Phó thủ tướng: Dư địa cho tái cơ cấu rất hạn hẹp
Phó thủ tướng nêu hàng loạt rào cản có thể ảnh hướng đến tiến độ của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế...
"Nhiệm vụ nhiều nhưng dư địa thực hiện lại rất hạn hẹp khi nợ công từ đầu nhiệm kỳ là 64,8%, sát trần nợ công Quốc hội cho phép, tỷ lệ trả nợ công trên thu ngân sách là 27,3% trong khi giới hạn là 25%, nợ xấu ngân hàng thì cao, năng lực tổ chức tín dụng yếu kém, không còn dư địa cho đầu tư pháp triển. Vừa rồi, tăng trưởng của cả nước chủ yếu đến từ việc khai thác các tiềm năng sẵn có chứ không có thêm từ ngân sách, tín dụng".
Phát biểu trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ngày 2/8. Ông cũng nhấn mạnh, "Đây là 3 đặc điểm, tình hình phải làm kỹ thì mới có tiền đề đánh giá được thực trạng, hiệu quả, tồn tại của cơ cấu lại nền kinh tế".
Phải nhận định đúng bản chất tình hình
Theo Phó thủ tướng: "Bây giờ chúng ta không phải đánh giá đường đi đúng hay sai vì chủ trương, đường lối phát triển đất nước đã có hết rồi. Nghị quyết cao nhất của Đảng đã nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên số một, cơ cấu gì chăng nữa thì phải bảo đảm điều này. Giờ đánh giá xem việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cho những năm tới, có cần điều chỉnh giải pháp gì không trên cơ sở Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước"?
Ông cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm rõ hơn đặc điểm tình hình của nền kinh tế, bối cảnh thế giới để thấy được các thành tựu và cả những tồn tại, khó khăn.
Cụ thể, Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh thế giới biến động rất khó lường về địa chính trị, thương mại và càng ngày càng trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, Nhà nước đang làm nhiệm vụ "kép" trong phát triển kinh tế. Một mặt, phải tạo mô hình tăng trưởng mới, động lực mới nhưng mặt khác phải giải quyết các tích tụ yếu kém của rất nhiều năm trước.
"Giải quyết tích tụ yếu kém của nền kinh tế thực chất là cắt giảm các năng lực đã chết lâm sàng, ví dụ như 12 dự án yếu kém, các ngân hàng yếu kém", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói, đồng thời cho rằng không thể mang nhận định của nhiều năm trước đó để đánh giá, nhìn nhận kết quả phát triển kinh tế - xã hội của 3 năm qua.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan rà soát lại các số liệu kinh tế để nhận định đúng bản chất tình hình. Đơn cử về số liệu đầu tư nước ngoài (FDI), Phó thủ tướng thừa nhận khối này đóng góp vào 20% GDP và 70% giá trị xuất nhập khẩu của cả nước nhưng cần làm rõ trong đó có sự đóng góp của từng doanh nghiệp trong nước.
"Hãng sản xuất đồ thể thao Nike đã đạt tỉ lệ 90% nội địa hóa rồi, Samsung là 57%, trong đó cũng có cả các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ nhưng cũng đều là giá trị quốc gia. Do vậy, ta không nên đánh giá chung chung là nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào FDI, phải làm rõ và đánh giá thỏa đáng số liệu này", Phó thủ tướng nói.
Không chỉ vậy, theo ông Vương Đình Huệ, nhiều ý kiến đánh giá không đúng về hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước đang sụt giảm. Hiện nay, theo Nghị quyết của Trung ương, doanh nghiệp có 51% vốn của Nhà nước trở lên là doanh nghiệp nhà nước nhưng theo quy định về thu chi ngân sách và tỉ suất lợi nhuận tính toán thì doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước mới tính là doanh nghiệp nhà nước. Khối doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ vốn từ 51% đến dưới 100% được tính sang khối tư nhân.
"Dự án BT chỉ làm cho đô thị phát triển méo mó"
Về vấn đề nợ công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ Tài chính cung cấp đầy đủ số liệu, các kết quả tích cực của việc cơ cấu lại các khoản vay, thời hạn vay để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.
Theo báo cáo của Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nợ công của Việt Nam hiện nay là 58% - giảm nhiều so với số liệu sát trần 65% hồi cuối năm 2015.
Về năng suất lao động, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với ý kiến của nhiều bộ, ngành là thấp nhưng phải đánh giá được tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam nhanh nhất trong khu vực những năm qua.
Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của nền kinh tế có suy giảm nhưng Tổng cục Thống kê cũng đã có lý giải rõ ràng. Ví dụ: Giá trị của ngành nông nghiệp trước đây phụ thuộc vào cây ngắn ngày, bây giờ chuyển sang phát triển cây dài ngày, cần đầu tư lớn nên chênh lệch lãi biên nhỏ hơn. Hay trong lĩnh vực thủy hải sản thì ta chuyển sang tập trung nuôi trồng cần chi phí lớn, giảm hình thức đánh bắt. Do vậy, khi qua giai đoạn đầu tư ban đầu thì giá trị gia tăng của nền kinh tế sẽ tăng lên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các bộ, ngành rà soát kỹ hơn về nội hàm tăng trương bao trùm và bền vững, các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nhất là các chỉ tiêu chất lượng và môi trường…
Về giải pháp cho cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, hoàn thiện khung khổ pháp lý, trong đó, Bộ Tài chính nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh trnah quốc gia theo các Nghị quyết số 19 và 35 của Chính phủ.
Về động lực phát triển cho những năm tới, Phó thủ tướng cho rằng báo cáo phải đề cập tới phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng chiến lược, chính sách phát triển đô thị với các "đầu tàu" kinh tế; tăng cường thể chế về liên kết vùng; bổ sung chỉ số khung đánh giá kinh tế-xã hội nhất là các chỉ số đánh giá chất lượng tăng trưởng…
Nói thêm về việc Việt Nam cần có chiến lược, chính sách phát triển các đô thị, Phó Thủ tướng nêu thực trạng đô thị Việt Nam chưa gắn với phát triển công nghiệp mà chỉ theo quy hoạch dân cư. Do vậy, việc áp dụng hình thức đầu tư BT (Xây dựng-Chuyển giao) hiện nay chỉ làm cho đô thị phát triển méo mó, tạo ra xung đột lớn giữa người dân và chủ đầu tư trong thu hồi đất.
Tại các quốc gia phát triển, 70% việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế là từ đô thị. Tại Việt Nam, một số địa phương đã bắt đầu phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp hay trung tâm sáng tạo như Becamex Bình Dương, Tp.HCM…
"Xây dựng nông thôn mới để chúng ta phát triển bền vững, nhưng để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa thì cần phải phát triển đô thị", Phó thủ tướng nói.