Phụ nữ Hàn Quốc thách thức chuẩn mực: Từ một đất nước ám ảnh nét đẹp hoàn hảo đến tự tin phô bày nhan sắc tự nhiên
Sống tại 1 trong 10 thị trường làm đẹp lớn nhất toàn thế giới, phụ nữ Hàn Quốc đang từng bước phá bỏ những chuẩn mực bó buộc về cái đẹp, hay còn gọi là phong trào “escape the corset”.
Trong suốt hơn một thập kỉ kể từ khi Cha Ji-won mới 12 tuổi, cô gái trẻ đã liên tục sử dụng các loại mỹ phẩm nội địa và nhập ngoại để cải thiện nhan sắc theo đúng "chuẩn sắc đẹp" của Hàn Quốc. Ngồi trên ghế nhà trường, Cha dùng kem nền sáng da mỗi ngày, khéo léo luồn lách các nội quy của giáo viên để thỏa nỗi niềm cá nhân.
Lớn thêm chút nữa, vào thời kì mạng internet bùng nổ với những đoạn clip dạy trang điểm tràn lan trên Youtube, Cha - 20 tuổi - bỏ ra số tiền lên đến 100 nghìn Won (xấp xỉ 2 triệu đồng) để mua mỹ phẩm mỗi tháng. Và rồi, làn sóng nữ quyền bỗng đổ bộ vào Hàn Quốc; Cha Ji-won quyết định từ bỏ đống đồ trang điểm, những cây son đắt tiền và cả mái tóc tẩy vàng hoe của mình.
Hình ảnh của Cha Ji-won trước (trái) và sau (phải) khi phong trào nữ quyền nở rộ tại Hàn Quốc.
"Tôi cảm thấy như vừa được sinh ra lần nữa vậy!" - Cha chia sẻ. "Đời người thật quá ngắn, và không thể tin được là tôi đã từng dành hết mối bận tâm của mình vào việc trang điểm, lo ngại rằng bản thân sẽ không đủ xinh xắn trong mắt người khác. Nhưng giờ đây, thời gian của tôi sẽ được dành cho việc tập luyện thể thao và đọc sách."
"Escape the corset"
Cha Ji-won chỉ là một trong vô số các nữ nhi khác thuộc phong trào thoát khỏi nhan sắc phi thực tế đặc trưng của Hàn Quốc. Ngành công nghiệp mỹ phẩm trị giá 13 tỷ đô tại nước này đã sản sinh ra một loại chuẩn mực sắc đẹp đòi hỏi phụ nữ dậy sớm trước khi đi làm hàng tiếng đồng hồ để trang điểm, để rồi lại mất thêm... hàng tiếng nữa để thực hiện đủ 10 bước chăm sóc da mỗi tối.
"Tình trạng kỳ thị nữ giới đang ngày càng trở nên cực đoan ở Hàn Quốc, và ngành công nghiệp làm đẹp đã làm cho nó tồi tệ hơn." - Cha nói.
Chưa hết, sự xuất hiện tràn lan của những quảng cáo làm đẹp trên xe buýt, tàu điện ngầm và trên TV đã thúc đẩy ngành công nghiệp thẩm mỹ của nước này lên đến mức đỉnh điểm. “Kinh đô phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới” dự đoán khoảng 22% phụ nữ nước này thừa nhận việc đụng chạm dao kéo - nghĩa là với mỗi 4 nữ nhi bạn gặp trên đường phố Hàn Quốc, nhiều khả năng 1 người trong số đó đã từng nằm trên bàn phẫu thuật.
Quá mệt mỏi với những khâu chuẩn bị thừa thãi mỗi ngày hay những tiêu chuẩn sắc đẹp quá gò bó nói chung, phái yếu tại xứ sở kim chi bắt đầu hình thành nên một làn sóng nữ quyền mới: “escape the corset”. Họ đăng tải ngày một nhiều hơn những đoạn clip tự tay tiêu hủy hàng tá món đồ mỹ phẩm - những thứ được sản xuất với mục đích uốn nắn nhan sắc phụ nữ thành "chuẩn mực". Hành động này là một phần nhỏ trong phong trào bình đẳng giới đang lan rộng toàn đất nước, khi hàng loạt phụ nữ đồng thanh nói "Không" với những vấn đề nổi cộm của xã hội xứ kim chi như nạn quay lén, nạn quấy rối tình dục công cộng,...
Xóa đi lớp trang điểm
Để nói thêm về “escape the corset”, Bae Eun-jeong, 21 tuổi, được biết đến với biệt danh Lina Bae, là một YouTuber nổi tiếng chuyên hướng dẫn làm đẹp. Tuy nhiên, sau khi nghe về phong trào nữ quyền bùng nổ đầu năm nay, Bae đã quyết định thay đổi quan niệm của nhiều thiếu nữ trẻ, những người nói rằng chính việc trang điểm đã cho họ can đảm để đi học.
"Điều gì đó rất sai trái đang diễn ra." - Bae nói. “Tôi muốn làm một video mới để nói với họ rằng dù có không trang điểm cũng chẳng sao cả, miễn sao họ là chính mình.”
“Tôi muốn làm một video mới để nói với họ rằng dù có không trang điểm cũng chẳng sao cả, miễn sao họ là chính mình.”
Vào tháng 6, Bae đã tải lên một video trang điểm mất rất nhiều thời gian của bản thân , với nào là kem nền, bút kẻ mắt và lông mi giả. Một loạt các tin nhắn được mô phỏng giống như những tin nhắn mà cô đã nhận được trong quá khứ di chuyển bắt đầu đầy trên màn hình, đại loại như: "Này, cô đánh phấn mắt kiểu gì thế, chả đều gì cả!", hay "Nếu tôi xấu như cô, tôi đã tự sát lâu rồi!"
Liền sau đó, Bae xóa hết lớp trang điểm dày đặc, đồng thời nhìn thẳng vào máy quay: "Đừng quá quan tâm đến cách người khác 'nhìn' bạn. Dù là ai đi chăng nữa, bạn luôn đặc biệt và xinh đẹp theo cách riêng."
Đoạn clip đã xoáy sâu vào mục đích của phong trào, nhanh chóng nhận được hơn 5,5 triệu lượt xem; lượng theo dõi của Bae cũng tăng mạnh từ 20 nghìn lên đến 147 nghìn người chỉ sau thông điệp đầy ý nghĩa mà cô đưa ra. Thậm chí, một nhà xuất bản đã liên hệ với Bae về ý định viết sách. Giờ đây, cô cũng đã cắt tóc ngắn và ngừng trang điểm (tiết kiệm gần 500 đô la một tháng. Video của cô cũng chỉ tập trung vào nấu ăn và chia sẻ những ý tưởng mới lạ - đủ để hiểu sức hút của phong trào này đã lớn mạnh đến nhường nào.
Tạm kết
Mặc dù phong trào nữ quyền ở Hàn Quốc đang vấp phải không ít những trở ngại, nhưng nhận thức về nó cũng dần tăng lên. Chuỗi cửa hàng sách lớn nhất của Hàn Quốc, Kyobo, báo cáo doanh số bán sách nữ quyền tăng 19% vào tháng 11 năm ngoái so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, tuy vẫn không có thống kê nào cho thấy sự sụt giảm doanh số bán hàng mỹ phẩm, một lãnh đạo giấu tên của nhà bán lẻ mỹ phẩm hàng đầu của Hàn Quốc đã lo lắng về xu hướng mới này, dự định tập trung vào việc tăng doanh thu từ đối tượng khác: Nam giới. Trong khi đó, một nhân viên thuộc công ty trang điểm khác cho biết, các công ty mỹ phẩm sợ phải thừa nhận rằng phong trào này có thể ảnh hưởng đến họ.
Dù các công ty mỹ phẩm không thừa nhận, nhưng thực sự phong trào nữ quyền này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp tỷ đô của Hàn Quốc.
"Phong trào này không chỉ thay đổi nhận thức sắc đẹp của nữ giới tại Hàn Quốc, mà còn hướng đến việc thay đổi hình ảnh của họ trong mắt đàn ông, thay vì việc chịu chấp nhận ở 'chiếu dưới' như trước. Họ không nhất thiết phải ăn vận hay trang điểm cẩn thận để làm vừa lòng nam giới nữa, và điều này sẽ là bước tiền mới hướng đến sự bình đẳng của phụ nữ." - Lee Na-Young, giáo sư nghiên cứu phụ nữ học tại Đại học Chung-Ang, Seoul, cho biết.
Tổng hợp