Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank: Doanh nghiệp SMEs nếu có phương án kinh doanh hiệu quả và báo cáo tài chính minh bạch sẽ vay được tiền

22/05/2020 06:52 AM | Kinh doanh

Để vay được tiền trong giai đoạn này, điều quan trọng đầu tiên là các doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh tốt, tiếp theo là đến báo cáo tài chính minh bạch, cuối cùng mới là tài sản thế chấp đảm bảo – tuy nhiên phần này, theo Sacombank không nhất thiết phải là nhà, mà có thể là hàng hóa, dòng tiền tốt…

Đã có rất nhiều phản ánh của các doanh nghiệp SMEs khắp cả nước về việc quá khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 250.000 tỷ của Chính phủ, nhất là vấn đề vay vốn từ Ngân hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính – Ngân hàng, thì thay vì kêu gào, các doanh chủ nên tỉnh táo xem thực chất vấn đề là như thế nào? Chính phủ nói là như thế nhưng Ngân hàng có thể làm được đến mức nào? Dù sao thì "biết người biết ta trăm trận trăm thắng"!

Các ngân hãng đã hạ lãi suất và sẵn sàng cơ cấu lại các khoản nợ đồng thời tiếp tục cho vay


Theo tìm hiểu, thực tế là: các Ngân hàng chỉ cho vay để làm ăn kinh doanh chứ không phải cho vay để trả lương hay trả mặt bằng. Tức là, Ngân hàng chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp nào năng động – có cơ hội tồn tại hay vươn lên, chứ không hỗ trợ những doanh nghiệp đang ngắc ngoải sắp chết hay chọn hình thức ‘ngủ đông’. Ngân hàng không giúp được các doanh nghiệp hồi phục, mà họ chỉ giúp cho ‘bệnh’ của doanh nghiệp bớt nặng và nhanh hồi phục hơn.

"Cũng như những doanh nghiệp khác, chúng tôi cũng cần khách hàng và lợi nhuận. Nếu nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp không khỏe thì chúng tôi cũng không khỏe. Các doanh nghiệp như là các ngôi nhà nằm bên cạnh bờ biển, chúng tôi nằm phía sau, khi bão mạnh đến, sau khi quét sạch các ngôi nhà ở phía trước sẽ đến những ngôi nhà phía sau.

Chưa bao giờ, tôi thấy Nhà nước lại có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt như bây giờ - ít nhất là về mặt tinh thần, thế nên doanh nghiệp Việt cần tận dụng điều đó. Dù thế, nếu các SMEs không có cách tiếp cận đúng thì không thể thành công vay tiền từ Ngân hàng", ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, chia sẻ trong hội thảo do HAWEE tổ chức.

Vì cũng là một doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước nhân viên – cổ đông, nên Ngân hàng không thể muốn gì làm đó mà phải kinh doanh có lãi, chuyện cho vay không lãi suất là chuyện không tưởng, cố gắng lắm như Sacombank bây giờ là hạ lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động. Hiện tại, Sacombank đang có gói vay "Siêu ưu đãi" áp dụng cho cả khách hàng cũ lẫn mới trong khoảng 3 tháng, với lãi suất từ khoảng 5% đến 6%.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank: Doanh nghiệp SMEs nếu có phương án kinh doanh hiệu quả và báo cáo tài chính minh bạch sẽ vay được tiền - Ảnh 1.

Ông Phan Đình Tuệ trong buổi Hội thảo online do HAWEE tổ chức với chủ đề Khơi thông dòng tài chính trước thách thức Covid.

Một ưu đãi nữa: trước đây, nếu doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ khi đáo hạn và Ngân hàng buộc phải cơ cấu lại khoản nợ thì doanh nghiệp không được tiếp tục cho vay hay nhìn thấy tình hình tài chính của doanh nghiệp không được khỏe mạnh, Ngân hàng có quyền từ chối; song với chỉ thị 01 từ Chính phủ, giờ Ngân hàng không được lạnh nhạt khi gặp những trường hợp như thế.

Về cơ cấu lại các khoản nợ: giờ các Ngân hàng không khó khăn về câu chuyện này như trước đây, chỉ cần các doanh nghiệp trung thực và có thiện chí hợp tác, thì Ngân hàng sẽ ngồi xuống cùng doanh nghiệp tháo gỡ các vấn đề. Vì như ông Tuệ kể, hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ví dụ như ngành du lịch. Tiêu biểu: ông Tuệ thấy có những khách sạn 4 đến 5 sao giờ vẫn chưa thể mở cửa, khi ông đi đến đó bàn về vấn đề hợp tác giữa cả hai, có khi phải sang khách sạn khác ở chứ không thể như trước đây, nên các Ngân hàng không thể không thông cảm.

Thời điểm hiện tại, nhu cầu vốn mới của các doanh nghiệp Việt vẫn chưa nhiều như trước Covid-19


Bên cạnh đó, ông cũng thú nhận là dù Sacombank của ông đã làm đủ mọi cách – từ hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất có thể cũng như miễn phí các loại phí khác trong suốt mùa dịch, song vẫn "đi tìm khách hàng khó quá!".

Năm 2019, dư nợ tín dụng của Sacombank tăng 9%, nhưng kể từ đầu năm 2020, chỉ tăng 3% và mắc kẹt ở mức đó đã trong một thời gian dài. Cụ thể: Sacombank có 150.000 khách hàng doanh nghiệp, trong đó có 100.000 khách hàng có quan hệ tín dụng. Kể từ đầu năm 2020, có khoảng 60% đến 70% khách hàng cũ và mới được Sacombank đáp ứng tiếp nhận hồ sơ cho vay, trong đó tỷ trọng khách hàng mới cũng khá lớn. Còn tăng trưởng 3% tức tương đương với việc Sacombank đã cho các doanh nghiệp vay khoảng 10.000 tỷ đồng.

Có 2 nguyên do chính khiến Sacombank nói riêng và các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam ‘rên rỉ’ không tìm được khách hàng trong suốt vài tháng qua: do tác động trực tiếp của Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp SMEs Việt Nam vẫn đang vật lộn để tồn tại hoặc thận trọng quan sát tình hình chứ không phải tìm cách để phát triển; do sức khỏe tài chính của doanh nghiệp Việt vốn khá yếu đuối.

Còn ở thời điểm hiện tại, nói chung là các doanh nghiệp đã quay lại sản xuất nhưng chưa so được với thời gian trước dịch, các doanh nghiệp vẫn chưa cần vốn đầu tư vào nhà máy hoặc mua hàng tồn kho, tức nhu cầu vốn mới chưa nhiều.

Những ưu tiên để được Ngân hàng chấp thuận cho vay vốn


"Trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp có thể thấy ‘cơ trong nguy’, cần vốn bổ sung kinh doanh như mở rộng thị trường/thay đổi ngành hàng, thì nên chia sẻ ý định của mình với các đối tác có thể thành cổ đông hoặc các tổ chức như các quỹ đầu tư. Ngân hàng cũng là một trong những nơi cung cấp tài chính mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc.

Nếu các SMEs Việt muốn vay được tiền từ Ngân hàng cần tập trung vào những ưu tiên sau: phải có phương án kinh doanh tốt, tiếp theo là đến báo cáo tài chính minh bạch, làm theo quy định của pháp luật và Ngân hàng nhà nước", Phó Giám đốc Sacombank đề nghị.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank: Doanh nghiệp SMEs nếu có phương án kinh doanh hiệu quả và báo cáo tài chính minh bạch sẽ vay được tiền - Ảnh 2.

Ông Tuệ chính là người phụ trách mảng khách hàng doanh nghiệp của Sacombank.

Về vấn đề phương án kinh doanh tốt: Hiện tại, không riêng gì Sacombank mà tất cả các Ngân hàng đều đánh giá rất cao những hồ sơ gửi đến có phương án sản xuất – kinh doanh hiệu quả.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn rất có kinh nghiệm trong việc lên kế hoạch cho vấn đề này, nhưng các doanh nghiệp SMEs vẫn chưa quen. Đây cũng là một trong những vấn đề chính khiến nhiều hồ sơ của các SMEs Việt bị Ngân hàng từ chối, do trình bày phương án kinh doanh – sản xuất không rõ ràng và hợp lý.

Ông Tuệ kể thêm: có doanh chủ đã gọi tới Sacombank và nói với giọng gay gắt ‘tại sao tôi có tài sản thế chấp là ngôi nhà mà không cho tôi vay, nếu như lớ tôi kinh doanh lỗ thì hãy tới siết nhà’. Thật ra, mục tiêu cao nhất của các Ngân hàng khi cho doanh nghiệp vay là muốn hỗ trợ họ phát triển tốt hơn, đồng thời thu hồi vốn và lãi suất bằng tiền mặt chứ chẳng ai muốn đi siết nhà.

Còn nếu doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh – sản xuất tốt, nhưng không biết lập kế hoạch hoặc trình bày sao cho dễ hiểu, hãy liên hệ với các nhân viên chuyên trách của Ngân hàng, họ có thể hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế kế hoạch.

Về vấn đề báo cáo tài chính minh bạch: đây cũng là một trong những vướng mắc lớn nhất của các hồ sơ vay vốn của SMEs Việt gửi tới Ngân hàng, ví dụ: rất nhiều khách hàng SMEs gửi hồ sơ đến Sacombank mà không có báo cáo kế toán.

"Trước đây, chúng tôi tôn trọng các báo cáo tự lập của các doanh nghiệp và nếu có thể sẽ chấp nhận nó. Nhưng bây giờ, theo chỉ chị của Ngân hàng nhà nước, chúng tôi chỉ có thể chấp nhận những báo cáo đã gửi các cơ quan chức năng, ví dụ như báo cáo tài chính cho sở thuế. Trong khi, tại Việt Nam, lắm lúc, báo cáo thuế lại không giống báo cáo nội bộ; buộc chúng tôi phải suy nghĩ lâu hơn.

Trong quá trình hợp tác, yêu cầu đầu tiên của chúng tôi với doanh nghiệp chính là sự trung thực, dù là khách hàng cũ hay mới. Ví dụ: các khách hàng cũ, nếu mình khó thì hãy nói khó, hãy trung thực để cả hai có cơ hội ngồi lại chung tay tháo gỡ vấn đề. Còn các khách hàng mới, hãy cởi mở và trung thực, đừng cung cấp các thông tin không chính xác. Nếu doanh chủ nào đó, nghe Ngân hàng gọi là đã run và không muốn bắt máy thì làm sao có thể tiếp tục hợp tác?!", lãnh đạo Sacombank trần tình.

Về vấn đề tài sản thế chấp: Sacombank luôn có cái nhìn khách quan về vấn đề này, nên tài sản thế chấp không nhất thiết phải là bất động sản mà có thể là hàng hóa hoặc các biện pháp đảm bảo bằng nguồn thu và dòng tiền. Tất nhiên, tất cả đều phải có giấy tờ đầy đủ và hợp pháp, là sở hữu của doanh nghiệp/doanh chủ. Hoặc, doanh nghiệp có thể chứng minh mình có đầu vào và đầu ra tốt. Đặc biệt nữa, nếu doanh nghiệp thường dùng công cụ thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng với dòng tiền ổn định; càng được Ngân hàng ưu ái.

Một lưu ý cuối cùng của ông Tuệ với các doanh nghiệp SMEs, là hãy chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bằng cách hỏi trước các nhân viên của Ngân hàng để không phải đi tới đi lui nhiều lần. "Trong thời buổi Covid-19 như thế này, nếu gặp được khách hàng tốt, chúng tôi sẽ có những ưu đãi lãi suất khác biệt mà có khi doanh nghiệp không ngờ tới", ông Tuệ ‘dụ dỗ’.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM