PNJ bị "tạm giữ" 314 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vì Ngân hàng Đông Á
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã diễn ra ngày 2/4 với kết quả kinh doanh năm 2015 cho thấy lợi nhuận trước thuế đạt 514 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do trích lập dự phòng tài chính cho khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á (DAB) nên PNJ bị "tạm giữ" lại 314 tỉ đồng.
Theo báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của PNJ, thị phần bán lẻ của công ty hiện nay ước tính là 25%, tăng 4% so với cùng kỳ và bỏ xa đối thủ liền kề. Đến cuối năm 2015, toàn hệ thống có 194 cửa hàng, bao gồm 125 cửa hàng vàng, 65 cửa hàng bạc và 4 cửa hàng CAO.
Doanh thu năm 2015 đạt 7,698 tỷ đồng; tăng 6,72% so với 2014. Trong đó, nhóm trang sức, mảng hoạt động đem lại 99% lợi nhuận gộp toàn công ty, tăng đến 18%.
Chiến lược phát triển cả 3 kênh bán hàng bao gồm: bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu đã đem lại cho PNJ nhiều lợi thế. Tuy vậy, bán lẻ vẫn luôn được xác định là hoạt động kinh doanh mũi nhọn, tập trung nhiều nguồn lực và là mục tiêu phát triển lâu dài của công ty. Tỷ trọng doanh thu bán lẻ năm 2015 chiếm 55% tổng doanh thu trang sức vàng (năm 2014 tỷ trọng là 45%) và dự kiến tiếp tục tăng trong tương lai.
Theo định hướng chiến lược dài hạn, PNJ sẽ dần thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành để tập trung toàn lực vào năng lực lõi. Năm 2015 PNJ đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C. Mặc dù không đem lại lợi nhuận như dự kiến nhưng cũng góp phần mang lại dòng tiền nhằm bổ sung kịp thời cho nguồn vốn lưu động.
Đối với các khoản đầu tư còn lại, tuy chưa tìm được cơ hội thoái vốn nhưng đã không còn ảnh hưởng nhiều đến các chỉ tiêu tài chính của công ty trong các năm tiếp theo. Khoản dự phòng cho DAB năm 2015 là sự kiện không mong muốn, nhưng ngược lại đã gạt đi những lo ngại tiềm ẩn cho bức tranh tài chính của PNJ trong tương lai.
Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ PNJ cho biết trong năm 2015 công ty đã thành công trong việc đẩy mạnh dòng hàng trung và cao cấp, vốn là lợi thế của Công ty so với các đối thủ cạnh tranh. Đây là nhóm sản phẩm không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn nâng tầm thương hiệu của PNJ trên thị trường trang sức Việt Nam và quốc tế.
Bên cạnh đó, ban điều hành PNJ cũng chủ trương giảm tỷ trọng vàng miếng trong cơ cấu doanh thu nhằm phản ánh rõ nét hơn vai trò của hoạt động kinh doanh cốt lõi là trang sức. Nhờ chủ trương này mà tỷ suất lợi nhuận gộp chung liên tục được cải thiện qua các năm do vàng miếng là nhóm có tỷ suất lợi nhuận gộp rất thấp.
Năm 2016, PNJ đặt mục tiêu doanh thu 8.781,9 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 459,9 tỷ đồng (sau khi trích dự phòng 115 tỷ đồng cho hai khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á và Công ty địa ốc Đông Á). Số liệu doanh thu quý I/2016 của PNJ là 2,356 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ và đạt 27% kế hoạch năm.
Cùng với đó, do dự báo thị trường vàng trang sức Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nên PNJ dự định mở thêm 25 cừa hàng mới trong năm 2016. Số liệu tính toán của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy giá trị vàng trang sức trên đầu người của Việt Nam năm 2015 là 6,2 USD, chỉ bằng 60% của Malaysia và 7% của Singapore.
Bên cạnh đó tỷ lệ tiêu thụ vàng trang sức của Việt Nam so với tổng tiêu thụ vàng chỉ chiếm 25%, trong khi tỷ lệ này tại các nước trong khu vực là trên 50% (ngoại trừ Thái Lan là 14%).
Cùng với sự ổn định của nền kinh tế, xu hướng dịch chuyển từ mua vàng miếng sang vàng trang sức đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Lượng vàng trang sức tiêu thụ tại Việt Nam liên tục tăng trong 3 năm trở lại đây, ngược lại lượng vàng miếng giảm mạnh trong năm 2014 và 2015, lần lượt giảm 33% và 15%.