Phòng chống virus Vũ Hán: BS Phạm Nguyên Quý chỉ ra hậu quả tệ hại khi hắt xì lấy bàn tay che mũi, miệng

27/01/2020 08:51 AM | Xã hội

Đây là nội dung cực kỳ quan trọng, liên quan tới lịch sự khi ho, hắt hơi mà nhân viên y tế phải hướng dẫn cho bệnh nhân có triệu chứng cúm.

Bệnh viêm phổi cấp tính do chủng virus mới thuộc họ Corona (nCoV) đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới những ngày vừa qua. Được cho là khởi phát từ Vũ Hán từ cuối tháng 12 năm 2019, bệnh truyền nhiễm này đã lan đi nhanh chóng ra nhiều thành phố khác, được ghi nhận đã xuất hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và cả Mỹ. Ngày 23 tháng 1 năm 2020 vừa qua, các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy cũng vừa báo cáo phát hiện 2 người Trung Quốc nhiễm virus này tại Việt Nam.

Sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm mới này làm người ta dễ liên tưởng đến đại dịch gây ra bởi 2 chủng coronavirus "đình đám" gần đây. Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (Severe Acute Respiratory Syndrome, SARS) năm 2003 đã làm 8098 người nhiễm bệnh, 774 người tử vong, trong khi hội chứng hô hấp Trung Đông (Middle East respiratory syndrome, MERS) năm 2012 đã làm 2494 người nhiễm bệnh, 858 người tử vong. Thiệt hại tài chính toàn cầu được ước tính lên tới vài chục tỉ USD.

Số ca mắc phải và tỷ lệ tử vong thực sự do virus mới này vẫn chưa được biết rõ, nhưng nhiều chuyên gia nói rằng những phương pháp hạn chế lây lan "kinh điển" vẫn là cách then chốt giúp chấm dứt dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các bước cần lưu ý để giảm nguy cơ mắc bệnh như Hình 1 bên dưới, cụ thể bao gồm:

TS. BS Phạm Nguyên Quý (BV Đại học Kyoto, Nhật Bản)

- Rửa tay với xà phòng và nước hoặc chà tay bằng chế phẩm chứa cồn

- Che mũi và miệng khi ho, hắt xì bằng khăn/giấy dùng 1 lần hoặc khuỷu tay gập lại

- Tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu/triệu chứng như cảm lạnh, cảm cúm

- Nấu chín kỹ thịt và trứng

- Không tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc gia cầm/gia súc sống mà không có phương tiện phòng hộ

Hình 1. Những phương cách giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus Corona.

Trong hướng dẫn này, nội dung số 2 là việc mà nhiều người có thể còn khó hiểu: "Che mũi và miệng khi ho, hắt xì bằng khăn/giấy dùng 1 lần hoặc khuỷu tay gập lại". Vì sao nên làm như vậy?

Hắt hơi và ho là hai triệu chứng rất hay gặp khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Đó là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp tống khứ "kẻ xâm lược" (trong trường hợp này là virus) ra ngoài. Tuy nhiên, ho và hắt hơi có thể làm virus phát tán xa rộng hơn, và chúng ta cần làm đúng cách để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan cho nhiều người khác.

Đây là nội dung cực kỳ quan trọng, liên quan tới lịch sự khi ho/hắt hơi mà nhân viên y tế phải hướng dẫn cho bệnh nhân có triệu chứng cúm. Thật vậy, một số nghiên cứu và thí nghiệm trực quan trên truyền hình (video clip bên dưới) đã cho thấy "hậu quả" rõ rệt của những cách hắt hơi khác nhau.

Hắt hơi không hề che chắn

Đây là cách làm… thô lỗ nhất. Hắt hơi không che tay sẽ làm "bắn mầm bệnh" tán loạn, xa 3-4 m sang nhiều chỗ khác, nơi virus có thể sống trong nhiều tuần cho đến khi nhiễm tiếp vào người khác.

Hắt hơi với tay che miệng

Mặc dù đây là cách phổ biến, tốt hơn "là không làm gì" để virus không bắn khắp nơi, một lượng mầm bệnh sẽ vẫn văng ra và có thể xa tới 1-1.2 m. Cách làm này còn tệ hơn nếu bạn không chà rửa tay sạch sẽ ngay sau đó; vì mầm bệnh trong tay bạn sẽ dính tiếp vào máy tính, điện thoại, tay nắm cửa,… hoặc dính trực tiếp lên người khác khi bắt tay.

Vì thế, nếu bạn dùng tay để chặn mầm bệnh, hãy nhớ rửa tay ngay, sạch sẽ bằng xà phòng; tốt hơn là cọ xát dưới vòi nước trong ít nhất 30 giây. Sử dụng chất khử trùng tay không thay thế cho việc rửa tay này.

Hắt hơi trong khăn giấy

Dùng khăn giấy "bắt virus" sau đó vứt đúng chỗ là cách tốt nhất để ngăn virus lây lan. Bạn cũng cần rửa tay sau đó để việc "đạt điểm 10" cho phép lịch sự giúp ngăn ngừa lây bệnh.

Hắt hơi với tay áo che miệng

Khi không có khăn giấy ngay bên cạnh, việc sử dụng tay áo (tay dài) của bạn là một cách tốt để "bắt virus". Như video bên dưới, khi hắt hơi với khuỷu tay gập lại, mầm bệnh ít văng xa (15-20cm) và rủi ro truyền nhiễm cũng sẽ nhỏ hơn. Mặc dù đây không phải là cách tốt nhất để ngăn vi trùng lây lan, các chuyên gia cho rằng nó tốt hơn là dùng tay vì bạn sẽ ít dùng phần tay áo này chạm vào các đồ vật hoặc người khác. Tuy nhiên, cần chắc chắn là bạn dùng phần lớn tay áo để che mũi và miệng (nếu không mầm bệnh vẫn bắn ra xa như thuờng!) và… thay áo đi giặt ngay khi có thể.

Hi vọng phần trình bày trên giúp bạn đọc hiểu thêm lý do mà WHO khuyến cáo về cách ho/hắt hơi giúp giảm nguy cơ lây bệnh (Hình 2).

 Phòng chống virus Vũ Hán: BS Phạm Nguyên Quý chỉ ra hậu quả tệ hại khi hắt xì lấy bàn tay che mũi, miệng  - Ảnh 1.

Hình 2. Cách ho và hắt xì "tốt": A.Dùng khăn giấy che miệng và mũi. B.Dùng mặt trong khủy tay khi mặc áo tay để dài che miệng và mũi

Tuy nhiên, từ "lời khuyên" tới thực tế là một khoảng cách lớn. Theo một khảo sát tại Mỹ năm 2014 trên 383 sinh viên, hầu hết có thói quen che miệng bằng tay (53.3%) hoặc không hề che gì (23.5%)! Tỉ lệ ho/hắt hơi như khuyến cáo là ít hơn 25%.

Dù thay đổi thói quen là một việc khó, nếu mỗi người trong chúng ta đều cố gắng tuân thủ các khuyến cáo nói trên, nhất là giữ lịch sự khi ho/hắt hơi, chúng ta sẽ tạo và giữ được phòng tuyến vững chắc trong cộng đồng, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và của do mầm bệnh mới.

Tài liệu tham khảo

1. https://www.cdc.gov/coronavirus/about/prevention.html

2. https://www.who.int/health-topics/coronavirus

3. de Wilde AH, Snijder EJ, Kikkert M, van Hemert MJ. Host factors in coronavirus replication. Curr Top Microbiol Immunol. 2018;419:1-42.

4. de Wit E, van Doremalen N, Falzarano D, Munster VJ. SARS and MERS: recent insights into emerging coronaviruses. Nat Rev Microbiol. 2016;14(8):523-534.

5. Song Z, Xu Y, Bao L, et al. From SARS to MERS, thrusting coronaviruses into the spotlight. Viruses. 2019;11(1):11.

6. Berry TD, Fournier AK. Examining university students' sneezing and coughing etiquette. Am J Infect Control. 2014 Dec;42(12):1317-8.

7. https://www.youtube.com/watch?v=3vw0hIs2LEg

8. https://www.mhlw.go.jp/stf/seisakunitsuite/bunya/0000187997.html?fbclid=IwAR3_3xhQPDrs8kFMGLCPbMG8hcRKOdB2r_SMG-7oX0eJag0RMb8hYEMLm8I

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.

Theo TS. BS Phạm Nguyên Quý (BV Đại học Kyoto, Nhật Bản)

Cùng chuyên mục
XEM