Phù phép rác thành "vàng", Hyundai dùng dây an toàn, cần gạt mưa... của xe ô tô cũ hỏng làm đồ thời trang đắt giá

30/03/2023 10:15 AM | Công nghệ

Trong gần 4 năm, Hyundai Motor Company đã tận dụng “nguồn vàng lạ” sẵn có để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.

Phù phép rác thành "vàng", Hyundai dùng dây an toàn, cần gạt mưa... của xe ô tô cũ hỏng làm đồ thời trang đắt giá - Ảnh 1.

Với chiến lược kinh doanh nâng cấp, đổi mới để trở thành một tập đoàn ô tô bền vững, Hyundai Motor Company đã kết hợp với Jeremy Scott - cựu giám đốc sáng tạo của thương hiệu Moschino để tạo ra một bộ sưu tập các sản phẩm thời trang được làm từ rác thải ô tô. Hành động này vừa tránh lãng phí các vật liệu dư thừa vừa tạo ra giá trị truyền thông lớn cho tập đoàn ô tô đến từ Hàn Quốc.

Trong những năm gần đây, tái chế đã trở thành phương pháp được ưa chuộng trong thị trường may mặc thế giới. Theo khảo sát trên nhiều nền tảng mạng xã hội, có rất nhiều bạn trẻ ngày nay có ý thức bảo vệ môi trường. Nền tảng TikTok cũng xuất hiện rất nhiều video may quần áo từ vải thừa, linh kiện cũ hoặc tái chế đồ cũ.

Không đi “chệch” xu hướng, thương hiệu xe ô tô đình đám Hyundai cũng ủng hộ hoạt động này. Tập đoàn đã phối hợp với một trong những nhà thiết kế nổi tiếng nhất nước Mỹ, Jeremy Scott và tạo ra các bộ quần áo được làm từ bánh xe, dây an toàn, đèn hậu, cần gạt nước,...của ô tô hỏng. Mỗi phụ kiện thừa tưởng chừng như “rác thải” của các chiếc xe ô tô nay lại trở thành “vàng” và kiến tạo nên các bộ sưu tập thời trang bắt mắt và nổi tiếng thế giới.

Được biết, ngay sau khi rời vị trí giám đốc sáng tạo của thương hiệu Moschino, nhà thiết kế Jeremy Scott đã bay ngay tới Hàn Quốc để hợp tác cùng Hyundai Motor.

Phù phép rác thành "vàng", Hyundai dùng dây an toàn, cần gạt mưa... của xe ô tô cũ hỏng làm đồ thời trang đắt giá - Ảnh 2.

Theo các hình ảnh được đăng tải, các vật dụng như bánh xe bỏ đi có thể trở thành những chiếc nơ lớn để trang trí. Hay một vài cái gương chiếu hậu đã được chế tạo thành 1 chiếc váy “lấp lánh” hoàn chỉnh.

Phù phép rác thành "vàng", Hyundai dùng dây an toàn, cần gạt mưa... của xe ô tô cũ hỏng làm đồ thời trang đắt giá - Ảnh 3.

Đèn ô tô cũng có thể tạo thành một chiếc váy bắt mắt và lộng lẫy. Theo một số nhà phân tích, các bộ quần áo tái chế không chỉ giúp Hyundai thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường mà còn đem về giá trị truyền thông, thương mại lâu dài cho hãng xe ô tô.

Bộ sưu tập này là một phần thuộc dự án Re:Style của Hyundai. Dự án này hiện đã bước sang năm thứ tư với mục tiêu tạo ra một xu hướng thời trang thân thiện với môi trường. Thông thường, mỗi năm, Hyundai Motor sẽ kết hợp với các nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới nhằm biến rác thải ô tô thành các mặt hàng thời trang.

Vào năm 2019, dự án Re:Style lần đầu tiên ra mắt tại New York cùng với Maria Cornejo, người đã tạo ra các bộ quần áo từ da bọc ghế ô tô phế thải.

Sau đó là bộ sưu tập đến từ 6 nhà thiết kế hàng đầu được thực hiện tại trung tâm bách hóa Selfridges ở London vào năm 2020. Gần đây nhất, vào năm 2021, Hyundai đã hợp tác với L’Eclaireur ở Paris và Boontheshop ở Seoul.

Về dự án lần này, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc tiếp thị toàn cầu của Hyundai, Sungwon Jee cho biết: “Cùng với sự ra mắt toàn cầu của xe điện Kona Electric, tập đoàn Hyundai Motor Company đang nỗ lực hết sức để kết hợp giữa việc thúc đẩy điện khí hóa với sứ mệnh phát triển bền vững”. Đây được coi là một chiến lược truyền thông quảng cáo tốt của thương hiệu.

Nhìn chung, bộ sưu tập thời trang thuộc dự án Re: Style sử dụng các vật liệu còn sót lại từ quá trình sản xuất xe Electrify của Hyundai, chẳng hạn như “rác thừa” từ chiếc xe IONIQ 6 cùng các loại vải không còn dùng đến. Bộ sưu tập sẽ được trưng bày tại triển lãm Re:Style ở Seoul từ ngày 23/3 đến ngày 9/4.

Phù phép rác thành "vàng", Hyundai dùng dây an toàn, cần gạt mưa... của xe ô tô cũ hỏng làm đồ thời trang đắt giá - Ảnh 4.

Theo 1 số nguồn tin, số tiền thu được từ việc bán các mặt hàng thời trang tái chế không quá cao và nó sẽ được chuyển để tạo nguồn cung cho các dự án phát triển bền vững khác của Hyundai Motor và các đơn vị đối tác. Các bộ quần áo trong bộ sưu tập năm 2021 từng được để mức giá từ 80-180 USD.

Tập đoàn cũng từng công bố rằng giá trị thương hiệu toàn cầu 2022 của Hyundai do Interbrand ước tính đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,3 tỷ USD. Còn năm 2021 thì tăng 6,3% lên 15,2 tỷ USD. Dự án bền vững Re:Style đóng góp 1 phần nhỏ trong cuộc chiến cạnh tranh thương mại này.

Được thành lập vào năm 1967, Công ty ô tô Hyundai hiện có mặt tại hơn 200 quốc gia với khoảng 120.000 nhân viên. Dựa trên tầm nhìn thương hiệu là 'Progress for Humanity' (phát triển vì con người), Hyundai Motor đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành nhà cung cấp giải pháp di chuyển thông minh.

Đồng thời, để theo đuổi tương lai bền vững cho thế giới, Hyundai sẽ tiếp tục nỗ lực ra mắt các phương tiện xe điện không phát thải được trang bị pin nhiên liệu hydro và công nghệ EV hàng đầu trong ngành.

Tổng hợp

Theo Nhất Lưu

Cùng chuyên mục
XEM