Phòng bệnh và trị bệnh cảm cúm đơn giản bằng gừng và mật ong: Bạn đã biết sử dụng đúng cách?

06/07/2017 15:01 PM | Sống

Sử dụng gừng và mật ong đúng cách sẽ đem lại hỗn hợp kháng sinh cực mạnh đánh bay cảm cúm. Nhưng điều ấy chỉ đúng khi bạn thực hiện đúng cách.

Gừng cũng là một vị thuốc rẻ tiền ngay trong nhà bạn nhưng có tác dụng kháng sinh bất ngờ. Gừng còn có tên gọi khác là sinh khương, can khương, bạch khương, hắc khương – tùy theo dạng khô hay tươi, màu trắng hay đen.

Tùy từng loại gừng sẽ có tính chất khác nhau một chút.

Gừng tươi có vị cay, tính ấm, thơm, gừng khô có vị cay, tính nóng, thơm hắc.

Kết hợp gừng với mật ong, chúng ta sẽ có một loại đồ uống kháng sinh mạnh, đặc biệt có tác dụng tích cực trong việc điều trị cảm cúm , giảm bớt khó chịu trong dạ dày, giúp khí huyết lưu thông và ngủ ngon hơn.

Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng đồ uống này để phòng và trị bệnh cảm cúm.

Sử dụng gừng và mật ong phòng và trị bệnh cảm cúm

Để làm một ly trà gừng đánh bay cảm cúm cũng như phòng ngừa căn bệnh này, bạn chỉ cần:

Nguyên liệu:

- Gừng tươi 1 nhánh.

- Nước 250-300 ml.

- Mật ong 1 thìa to.

Cách làm:

- Gừng tươi cạo sạch vỏ, thái lát mỏng hoặc đập dập.

- Cho gừng tươi vào cốc, đổ nước vừa đun sôi và để trong vòng 5-10 phút để gừng ngấm nước.

- Cho mật ong vào, hòa đều lên và thưởng thức.

Gừng và mật ong có thể phòng chữa bệnh cảm cúm.

Cách dùng:

Khi bạn thấy có dấu hiệu của cảm cúm, như hắt hơi, sổ mũi, hoặc rát họng bạn nên uống ngay hỗn hợp này 2 lần/ngày vào buổi sáng (sau khi ăn) và buổi tối sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ. Chỉ sau tầm 1-3 ngày, bạn sẽ hết cảm cúm.

Bạn có thể kết hợp uống hỗn hợp trên với ngậm hoặc súc miệng bằng nước muối thường xuyên trong ngày (mỗi ngày từ 3-4 lần).

Khi cảm thấy đỡ hoặc khỏi hẳn, bạn vẫn nên uống thêm trong 1-2 ngày nữa ( mỗi ngày một lần, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi ăn) để tăng cường sức để kháng, tránh bị cúm trở lại.

Nếu bạn uống 2-3 ngày không thấy đỡ thì cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị đúng.

Nếu bạn có dấu hiệu của hắt hơi, sổ mũi và rát họng nặng, hoặc ho, ngoài việc uống công thức trên bạn nên kết hợp ngậm hoặc súc miệng bằng nước muối thường xuyên.

Lưu ý

- Mỗi người sẽ có một vài dấu hiệu để nhận biết việc mình sắp bị cảm cúm (đau họng, hắt hơi, sổ mũi…) . Ngay khi có một trong các dấu hiệu này, bạn nên uống ngay công thức trên để có hiệu quả tốt nhất.

- Mật ong và gừng có thể cho nhiều hơn công thức trên tùy theo khẩu vị của mọi người nhưng không nên cho nhiều quá vì sẽ gây nóng trong người. Nếu bạn muốn uống nhiều hơn thì tỷ lệ gừng mật ong phải tăng lên cùng tỷ lệ nước.

- Không nên cho mật ong ngay sau khi đổ nước sôi vào, sẽ giảm tác dụng của mật ong.

- Bạn nên uống khi nước còn ấm, không nên để nguội hẳn rồi mới uống hoặc cho đá vào.

- Nếu bạn dị ứng với một trong hai thành phần trên thì không nên sử dụng cách này.

- Trong thời gian bị cảm cúm, bạn nên hạn chế ngủ bật điều hòa, hoặc phải để nhiệt độ vào khoảng 28-30 độ để tránh dễ bị nặng hơn.

Nếu bạn dị ứng với một trong hai thành phần trên thì không nên sử dụng cách này để chữa cảm cúm.

Chuyên gia khẳng định gừng và mật ong tạo ra hỗn hợp kháng sinh cực mạnh có tác dụng phòng và trị cảm cúm

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), gừng và mật ong là hai nguyên liệu trong danh sách những thực phẩm có tính kháng sinh mạnh nhất, có khả năng phòng ngừa và điều trị cảm cúm.

Cách chữa bệnh này nằm trong xu thế những cách chữa bệnh tự nhiên, không sử dụng kháng sinh, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh, kháng kháng sinh đang trở thành vấn nạn hiện nay.

Theo lương y Bùi Hồng Minh, mật ong chứa 60-70% là glucose, ngoài ra còn có sacharose, muối vô cơ, axit hữu cơ, men tiêu hóa, chất béo…

Mật ong vị ngọt, tính bình, vào 5 kinh: Tâm, tì, phế, vị, đại tràng. Lượng khuyến cáo mỗi ngày là 10-20g/ ngày. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào vùng nguyên liệu lấy mật ong, mật ong có phải là dạng nguyên chất hay không.

"Gừng tươi có thể chữa cảm mạo, phong hàn, ngạt mũi, nhức đầu, đau đầu, nôn mửa, kích thích tiêu hóa, đầy bụng, trướng bụng, giải độc từ cua cá, chim thú nếu có độc, các loại thịt (trừ thịt lợn vì gừng kỵ thịt lợn) khi ăn vào cơ thể.

Dùng 4-8 g sắc nước uống. Gừng khô chữa đau bụng do lạnh, chướng bụng đầy hơi, thổ tả, chân tay lạnh, ho có đờm…

Gừng đen (xao cháy gừng) chữa đau bụng lạnh, chân tay nhức mỏi, băng huyết", lương y Bùi Hồng Minh cho hay.

Một số người bị dị ứng với gừng hoặc mật ong cũng cần trình bày rõ với bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời, tránh mắc thêm bệnh vào người.

Về vấn đề mật ong và gừng có gây nóng không?

Theo lương y Bùi Hồng Minh, về bản chất, mật ong nguyên chất không nóng, có tính bình nhưng gừng có tính ấm, nóng. Khi uống đồ uống kết hợp 2 nguyên liệu này quá nhiều có thể gây nóng trong người.

Ngoài ra, bạn không nên pha mật ong với nước sôi vì có thể hủy hoại chất dinh dưỡng trong mật ong.

"Trong mật ong có rất nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Nếu cho nước sôi vào sẽ không giữ được hàm lượng dinh dưỡng vốn có", chuyên gia khẳng định.

Bạn cũng không nên cho 2 nguyên liệu này pha với nước lạnh, nước có đá vì đây không phải môi trường hoàn hảo để pha trộn 2 nguyên liệu này phát huy khả năng chữa bệnh.

Chưa hết, nước lạnh có thể làm tình trạng cảm cúm của bạn thêm tồi tệ hơn.

"Tuy nhiên, phụ nữ có thai nên thận trọng khi sử dụng gừng. Tốt nhất là nên thảm khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng hay không.

Một số người bị dị ứng với gừng hoặc mật ong cũng cần trình bày rõ với bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời, tránh mắc thêm bệnh vào người", lương y Bùi Hồng Minh khuyến cáo.

Theo Phương Trần - T. Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM