Phương pháp giáo dục mẫu giáo của Nhật Bản khiến nhiều cha mẹ Việt phải ngả mũ thán phục
Nhiều cha mẹ Việt khi nghe thấy phương pháp giáo dục mầm non của Nhật đã choáng váng. Nhưng cách dạy của họ là chuẩn mực để tạo ra những đứa trẻ tự lập, biết cư xử, yêu thương và khỏe mạnh.
Cái gọi là "bẩn" hay "không bẩn"
Trường mẫu giáo sẽ mời những em bé chuẩn bị đến tuổi đi học, tới thăm quan và trải nghiệm những hoạt động ở trường. Theo lý giải, thứ nhất, nhà trường muốn các bé sẽ dần quen nhau, tăng sự hiểu biết. Thứ hai là để cho các em chuẩn bị đi học cảm nhận được niềm hạnh phúc khi tới trường.
Các trường mẫu giáo ở Nhật luôn có một bãi cát cùng rất nhiều đồ chơi như xô, chậu, xẻng để các con thoải mái nghịch, vầy. Giáo viên luôn là người chủ động yêu cầu các bé ngồi bệt trên đất, nghịch cát cùng các em.
Bố mẹ Việt sẽ thấy kinh ngạc về chuyện này, bởi họ không quen con đi học mà lấm lem như thế. Họ muốn chân tay, quần áo con cái lúc nào cũng sạch sẽ vì sợ nhiễm khuẩn. Nhưng với người Nhật, chuyện đó là bình thường bởi giáo dục mầm non ở đất nước Mặt trời mọc nhấn mạnh vào hạnh phúc nội tại của đứa trẻ, để đứa trẻ được tự do khám phá thế giới xung quanh.
Tập thể và cá nhân
Ở trường mẫu giáo Nhật Bản, điều đầu tiên các cô giáo dạy trẻ biết: Tập thể là gì!
Tập thể theo định nghĩa của các nhà giáo dục Nhật Bản là sự tương đồng. Ví dụ như mọi thứ từ đồng phục, túi đồng phục, khăn, hộp cơm ăn trưa, kính, giày dép… là tiêu chuẩn thống nhất.
Mỗi đứa trẻ từ khi đi học mẫu giáo đã biết cùng nhau lau sàn nhà, lau cửa kính, ăn xong phải nhớ lau bàn ăn. Những chi tiết và thói quen nhỏ này dựa trên nguyên tắc: tôi là thành viên của một tập thể và tôi muốn nghĩ cho tập thể.
Nhờ sự động viên của các bạn mà cậu bé Nhật đã vượt qua sợ hãi và dũng cảm vượt qua trò nhảy cầu.
Cộng đồng mạng từng xôn xao khi xem clip một cậu bé học sinh mẫu giáo người Nhật trong một buổi học thể dục môn nhảy cầu . Trong khi các bạn nhảy qua thoăn thoắt thì cậu 5 lần 7 lượt không dám vượt qua, thậm chí đã khóc. Các bạn cùng lớp thấy thế, không ai bảo ai, đứng dậy, vây quanh cậu bé và hét vang: "Bạn có thể làm được! Bạn có thể làm được!". Nhờ sự khuyến khích động viên của các bạn mà cậu bé đã nhảy qua cầu. Qua đó để thấy được sức mạnh của tập thể trong giáo dục Nhật Bản.
Người Nhật không thích thể hiện mình là người tuyệt vời bằng cách chứng minh sự khác biệt của họ. Thay vào đó họ luôn nói một cách khiêm tốn: "Mọi người đều giống nhau, mọi người đều tốt nhất".
Khái niệm khỏe mạnh khác biệt
Cha mẹ Nhật nuôi con theo nguyên tắc "7 phần no, 7 phần ấm". Nghĩa là họ sẽ không cho con ăn quá nhiều và cũng không sợ trẻ mặc quá ít. Do đó bạn có thể thấy rất ít trẻ Nhật bị béo phì và chúng rất nhanh nhẹn khỏe mạnh.
Khi con ốm, bố mẹ cũng không có tâm lý lo cuống lên. Họ bình tĩnh cho con đi viện khám và luôn nghĩ mỗi cơ thể đều có chế độ tự chữa bệnh. Tuổi thọ của người dân Nhật đứng đầu thế giới, điều này cho thấy điều kiện vệ sinh, y tế, môi trường, chế độ ăn và tập luyện ở đất nước mặt trời mọc rất tốt.
Ở Nhật, các con được khuyến khích chơi, khám phá hết mình, không ngại lấm bẩn, nhưng khi vào lớp học thì môi trường rất sạch sẽ. Các con sẽ phải thay dép đi hàng ngày bằng dép ở lớp để tránh mang bụi vào lớp.
Đào tạo tính độc lập thực sự
Ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, mỗi khi đến lớp, trẻ đã phải mang theo một chiếc túi to đựng trong đó nhiều thứ khác nhau. Ở Nhật, ngoài chiếc cặp đi học, trẻ còn phải mang theo những chiếc túi lớn và nhỏ khác nhau. Các con sẽ phải tự mang, cầm những chiếc túi này và bố mẹ sẽ không bao giờ cầm giúp. Ngay từ nhỏ các con đã được dạy tính tự lập và không được hưởng đặc quyền khi việc đó tự mình làm được.
Cảnh học sinh tự chia cơm cho nhau trong giờ ăn trưa.
Tính độc lập sẽ theo các em đến các cấp lớn hơn. Các em sẽ tham gia vào việc phân chia cơm cho các bạn và học sinh lớp dưới, chứ không phải thầy cô giáo.
Các bé gái cũng phải tham gia các hoạt động thể thao mạnh mẽ như đá bóng chứ không chỉ chơi các môn nhẹ nhàng như cờ, vẽ như mọi người nghĩ. Thậm chí những bé gái có thể bị bầm tím cơ thể vì hoạt động mạnh, nhưng bố mẹ không lấy gì làm lo lắng. Ngược lại họ muốn con mình trải qua thử thách như thế để lớn lên mạnh mẽ hơn, không còn kiểu "tiểu thư, công chúa" và chịu được nhiều áp lực từ thế giới bên ngoài.
Không quy định thời gian ăn của trẻ
Thường các ông bố bà mẹ châu Á hay có thói quen giục con ăn nhanh, nếu thấy con ăn lâu quá là sẵn sàng đút để con nhanh hết bữa. Hoặc cha mẹ sẽ treo thưởng cho ai ăn nhanh. Ngay cả ở trường mẫu giáo cũng vậy, họ ra quy định học sinh chỉ được ăn trong 1 tiếng.
Phát triển thể chất được rất nhiều phụ huynh và nhà trường quan tâm để trẻ em Nhật Bản luôn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, các trường mẫu giáo Nhật không bao giờ quy định thời gian trẻ phải ăn trong bao lâu bởi chức năng tiêu hóa của trẻ vẫn còn non, dễ bị khó tiêu nếu ăn quá nhanh. Thói quen nhai chậm được người Nhật dạy trẻ từ nhỏ.
Mặc dù không quy định thời gian ăn, nhưng các trường mẫu giáo Nhật có những quy định rất nghiêm trên bàn ăn. Trước bữa ăn, trẻ sẽ phải nói: "Con muốn bắt đầu ăn", và khi kết thúc, bé sẽ phải nói: "Cảm ơn vì sự hiếu khách". Ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được giáo dục phải biết ơn người nấu cho mình ăn và trân trọng mọi loại thực phẩm.
Ở Nhật Bản, trẻ em từ 3-5 tuổi được đi học miễn phí. Trẻ dưới 3 tuổi là con của các gia đình có thu nhập thấp được hưởng các dịch vụ chăm sóc ban ngày miễn phí, giúp cha mẹ giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Theo Sohu