'Phương thuốc' chữa Covid-19 của Fed có thể khiến kinh tế tồi tệ hơn
Loạt chương trình mua tài sản mới mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố về cơ bản sẽ tạo ra làn sóng quốc hữu hóa phần lớn các thị trường tài chính, và hậu quả có thể sẽ khôn lường.
Dưới đây là ý kiến của Jim Bianco, là chủ tịch và người sáng lập ra Bianco Research, công ty phân tích về kinh tế thế giới và các thị trường tài chính.
Fed đưa ra các biện pháp chưa từng có để đối phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra. Điều này liệu có nguy hiểm?
Thay vì thảo luận nên áp dụng công cụ kích thích kinh tế nào, các cuộc tranh luận kinh tế giờ đây tập trung đánh giá liệu những biện pháp Fed vừa đưa ra nhằm tránh nguy cơ đóng cửa kinh tế Mỹ có gây ra hậu quả tồi tệ hơn đại dịch Covid-19 hay không. Tương tự, chúng ta cần đặt câu hỏi liệu phương pháp "chữa bệnh" của Fed (tập trung nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu có đảm bảo bằng tài sản, thương phiếu và ETF) có khiến thị trường tài chính thảm hại hơn dịch Covid-19 hay không.
Câu trả lời có thể là có.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Reuters.
Trong vài tuần qua, Fed đã hạ lãi suất 1,5% xuống gần 0, đồng thời nhanh chóng khởi động lại toàn bộ cẩm nang đối phó khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, những động thái đó không đủ để khiến thị trường bình tĩnh trở lại, nên ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục tuyên bố khởi động chương trình mua lại tài sản trị giá 1.000 tỷ USD và nới lỏng định lượng không giới hạn, trong đó bao gồm việc chi 625 tỷ USD mua trái phiếu mỗi tuần. Với tốc độ mua như vậy, Fed sẽ sở hữu 2/3 thị trường trái phiếu trong một năm.
Điểm khác biệt của đợt kích thích này so với trước là loạt chương trình mới được triển khai. Đó là Chương trình huy động vốn bằng thương phiếu (CPFF - mua thương phiếu từ các nhà phát hành), Chương trình huy động tín dụng doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp (PMCCF - mua trái phiếu doanh nghiệp từ nhà phát hành), Chương trình huy động vốn bằng trái phiếu có đảm bảo bằng nợ (TALF - phát hành trái phiếu có đảm bảo bằng nợ sinh viên, nợ mua xe ôtô, nợ thẻ tín dụng và nợ được đảm bảo bởi Hiệp hội Doanh nghệp nhỏ...), Chương trình huy động tín dụng doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp (SMCCF - mua trái phiếu doanh nghiệp và ETF trái phiếu trên thị trường thứ cấp), Chương trình cho vay đối với Main Street (MSBLP - cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ điều kiện).
Tuy nhiên, những công cụ này có thể để lại hậu quả tồi tệ về lâu dài đối với Fed cũng như việc phân bổ vốn trên các thị trường tài chính.
Nói một cách thẳng thắn, Fed không được phép thực hiện bất kỳ chương trình nào trong số đó. Ngân hàng trung ương chỉ được phép mua hoặc cho vay đối với trái phiếu có bảo lãnh của chính phủ, gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu có thế chấp và trái phiếu được phát hành bởi Fannie Mae (Hiệp hội Thế chấp Liên bang Mỹ) và Freddie Mac (Tập đoàn Thế chấp cho vay mua nhà Liên bang).
Vậy làm thế nào họ triển khai được các chương trình trên? Với mỗi chương trình, Fed sẽ đưa ra một công cụ đặc biệt (SPV) để thực hiện các nghiệp vụ trên. Bộ Tài chính Mỹ, với Quỹ Bình ổn giao dịch, sẽ đầu tư vốn vào mỗi SPV và chịu thua lỗ đầu tiên. Điều này có nghĩa là về cơ bản, Bộ Tài chính Mỹ, không phải Fed, mới là cơ quan thực hiện các chương trình trên, còn Fed chỉ có vai trò như một ngân hàng và cung cấp tài chính. Fed thuê BlackRock để mua những trái phiếu này cũng như quản lý các SPV thay mặt chủ sở hữu là Bộ Tài chính Mỹ.
Nói cách khác, chính phủ liên bang đang quốc hữu hóa những mảng lớn trên các thị trường tài chính. Fed là nơi cung cấp tiền để họ làm điều đó và BlackRock là đơn vị thực hiện giao dịch.
Kế hoạch này về cơ bản sẽ hợp nhất Fed và Bộ Tài chính thành một tổ chức. Vì vậy, tân chủ tịch Fed có thể chính là Tổng thống Donald Trump.
Năm 2008, đã có một diễn biến tương tự xảy ra nhưng trên quy mô nhỏ hơn. Vì ít người nhận ra điều này nên chính quyền tổng thống Bush và Obama đã nhường toàn quyền kiểm soát các chương trình kích thích cho chủ tịch Fed lúc đó là ông Ben Bernanke. Bây giờ, chúng ta đã hiểu rõ hơn về cách họ làm việc. Chưa kể, chúng ta có một vị tổng thống từng nói rất rõ rằng ông ấy đã khó chịu tới mức nào khi các quan chức ngân hàng trung ương không chịu sử dụng sức mạnh to lớn của họ để buộc Dow Jones tăng ít nhất 10.000 điểm. Đây là điều ông Trump phàn nàn nhiều lần trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Fed chỉ cảm thấy cần hành động khi thị trường tài sản có thu nhập cố định bị rối loạn như hiện nay. Và đó là một suy nghĩ đúng đắn. Tuy nhiên, để giành được quyền ổn định các thị trường tư nhân này, các quan chức của ngân hàng trung ương cần Bộ Tài chính đồng ý quốc hữu hóa chung, như vậy, họ mới có thể cung cấp tài chính để làm điều đó.
Thực tế, Fed đang trao quyền cho Bộ Tài chính để tiếp cận với hệ thống in tiền. Nói cách khác, trong trường hợp cực đoan, chính quyền Mỹ được tự do sử dụng quyền kiểm soát của mình, chứ không phải của Fed, đối với các SPV để yêu cầu Fed in thêm tiền. Như vậy, họ có thể mua trái phiếu và triển khai các gói cho vay nhằm kích thích thị trường tài chính tăng điểm từ nay cho tới khi bầu cử tổng thống diễn ra.
Tại sao chỉ tăng cho tới khi bầu cử tổng thống diễn ra? Vì nếu Trump tái đắc cử, ông ấy có thể sử dụng các SPV để đẩy Dow Jones tăng thêm 10.000 điểm, việc mà Fed đã từ chối làm trước đó.
Nếu nhưng chương trình này bị lạm dụng, họ thực sự có thể khiến thị trường lên cao hơn định giá đảm bảo. Nhưng, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Giới đầu tư sẽ không còn nhận được các tín hiệu cần thiết từ thị trường, yếu tố giúp họ phân bổ vốn hiệu quả hơn trên các thị trường. Thị trường sẽ đầy rẫy những quyết định đầu tư sai lầm. Những tay chơi trong khối tư nhân cũng sẽ bị buộc phải rời thị trường vì sự can thiệp quá lớn của chính phủ khiến những thị trường bị kiểm soát hoạt động không hiệu quả. Điều này đã xảy ra với thị trường vốn liên bang Mỹ và thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản.
Chủ tịch Jerome Powell cần phải thận trọng đểm đảm bảo phương pháp "chữa trị" của ông không khiến thị trường tài chính tồi tệ hơn dịch Covid-19.