Quả cầu lông - 1 bầu trời tinh tế: Có đúng 16 sợi lông bên cánh trái của những con ngỗng còn sống!

08/06/2021 08:13 AM | Công nghệ

Nhìn tưởng đơn giản nhưng hóa ra đồ vật quen thuộc này lại được tạo ra bằng cách rất tinh tế.

Khi nhắc đến sự tinh tế, chúng ta thường nghĩ tới những gì phức tạp, có nhiều công dụng như điện thoại thông minh hay bức tranh của một họa sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, tinh tế không phải lúc nào cũng đến từ những thứ như vậy mà có thể nằm ở các sự vật bình thường quanh ta. Và một trong số đó là quả cầu lông.

Trên thực tế, đồ vật tưởng chừng đơn giản này lại ẩn chứa cả một "bầu trời" tinh tế. Trước tiên, về cách quả cầu bay qua lưới: Nó có thể xuất phát với tốc độ cao nhưng sẽ chậm dần giữa chừng và rơi xuống một cách thanh thoát.

Để đạt được sự thanh thoát đó, nhà sản xuất cần tuân thủ một số quy tắc nhất định. Cụ thể, mỗi quả cầu cần có chính xác 16 sợi lông (có thể là lông ngỗng hoặc lông vịt).

Thế nhưng như vậy là chưa đủ, số lông đó phải được lấy từ cánh bên trái của con vật. Trên thực tế, lông bên cánh trái và cánh phải của ngỗng hay vịt đều không giống nhau.

Quả cầu lông - 1 bầu trời tinh tế: Có đúng 16 sợi lông bên cánh trái của những con ngỗng còn sống! - Ảnh 1.

Năm 2013, một phó ủy viên của Liên đoàn Cầu lông Thế giới giải thích với tạp chí The Stranger: "Hai bên cánh của ngỗng có độ cong khác nhau. Nếu nhìn bằng mắt thường, bạn có thể không nhận ra. Mỗi bên được tạo hóa ban cho một tính năng chuyên biệt, rất phù hợp trong khí động học: Lông cánh trái để đón gió từ bên trái, lông cánh phải để đón gió từ bên phải.

Một quả cầu làm từ lông của cánh trái sẽ bay theo chiều kim đồng hồ. Còn nếu quả cầu được làm từ lông của cả hai bên cánh, nó sẽ bay không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu".

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, một giám đốc sản phẩm của Yondex – thương hiệu thể thao nổi tiếng đến từ Nhật Bản, cho biết chỉ những chiếc lông bên cánh trái mới được sử dụng để làm ra sản phẩm dành cho các giải đấu chuyên nghiệp.

Trong khi đó, nếu dùng lông ở cánh phải, quả cầu sẽ xoáy ngược chiều kim đồng hồ và có đường bay không ổn định. Ngoài ra, do từ ngày trước các nhà sản xuất đã làm cầu từ lông cánh trái nên bất kỳ sự thay đổi nào cũng có thể ảnh hưởng đến người chơi.

Một điều khá đặc biệt khác mà không phải ai cũng biết là lông ngỗng để làm cầu lông được lấy khi con vật còn sống. Ngỗng sẽ bị gây mê để lấy lông. Nếu nó chưa "bất tỉnh" hẳn, người ta sẽ không được phép làm điều đó.

Quả cầu lông - 1 bầu trời tinh tế: Có đúng 16 sợi lông bên cánh trái của những con ngỗng còn sống! - Ảnh 2.

Tuy nhiên, các nhà bảo vệ quyền động vật lại chỉ trích rằng phương pháp lấy lông này cũng gây ra đau đớn không kém gì việc kết liễu con vật. Sau đó, ông Paisan Rangsikitpho – người đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Liên đoàn cầu lông thế giới đã "minh oan" cho hành động lấy lông ngỗng còn sống làm cầu.

Ông cho biết loại lông này thực chất chỉ là một sản phẩm phụ. Những con ngỗng đã được bán cho nhà hàng hoặc nơi giết mổ để lấy thịt hoặc lấy lông làm gối và áo khoác. Nếu những chiếc lông ở cánh trái không được sử dụng làm cầu, chúng sẽ được dùng vào việc khác hoặc lãng phí hơn là bị vứt đi.

Nguồn: Inverse

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM