Quá ẩu khi sử dụng ngôn ngữ bản địa, Coca-Cola chào người Maori ở New Zealand không thể kinh khủng hơn: "Xin chào, cái chết"

16/10/2018 10:42 AM | Kinh doanh

Đúng là "bút sa, gà chết", ai mà ngờ được câu chào thân thiện lại biến thành lời nguyền rủa nhạy cảm đến vậy!

Đối với người New Zealand, "kia ora" có nghĩa là "xin chào" hoặc "ngày mới tốt lành". Cụm từ này xuất phát từ ngôn ngữ của người bản xứ Maori và thường được sử dụng như một lời chào hỏi hoặc chào tạm biệt khá phổ biến. Người ta thậm chí còn dùng chúng trong cả tin nhắn và email.

Coca-Cola đã dùng cụm từ "Kia ora, mate" (Tạm dịch: Xin chào, bạn của tôi) ở mọi máy bán hàng tự động trên khắp New Zealand để bày tỏ thiện chí của mình, tuy nhiên, họ đã mắc phải một sai lầm khá nghiêm trọng. Vấn đề nằm ở từ "mate" (phát âm là "mah-teh") có nghĩa là "cái chết" trong tiếng Maori. Ngoài ra, từ này còn mang nghĩa là sự xui xẻo, tai họa hoặc bệnh tật. 

Quá ẩu khi sử dụng ngôn ngữ bản địa, Coca-Cola chào người Maori ở New Zealand không thể kinh khủng hơn: Xin chào, cái chết - Ảnh 1.

Thế nên Coca-Cola đã vô tình biến một lời chào thân thiện thành một lời chào nhạy cảm về văn hóa.

Người Maori bản địa cho rằng đây là một sai lầm đáng tiếc bởi nếu viết như Coca-Cola thì cụm từ này hoàn toàn không có nghĩa về mặt ngữ pháp và chẳng ai ở New Zealand nói như vậy khi chào hỏi cả. Sự cố này là một bài học cho những doanh nghiệp lớn muốn xâm nhập vào thị trường New Zealand trong việc tìm hiểu ngôn ngữ bản địa trước khi đưa ra bất cứ thông điệp quảng cáo nào.

Hiện nay, trên khắp đất nước, người dân New Zealand đang tỏ ra khá hứng thú với ngôn ngữ bản địa. Các lớp học miễn phí có rất đông người đăng ký và các giáo viên đang nỗ lực xây dựng bài giảng phù hợp thông qua nhiều chủ đề khác nhau. Không những thế, đài truyền hình cũng nắm bắt cơ hội này để kết hợp ngôn ngữ bất cứ khi nào có thể.

Một lưu ý quan trọng với các công ty: Tại New Zealand, những dấu hiệu song ngữ không phổ biến cách đây một thập kỷ giờ đã có mặt ở khắp mọi nơi, từ nhà vệ sinh cho tới công trường xây dựng. Bạn thậm chí còn có thể xem hoạt hình Disney bằng tiếng Maori.

Ngahiwi Apanui, Giám đốc điều hành của Ủy ban Ngôn ngữ Maori cho biết việc sử dụng tiếng Maori thể hiện thiện chí của các công ty chứ không đơn thuần là kế hoạch tiếp thị. Đây cũng là cách nhiều công ty nước ngoài kết nối với đất nước và con người nơi đây. Ngôn ngữ bản địa sẽ giúp các công ty xác lập một cam kết lâu dài với New Zealand.

Mặc dù vậy, khi ngôn ngữ và văn hóa của người Maori trở nên phổ biến hơn, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều rủi ro mà họ có thể vô tình bỏ qua, từ đó dẫn đến hiểu lầm văn hóa không đáng có.

Quá ẩu khi sử dụng ngôn ngữ bản địa, Coca-Cola chào người Maori ở New Zealand không thể kinh khủng hơn: Xin chào, cái chết - Ảnh 2.

Người Maori bản địa ở New Zealand.

Một sự cố khác được nhắc tới chính là một nhà sản xuất bia của Anh đã minh họa cho loại bia lấy cảm hứng từ New Zealand bằng hình ảnh khá nhạy cảm về mặt văn hóa. Họ đã dùng bức tranh biếm họa vẽ một chiến binh người Maori cưỡi một con kiwi để chơi một loại thể thao nào đó, bên cạnh là thùng bia của họ.

Sau đó, nhà sản xuất bia đã phải xin lỗi và thay đổi toàn bộ hình ảnh quảng cáo. Theo ông Apanui, thật không may là đến nay vẫn chưa có một sự hướng dẫn cụ thể nào để hỗ trợ các công ty nước ngoài sử dụng ngôn ngữ và văn hóa của người Maori một cách đúng đắn.

Trong trường hợp trên, Coca-Cola nên tìm hiểu kĩ hơn trước khi đưa ra thông điệp quảng cáo. Tất nhiên làm như vậy sẽ khiến cả quá trình mất nhiều thời gian hơn một chút nhưng đồng thời giúp tránh được sai lầm có thể ảnh hưởng đến thương hiệu của họ.

Gia Vũ

Từ khóa:  Coca-Cola
Cùng chuyên mục
XEM