Phỏng vấn ngân hàng và những bí mật không phải ai cũng biết
Sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng thường truyền tai nhau nhiều lời đồn đại thú vị khi đi phỏng vấn ngân hàng, từ việc ngân hàng chỉ tuyển những ứng viên cao trên 1m60 cho đến những kỹ năng giao tiếp đặc biệt của nghề này. Vậy những lời đồn đại này có phải là sự thật?
Ngành TCNH là một trong những ngành có môi trường làm việc chuyên nghiệp với mức lương trung bình khá cao. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ đã lập kế hoạch theo đuổi ngành này từ rất sớm. Khi nghe đồn về những yêu cầu khắt khe khi thi tuyển ngân hàng , nhiều sinh viên TCNH đã có những "pha xử lý" rất cồng kềnh nhưng cũng không kém phần hiệu quả.
Có những nữ sinh viên uống sữa, thuốc cải thiện chiều cao, hay tập make up, tập đi giày cao gót cho nhuần nhuyễn. Có nhiều bạn sinh viên xin đi thực tập từ năm nhất, năm hai. Sự chuẩn bị từ rất sớm đã thể hiện lòng yêu nghề và quyết tâm của họ khi theo đuổi nghề nghiệp đến cùng.
Với nhiều năm công tác trong ngành nhân sự ngân hàng, Thạc sĩ Vũ Việt Dũng (Chủ tịch KeyPerson, Cố vấn cấp cao Đại học Đại Nam) đã bật mí những câu chuyện không phải ai cũng biết xoay quanh hoạt động phỏng vấn ngân hàng, từ đó các ứng viên sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất trong tương lai.
Giao dịch viên là vị trí tương đối đặc thù của ngành ngân hàng. Họ là những người mà khách hàng gặp đầu tiên khi bước chân vào quầy giao dịch, cũng là những người đầu tiên giúp đỡ khách hàng xử lý vấn đề. Phải nói rằng đây là đội ngũ mang bộ mặt của toàn ngân hàng. Chính vì vậy, các ngân hàng thường tuyển dụng giao dịch viên với những yêu cầu về ngoại hình tương đối khắt khe.
Một trong những yêu cầu đó là chiều cao. Ứng viên vị trí Giao dịch viên phải có chiều cao tối thiểu là 1.58m. Ông Vũ Việt Dũng lí giải: "Ngoài lí do xây dựng một đội ngũ giao dịch viên với ngoại hình cân đối và tiêu chuẩn, các quầy giao dịch trong ngân hàng trước đây thường tương đối cao, nên các ngân hàng thường yêu cầu giao dịch viên phải có chiều cao như vậy để việc giao tiếp với khách hàng được thực hiện đảm bảo hơn."
Vậy các ứng viên sẽ phải đo chiều cao trong vòng phỏng vấn? Hay ngân hàng chỉ đơn giản là tin tưởng vào chiều cao cân nặng của ứng viên ghi trong CV? Thực tế, ngân hàng có cách đơn giản và chính xác hơn để bí mật đo chiều cao của ứng viên.
Tại cửa ra vào phòng phỏng vấn, họ sẽ đánh dấu các mốc chiều cao là 1m58, 1m60 và 1m65 và một số mốc khác. Khi ứng viên bước qua cửa, hội đồng tuyển dụng ngay lập tức có thể nhận ra rằng ứng viên có đủ tiêu chuẩn chiều cao hay không.
Bằng cách này, những ứng viên đi giày cao gót cũng có thể dễ dàng được đo một cách chính xác. Và chắc chắn những ứng viên nói dối rằng mình cao tối thiểu 1m58 sẽ bị phát hiện ngay.
Theo ông Vũ Việt Dũng, để kiểm tra kiến thức, thái độ và kỹ năng của ứng viên, ngân hàng cũng có nhiều cách thức phỏng vấn rất hiệu quả và thú vị.
Ông Dũng cho biết, trong các buổi phỏng vấn, hội đồng tuyển dụng sẽ có những thành viên sau tham gia và phân công phỏng vấn: cán bộ nhân sự, quản lý trực tiếp của vị trí cần tuyển dụng và quản lý trên một cấp của quản lý trực tiếp.
Cán bộ nhân sự sẽ tập trung hỏi về Thái độ của ứng viên, còn 2 cán bộ quản lý sẽ hỏi về Kiến thức và Kỹ năng. Hội đồng sẽ sử dụng những câu hỏi theo cả dạng đóng và dạng mở. Trong đó, các câu hỏi mở sẽ được sử dụng thường xuyên để ứng viên có thể trả lời được thoải mái, thông qua nhiều tình huống trong quá khứ hoặc giả định.
Một số câu hỏi điển hình và phổ biến được Hội đồng phỏng vấn tuyển dụng trong các cuộc phỏng vấn vị trí Chuyên viên khách hàng đó là: Em hãy bán cho anh chai nước/cái bút này? Nếu gặp khách hàng so sánh lãi suất, em sẽ giải quyết như thế nào?
Với vị trí Giao dịch viên - một vị trí thiên về giao tiếp, phục vụ khách hàng, ứng viên sẽ "va phải" những câu hỏi về xử lý tình huống: Nếu khách hàng cáu giận thì em sẽ làm gì? Đang phục vụ khách hàng mà có khách tới chen lấn thì em làm như thế nào? Nếu bị khách hàng trả thừa/thiếu tiền hoặc gặp tiền giả thì xử lý thế nào?...
Với những câu hỏi dạng này, nếu các ứng viên nếu không tự chuẩn bị kỹ càng hoặc không được đào tạo bởi các chuyên gia có kinh nghiệm thì rất có khả năng không thể vượt qua.
Ông Dũng cũng chia sẻ một bất ngờ nữa đó là không phải cán bộ quản lý (CBQL) nào trong ngân hàng cũng "biết" phỏng vấn ứng viên. Điều này đến từ việc các ngân hàng không tổ chức đào tạo kỹ năng này cho CBQLtrong quá trình làm việc tại ngân hàng.
Chính vì thế, CBQL đôi khi chỉ phỏng vấn theo thói quen và kinh nghiệm nên thường chỉ sử dụng các câu hỏi đóng khi phỏng vấn, do đó không khai thác được hết "tiềm năng" của ứng viên hoặc bị cảm tính khi đánh giá ứng viên.
Ví dụ họ có thể cho rằng ứng viên học những trường A, B, C không tốt bằng các trường X, Y, Z… Hoặc họ có thể không thích ứng viên đến từ một số địa phương, vùng miền nào đó; hay chỉ thích ứng viên đã từng hoạt động sinh viên sôi nổi, đi làm thêm…Những nhận xét, đánh giá cảm tính này có thể làm cho nhà tuyển dụng bỏ qua hoặc mất đi nhân viên tốt trong tương lai.
Do vậy CBQL cần phải được đào tạo về kỹ năng phỏng vấn, đọc trước CV ứng viên, liệt kê các câu hỏi cần thiết đặt ra với từng ứng viên theo vị trí mà họ dự tuyển theo yêu cầu của NH và đơn vị mình, như vậy buổi phỏng vấn mới có thể diễn ra hiệu quả.