Phó thủ tướng Vương Đình Huệ 'gỡ khó' cho gói tín dụng nông nghiệp 100.000 tỷ

24/03/2017 17:41 PM | Kinh tế vĩ mô

Phó Thủ tướng tin tưởng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao không rủi ro lớn.

Chiều ngày 23/3, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi họp với các bộ, ngành bàn về việc triển khai Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ ngày 7/3/2017, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn từ 0,5- 1,5% so với lãi suất thị trường.

Gói tín dụng này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất ngay trong ngày làm việc đầu năm mới Đinh Dậu trước trăn trở cần chuyển từ nền ngông nghiệp cởi trói sang nền nông nghiệp kiến tạo. Để thực hiện được điều này cần có sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp, thay đổi chính sách hỗ trợ và có vốn để thực hiện.

Hồi giữa tháng 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 738 quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, danh mục CNC ứng dụng trong nông nghiệp.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, sau thời gian triển khai cho vay lĩnh vực NNCNC theo thông tư số 10/2015/TT-NHNN, ngành ngân hàng đang có dư nợ 3.700 tỷ đồng đối với 25 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp NNCNC.

Về phía lãnh đạo các Ngân hàng thương mại cũng cho biết số liệu cụ thể về cho vay trong lĩnh vực này như Agribank Lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng này đang triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này bằng nguồn huy động, hiện đã cho vay được 400 tỷ đồng cho 14 khách hàng với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường từ 0,5-1,5%.

Đây cũng là ngân hàng hiện chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng này hiện đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La).

Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank cũng cho biết vừa chủ động tìm kiếm và hoàn tất hợp đồng tín dụng 500 tỷ đồng cho dự án sản xuất trứng gà sạch trong tháng 2/2017.

Tuy nhiên để triển khai thành công gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệp công nghệ cao cần sự phối hợp từ nhiều phía và nhiều việc cần Chính phủ, các bộ, ngành phải thực hiện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gợi mở một số vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng như kỳ hạn nào thì cho vay lĩnh vực nào, khâu nào, tỷ lệ các kỳ hạn trong gói tín dụng được xác định ra sao? Vấn đề về hạn mức sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như thế nào? Xử lý phạm vi cho vay ra sao, cho vay theo chuỗi hay theo từng công đoạn sản xuất.

Về phía ngân hàng thương mại cũng đưa ra những vướng mắc khi cho vay nông nghiệp công nghệ cao như: Quy hoạch cây, con, ngành nghề của địa phương chưa rõ, còn manh mún; việc cấp giấy chứng nhận NNCNC chậm và ngân hàng phải tự mày mò các quy định liên quan; pháp luật chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp trong khi đây là tài sản có giá trị cao như nhà xưởng, nhà kính. Đại diện phía ngân hàng Vietcombank cho rằng lãi suất cho vay thấp nhưng rủi ro thì lớn.

Tuy nhiên phó Thủ tướng lại tin tưởng lĩnh vực này không rủi ro lớn. Để hỗ trợ ngân hàng, Bộ tài chính sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.

Để triển khai hiệu quả gói tín dụng này và tạo khuôn khổ thống nhất thì phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước ban hành quyết định của Thống đốc NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện gói tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng, xem xét loại trừ dư nợ cho vay trong lĩnh vực NNCNC, linh hoạt về quy định dự trữ bắt buộc để có thêm nguồn lực, mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo thế chấp bằng phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư hoặc cho vay tín chấp.

Ngoài ra NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm chi phí hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực này từ 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất, đẩy mạnh truyền thông quảng cáo để tiếp cận công khai, minh bạch tới các đối tượng vay.

PV

Cùng chuyên mục
XEM