Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Người Việt dùng Internet, mạng xã hội quá "dễ dãi"
Phó Thủ tướng dẫn chứng, chẳng hạn tại Đức, Chính phủ tuyên truyền phổ biến rất rõ ràng với người dân về rủi ro khi dùng mạng xã hội. Vì vậy, chỉ 37% dân số dùng mạng xã hội vì họ biết là dùng thì mất thông tin cá nhân. Ở Thái Lan, chính phủ có những biện pháp rất cương quyết để kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội.
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn, làm rõ một số vấn đề trước Quốc hội. Để làm rõ thêm một số vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lên trả lời phát biểu.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay trên thế giới có 7,5 tỉ người thì 42% số người là dùng mạng xã hội. Tại Việt Nam, trong 67% người dùng Internet thì 60% dùng mạng xã hội. Trong đó, thị trường gần như là của các công ty nước ngoài, chiếm khoảng 95%. Về công cụ tìm kiếm là 98% là Google. Thư điện tử là Yahoo, Gmail với 98% thị phần. Thương mại điện tử nước ngoài cũng chiếm 80%. Lĩnh vực chúng ta còn giữ được tỉ lệ tốt nhất là đó là game khi nắm được 60% thị phần.
"Bao trùm toàn bộ những lĩnh vực này đó là tiền quảng cáo. Thị trường quảng cáo trực tuyến thì Facebook, Youtube chiếm hết 80%. Doanh thu của 2 công ty này năm vừa rồi là 350 triệu USD tại Việt Nam", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Những con số này cho thấy chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn trước các doanh nghiệp đang xây dựng mạng xã hội xuyên biên giới thì mới có thể kiểm soát tốt được. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các quốc gia khác đều có chiến lược riêng cả. Trung Quốc thì rất đặc biệt khi tự làm hoàn toàn, còn nhiều các quốc gia khác cũng có chiến lược rất tốt. Như tại Nga, Facebook chỉ là mạng xã hội phổ biến thứ 5, Nhật Bản thứ 6, Hàn Quốc thứ 7.
"Các quốc gia này đều cố gắng tạo các nhà cung cấp khác để tránh độc quyền, song song với đó là dùng một số biện pháp kỹ thuật để chặn, lọc khi cần thiết. Tuy nhiên, quan trọng nhất là giáo dục", Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng dẫn chứng, chẳng hạn tại Đức, Chính phủ tuyên truyền phổ biến rất rõ ràng với người dân về rủi ro khi dùng mạng xã hội. Vì vậy, chỉ 37% dân số dùng mạng xã hội vì họ biết là dùng thì mất thông tin cá nhân. Ở Thái Lan, chính phủ có những biện pháp rất cương quyết để kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội.
Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài khi khảo sát người dùng tại Việt Nam đưa ra một đánh giá chung đó là "dễ dãi". Hầu hết mọi người khi được hỏi đều không nhận thức được nguy cơ, tác hại của việc bị đánh cắp thông tin trên môi trường Internet, mạng xã hội.
Về ứng dụng thông tin thì Việt Nam xếp hạng 80 thế giới. Đó là mức trung bình. Tuy nhiên, an toàn thông tin thì chúng ta xếp ở vị trí hơn 100, nghĩa là dưới trung bình. Số liệu cho thấy ý thức an toàn thông tin của người dân thì người Việt trong nhóm yếu nhất.
Năm 2016, Việt Nam có đến 71% các thiết bị lây nhiễm mã độc. Đây là con số khá cao so với các nước. Khi các tổ chức quốc tế khảo sát, trong khi người dân các nước 60% nhận thức được nguy cơ lây nhiễm mã độc thì chỉ 11% người dân nhận thức được sự nguy hiểm. Hiện nay chúng ta có 61% máy tính nhiễm mã độc. Đây là con số cao gấp nhiều lần so với trung bình của thế giới
"Chúng ta không thể không ứng dụng CNTT. Nhưng không thể đảm bảo an ninh thông tin thì nguy hại vô cùng", Bộ trưởng đánh giá.