'Phụ cấp cả tháng của 1 thứ trưởng không bằng tôi dạy thêm 1 buổi'
"Tôi nói thật phụ cấp cả tháng của 1 thứ trưởng không bằng tôi đi dạy thêm 1 buổi", GS.TS Phạm Hồng Thái nêu bất cập trong chế độ, chính sách thu hút nhân tài.
Tại hội thảo khoa học chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công do Bộ Nội vụ tổ chức hôm qua ở Hà Nội, GS.TS Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng với chế độ, chính sách như hiện nay, khó thu hút được nhân tài.
Lương khởi đầu 2,34 rất khó ươm mầm tài năng
Ông Thái nêu thực tế lương của giáo sư trước đây 6,1 sau điều chỉnh lên 6,2 cũng khó huy động được nhân tài. Cơ chế tuyển dụng như hiện nay thì "như anh Ngô Bảo Châu có về Việt Nam làm việc chưa chắc được làm chuyên viên”.
Theo GS Thái, cũng chính vì cơ chế bất cập mà thời gian qua, ở TP.HCM không ít giám đốc sở xin ra khỏi khu vực công.
Trong khi ở các nước, lương vụ trưởng, vụ phó khác một trời một vực so với người làm chuyên môn thì "tôi nói thật phụ cấp cả tháng của 1 thứ trưởng không bằng tôi đi dạy thêm 1 buổi".
"Một người lo bằng kho người làm, 1 nhà quản lý tốt dẫn dắt cả ngành, cả tỉnh khác ông làm chuyên môn thì chế độ cũng phải khác”, GS Phạm Hồng Thái lưu ý.
GS.TS Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội |
PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: "Để làm giảng viên trường Đảng nói thật là gia đình phải có điều kiện mới có thể nuôi được ước mơ, ươm mầm tài năng phát triển, chứ trông chờ vào lương khởi đầu 2,34 thì rất khó. Đấy là một thực tế cần nói thẳng".
Ông trông đợi Nghị quyết TƯ 7 về cải cách tiền lương sắp tới đây giao người đứng đầu có quyền sử dụng 10% nguồn chi lương dùng để thưởng thêm có thể thu hút nhân tài, trả lương cao cho chuyên gia.
Thạc sỹ Lê Thị Lệ, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) cũng nêu bất cập về cơ chế, chính sách đãi ngộ nhân tài. Nhiều đơn vị nghiên cứu gặp tình trạng hệ số lương, hệ số phụ cấp chức vụ không thỏa đáng.
Ví dụ như nghiên cứu viên cao cấp phải mười mấy năm kinh nghiệm, qua kỳ thi nâng ngạch mới được hưởng hệ số lương từ 6,2 - 8,0 tương ứng với mức lương 8,5 - 11 triệu, bằng nhân viên làm trong khu vực tư nhân có 5 năm kinh nghiệm.
"Còn chức danh nghiên cứu viên chính hệ số 4,4 - 6,78 nhưng phải có ít nhất 9 năm kinh nghiệm và qua kì thi nâng ngạch. Tức là mất 9 năm lương của họ mới được khoảng 6,5 triệu, bằng sinh viên ra trường đi làm tư nhân khoảng 2-3 năm", bà Lệ so sánh.
Bà cho rằng, mức lương trong khu vực nghiên cứu nhà nước hiện nay không thể cạnh tranh với bên ngoài. Còn phụ cấp thì các nghiên cứu viên không có khoản nào. Điều này tạo sự bất cập cho nhân tài ở các đơn vị nghiên cứu.
Trong khi đó, Singapore dành 4% ngân sách để thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài bằng các chính sách tài chính và phi tài chính. Tức là ngoài lương tháng, thưởng, họ còn quan tâm đến phúc lợi an sinh xã hội, môi trường làm việc, có cơ hội phấn đấu, được trao quyền và trách nhiệm, gắn với quyền lợi.
Mạnh dạn “chia tay” những nhân tài chưa đạt yêu cầu
Đại diện địa phương có nhiều chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết, tính đến nay, TP đã tiếp nhận và bố trí cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng |
Trong đó, tiến sĩ có 25 người; 283 thạc sĩ, bác sĩ nội trú và người có trình độ đại học là 961 người. TP đã bố trí tại các cơ quan hành chính 591 người. Trong đó, khối quận, huyện 76 người; khối phường, xã có 128 người. Ngoài ra còn có 678 người vào các đơn vị sự nghiệp.
"TP đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, thực hiện chính sách vượt trội như hỗ trợ hằng tháng, bố trí nhà ở... với tổng kinh phí thực hiện ước tính hơn 56 tỷ đồng. Nguồn nhân lực này còn được ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức", ông Đồng nói.
Hiện nay có 145 người được bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên (chiếm 11,42% tổng số đối tượng thu hút). Trong đó, lãnh đạo phường, xã có 16 người; lãnh đạo cấp phòng và tương đương 114 người; cấp TP 97; quận, huyện 17 người; 15 người giữ chức lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Thời gian tới, Đà Nẵng mở rộng hình thức, đối tượng thu hút như bổ sung chuyên gia có uy tín đến làm việc ngắn hạn.
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cũng có nhiều thay đổi như nâng cao mức hỗ trợ 1 lần và có phân nhóm theo đối tượng, theo từng trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo.
Cụ thể như, các trường hợp tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 201 - 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới thì được hỗ trợ 130 lần lương cơ sở (đối với trình độ đại học) hoặc 180 lần mức lương cơ sở (trình độ thạc sĩ) và 230 lần mức lương cơ sở (trình độ tiến sĩ).
Đối với một số vị trí công việc đặc thù khó thu hút thì ngoài khoản hỗ trợ nêu trên, TP sẽ hỗ trợ thêm kinh phí (không quá 200 lần mức lương cơ sở)...
TP cũng chú trọng làm tốt công tác sử dụng và “'giữ chân người tài”. Đồng thời bổ sung các quy định về việc định kỳ đánh giá hiệu quả công tác, đóng góp của đối tượng thu hút, từ đó có những chính sách đãi ngộ, động viên kịp thời và cũng sẽ mạnh dạn “chia tay” đối với những trường hợp có kết quả công tác chưa đạt yêu cầu.