn tiền cho công ty vận hành qua giai đoạn khó khăn.

Năm 2021, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của các thương vụ đầu tư vào startup với hàng loạt công ty mới gia nhập câu lạc bộ kỳ lân (định giá từ 1 tỷ USD). Bên cạnh đó, nhiều startup chỉ mới ra đời nhưng cũng nhanh chóng huy động được số vốn hàng triệu USD.

Tuy nhiên, những điều này có vẻ đã là câu chuyện của quá khứ. Thời gian qua các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và vườn ươm khởi nghiệp đã lên tiếng cảnh báo về một “mùa đông” khắc nghiệt sắp tới với giới startup. Các công ty khởi nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc gọi vốn và nhiều nhà sáng lập phải nói lời “dừng cuộc chơi”.

Liên quan đến chủ đề này, Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với bà Trần Hoài Phương - Phó giám đốc đầu tư Wavemaker Partners - quỹ VC có trụ sở tại Singapore. Với vai trò đứng đầu quỹ tại Việt Nam, bà Phương đã trực tiếp dẫn dắt các thương vụ rót vốn vào Foodmap, Dat Bike, MindX và Vigo Retail.

Quản lý quỹ Wavemaker Partners: ‘Mùa đông’ startup đã và sẽ ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam - Ảnh 1.

Bà Trần Hoài Phương - quản lý quỹ Wavemaker Partners tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

“Không phải cơn gió chớm đông mà có thể là một mùa đông dài và lạnh”

- Thời gian gần đây, một số quỹ đầu tư mạo hiểm và vườn ươm khởi nghiệp đã lên tiếng cảnh báo về “mùa đông” đang đến với giới startup. Bà nghĩ sao về nhận định này?

- Việc “mùa đông” đang đến với giới startup đã bắt đầu được nhắc đến từ nửa đầu năm 2020 khi Coronavirus bắt đầu hoành hành. Thời điểm đó, Sequoia Capital từng gửi một bức thư cho các startup có tiêu đề "Coronavirus: The Black Swan of 2020"("Virus Corona: Con thiên nga đen của năm 2020").

Tuy nhiên, ngoại trừ các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch như trong ngành F&B, du lịch thì dòng vốn chảy vào các công ty công nghệ trên toàn thế giới và trong khu vực Đông Nam Á lại diễn ra rất mạnh mẽ qua các năm 2021 tới đầu 2022.

Chỉ có gần đây, bắt đầu vào quý II/2022, chúng ta mới thật sự nhận thấy tín hiệu rõ ràng của một “mùa đông dài và lạnh với giới startup”, chứ không phải chỉ là cơn gió chớm đông như thời kỳ 2020 nữa. Điều này được xác nhận bởi thị trường vốn đại chúng toàn thế giới và các thị trường cho các tài sản mang giá trị đầu cơ rất phổ biến gần đây như Crypto & NFT.

Còn trong lĩnh vực startup ở Việt Nam, chúng tôi bắt đầu thấy có những công ty pre-seed (chưa có sản phẩm) gọi vốn với định giá rất cao – có thể trên 10 triệu USD, trong khi việc này trước mùa Covid là chưa bao giờ có.

Hiện nay, việc toàn bộ nền kinh thế thế giới bị ảnh hưởng bởi lạm phát và các nhận định bi quan của nhà đầu tư dẫn đến tình huống “mùa đông” với giới startup là chuyện rất hiển nhiên, vì thị trường vốn đại chúng vẫn là chiến lược thoái vốn cuối cùng một cách trực tiếp hay gián tiếp của các khoản đầu tư mạo hiểm vào startup.

- Trong quá khứ, “mùa đông” startup đã diễn ra trên thế giới, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam như thế nào?

- Thật ra ngành startup và hệ sinh thái công nghệ ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam còn rất mới. Và một tình huống vĩ mô có nhiều rủi ro và bi quan như hiện tại có lẽ chưa từng xảy ra trong 13 năm qua, lần cuối là giai đoạn 2008-2009 trong sự kiện suy thoái toàn cầu. Lúc đó tôi nghĩ chưa có quá nhiều công ty startup hay là quỹ mạo hiểm ở Đông Nam Á.

Quỹ của chúng tôi là một trong những quỹ hiện diện sớm nhất trong khu vực từ năm 2012, nên cũng chưa có dịp đi qua một "mùa đông" nào trong ngành. Từ đó tới giờ, hệ sinh thái công nghệ trong khu vực đã phát triển rất rõ nét, ngoạn mục và bền vững.

- Bà dự đoán “mùa đông” startup có thể kéo dài bao lâu? Cơ hội và thách thức với các startup trong bối cảnh này ra sao?

- Tôi đoán là "mùa đông" startup cũng sẽ đi theo chu kỳ của nền kinh tế toàn cầu. Thị trường có thể phục hồi sớm hơn vì nói cho cùng nhà đầu tư vào startup và nhà sáng lập bao giờ cũng có nhiều hy vọng và sự lạc quan hơn các nhà đầu tư thông thường – đó là đặc điểm tính cách của con người trong ngành rồi. Nếu kinh tế vĩ mô cần khoảng 2 năm để phục hồi thì trong ngành startup, có lẽ mùa đông sẽ kéo dài khoảng 16-18 tháng tới hết năm 2023.

“Mùa đông” startup đã và sẽ ảnh hưởng đến các công ty khởi nghiệp Việt

- Theo bà, “mùa đông” startup lần này có ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và Việt Nam?

- Tất nhiên là có, ngay trong danh mục của quỹ tôi đã có một số công ty bị ảnh hưởng trực tiếp từ tình huống này, như bị hủy termsheet, bị hạ định giá hay đơn giản là gọi vốn không thuận lợi.

Về phía quỹ thì sẽ thận trọng hơn trong việc đầu tư mới rất nhiều, trong tất cả các giai đoạn gọi vốn, đặc biệt là các vòng sau (series B,C). Họ cần thấy khả năng thoái vốn và sinh lời trong khoảng thời gian không xa sau khi đầu tư và khi thị trường đại chúng đang đỏ lửa thì tâm lý nhà đầu tư mạo hiểm sẽ thận trọng hơn nhiều.

Về phía startup thì có nhiều startup sẽ không gọi được vốn tiếp khi không chứng minh được khả năng sinh lời và hoạt động bền vững.

Quản lý quỹ Wavemaker Partners: ‘Mùa đông’ startup đã và sẽ ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam - Ảnh 2.

Startup Việt cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng từ "mùa đông" startup. Ảnh: Linh Lam

Chỉ cuối năm ngoái, khi tôi nói chuyện với một nhà đầu tư các vòng sau (B,C) và hỏi về chỉ số họ quan tâm khi xem xét một công ty cung cấp phần mềm cho các MSME (các doanh nghiệp nhỏ, vừa và nhỏ) thì họ nói chỉ quan tâm tới số lượng người dùng và độ phủ thị trường. Tuy nhiên, lần gần nhất nói chuyện thì tư tưởng đó đã được dẹp qua một bên và các mô hình không tạo ra doanh thu, hay khắc nghiệt hơn nữa là lợi nhuận hoặc dòng tiền dương, không còn có sự thu hút nhà đầu tư nữa.

Sẽ có một đợt thanh lọc lớn cho các startup đang hoạt động nếu họ không gọi được vốn tiếp hoặc không tạo được dòng tiền dương. Các startup còn đủ vốn để tồn tại và phát triển qua mùa đông sẽ có nhiều lợi thế khi gọi vốn sau đợt suy thoái này.

- Quỹ đầu tư của bà có đưa ra cảnh báo hay lời khuyên gì cho các công ty trong danh mục về "mùa đông" startup?

- Chúng tôi và có lẽ cũng như các quỹ khác, luôn khuyên startup là nếu gọi được vốn với một định giá có thể chấp nhận được - và cần giảm kỳ vọng hết sức có thể - thì nên tiến hành để đảm bảo nguồn tiền cho công ty vận hành qua "mùa đông".

Hiện tại, chúng tôi cũng đang hợp tác với các quỹ chuyên cho vay venture debt để giúp các startup cơ cấu việc gọi vốn, thay vì bằng cổ phần thì bằng nợ có thể sẽ phù hợp hơn cho giai đoạn này.

Về vận hành thì chúng tôi luôn khuyên Founder tìm ra con đường hướng tới điểm hòa vốn và đạt được dòng tiền dương cho công ty. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu là với một công ty startup ở giai đoạn sớm, nếu vừa đòi hỏi tăng trưởng ấn tượng, sự phát triển về sản phẩm và dòng tiền dương thì hơi xa xỉ quá, nên cũng không phải bắt buộc điều này. Chỉ cần Founder có định hướng để đạt được trong tương lai và bảo đảm sự ổn định hoạt động của công ty bằng các nguồn tiền các (gọi vốn, khoản vay venture debt…) là được.

- Trong bối cảnh hiện nay, quỹ của bà có những điều chỉnh gì về vốn hoặc chiến lược đầu tư cho startup?

- Wavemaker Partners luôn dành một phần lớn của tổng AUM (tài sản quản lý) mỗi quỹ dành cho việc hỗ trợ vòng sau các công ty đã đầu tư. Gần đây chúng tôi dành rất nhiều thời gian giúp các công ty hoàn tất việc gọi vốn, nếu được thì gọi vốn mới để đảm bảo runway (khoảng thời gian cho tới khi doanh nghiệp tiêu hết tiền, thường được đo với đơn vị tháng) cho công ty và giải ngân các khoản vay nếu chúng tôi thấy phù hợp.

Chúng tôi có điều tiết việc đầu tư mới vì 3 lý do. Thứ nhất là thị trường cũng ít startup gọi vốn hơn nên ít cơ hội. Thứ hai là có thể do Founder nghĩ thị trường vốn không thuận lợi nên cũng không ra làm startup hay gọi vốn. Và thứ ba là chúng tôi cẩn thận hơn với việc chọn lọc một công ty để đầu tư vì có nhiều kinh nghiệm hơn sau 10 năm trong ngành và do thị trường xấu.

Startup Việt nên làm gì trong thời điểm này?

- Bà đánh giá như thế nào về dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022 sẽ ra sao?

- Thật ra Việt Nam và Đông Nam Á khá may mắn trong bối cảnh thế giới như hiện tại. Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng gần đây có sự thăng tiến nhất định trong đánh giá của dòng tiền trên thế giới về tiềm tăng tăng trưởng và độ hấp dẫn của thị trường.

Chỉ trong hai năm gần đây khu vực có những bước tiến ấn tượng như: thêm 19 kỳ lân trong năm 2021, có những khoản thoái vốn lớn trong khu vực như Intrepid và gần đấy có 3 quỹ - một ở Singapore, 2 ở Indonesia -  thông báo về việc chạm mốc 1 tỷ USD. Vì vậy, tôi nghĩ tuy dòng vốn mạo hiểm sẽ giảm rất nhiều, nhưng sẽ vẫn chảy vào các công ty tiềm năng với nhà sáng lập xuất sắc, tuy ở định giá sẽ hợp lý hơn nhiều so với thời gian trước. Nó sẽ là sự điều hòa tự nhiên của thị trường, khi nhà đầu tư vẫn có mong muốn giải ngân và Founder cần gọi vốn, hai bên sẽ tìm cách gặp nhau ở mức định giá hợp lý cho cả hai sau một thời gian thảo luận.

- Theo bà, các startup Việt nên làm gì trong bối cảnh kinh tế hiện nay?

- Tôi nghĩ việc đầu tiên cần làm là ngồi lại và xem xét tình hình tài chính của công ty, nên cố gắng có runway từ 15 tháng trở lên, càng dài càng tốt. Nếu runway không còn dài và không thuận lợi gọi vốn thì có thể có những biện pháp cắt giảm chi phí và tăng doanh thu để công ty an toàn hơn.

Tôi xin chia sẻ lại một số bí quyết mà tôi học được từ hai nhà sáng lập nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất là cắt giảm các chi phí phát triển tính năng mới cho sản phẩm (R&D) vì đây là chi phí lớn nhất. Thứ hai là chuyển từ mô hình freemium (cho dùng miễn phí những tính năng cơ bản của sản phẩm) sang mô hình chi trả.

Các startup nên dành nguồn lực tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm hay dịch vụ, tránh dùng tiền vào những thứ không có tính ảnh hưởng lâu dài và có lợi cho người dùng cuối. Tiền dùng cho phát triển tính năng mới chỉ dùng để tập trung phát triển tính năng được mọi người dùng yêu thích, làm cho nó tốt hơn chứ không nên đi rộng quá có thể gây lãng phí.

- Cảm ơn bà.

Diệu Tuyết

Cùng chuyên mục
XEM