Câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp, bài học từ khát vọng, cạm bẫy và cách thức vượt qua

23/01/2015 09:01 AM |

Tham vọng muốn nhanh chóng phát triển lớn mạnh không tính đến năng lực hiện có, không đủ khả năng quản lý rủi ro trước biến động thi trường có thể dẫn đến những cạm bẫy phá hủy doanh nghiệp.

Cho dù trong hoàn cảnh nào, trong máu của doanh nhân luôn có khát vọng cũng có thể gọi là tham vọng trong kinh doanh. Khát vọng đó là động lực từ khi doanh nhân khởi nghiệp, mở rộng kinh doanh kể cả khi doanh nghiệp đã trở thành những đế chế lớn. Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó. Tham vọng muốn nhanh chóng phát triển lớn mạnh không tính đến năng lực hiện có, không đủ khả năng quản lý rủi ro trước biến động thi trường có thể dẫn đến những cạm bẫy phá hủy doanh nghiệp.

Thông thường, câu chuyện chỉ được biết vào phần cuối với cái kết không như mong muốn. Nếu chỉ nhìn vào kết quả chúng ta sẽ không hiểu hết được vấn đề và không có được bài học cần thiết.

Các kiểu cạm bẫy

Trong các năm 2010 đến 2013, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các sai lầm trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đã được bộc lộ rõ ràng nhất. Sai lầm xuất hiện nhiều nhất và dễ thấy nhất là phong trào đầu tư ngoài ngành và chạy theo tăng trưởng nóng quá khả năng tài chính của doanh nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp mở rộng sang các ngành tăng trưởng nóng, lợi nhuận hấp dẫn như đầu tư tài chính và bất động sản. Các tổng công ty tập đoàn nhà nước đua nhau lập công ty kinh doanh đa ngành nghề như Vinashin, Tập đoàn điện lực…Ngay cả các công ty tư nhân cũng không tránh khỏi sức hút này như Tập đoàn Mai Linh, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc…

Tuy nhiên, cũng có những cạm bẫy khó nhận ra ngay cả đối với chính doanh nghiệp. Đó là đầu cơ nguyên vật liệu, thiết bị hoặc sản phẩm của ngành kinh doanh chính. Khó nhận ra vì đó có thể là hoạt động bình thường của doanh nghiệp, luôn phải dự trữ gối đầu nguyên liệu cho sản xuất, dự trữ hàng hóa để bán ra thị trường. Việc tích trữ là bình thường cho tới khi khối lượng hàng hóa không chỉ phục vụ hoạt động bình thường mà chuyển thành hoạt động đầu cơ. Khi đó rủi ro sẽ phát sinh, có thể công ty sẽ thu được khoản lợi nhuận rất lớn nếu thị trường thuận lợi, nhưng nếu thị trường diễn biến không như  kỳ vọng thì đó sẽ là thảm họa. Nguồn vốn lưu động của Công ty bị đóng băng vào hàng tồn kho trong khi không thể vay thêm vốn ngân hàng trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, khiến hoạt động kinh doanh chính bị ngưng trệ. Càng tồi tệ hơn trong giai đoạn mà lãi vay ngân hàng bị đẩy lên rất cao từ 15-20% như trong các năm 2011 và 2012 .

Có thể kể đến trường hợp điển hình là công ty Gỗ Trường Thành (TTF). Khi thấy nhu cầu hàng xuất khẩu gỗ Teak lên cao trong liên tục nhiều năm kinh doanh, giá gỗ Teak luôn tăng hằng năm từ 15-20% trong suốt 1 thập kỷ trong khi đó lãi vay ngân hàng tại thời điểm đó chỉ 9-10% như hiện nay, công ty TTF đã mua dự trữ lượng lớn gỗ Teak để dự trữ nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, diễn biến thị trường không như dự kiến, nhu cầu thị trường giảm sút trầm trọng và không có đủ đơn hàng sản xuất hàng gỗ Teak. Tác động kép đến khi lãi suất ngân hàng tăng lên rất cao ăn mòn vào lợi nhuận và vốn của Công ty. Công ty không có đủ vốn lưu động cho sản xuất và do đó không thể nhận thêm đơn hàng mới. Để có vốn sản xuất cho các đơn hàng mới công ty phải thế chấp toàn bộ các lô hàng này cho ngân hàng để vay vốn cho các đơn hàng mới với lãi suất cao và từ đó hoạt động không hiệu quả và lâm vào tình trạng thiếu hụt vốn lưu động liên tục.

Tiếp tục tiến bước

Nhận diện được vấn đề sẽ tìm ra lời giải thích thích đáng. Các doanh nghiệp có bản lĩnh, có sự giúp đỡ thiện chí từ các bên liên quan vẫn có thể tái cơ cấu và quay lại quỹ đạo phát triển trước đây.

Nhà nước chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn ngoài ngành, quay trở về kinh doanh cốt lõi. Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình đã ổn định. KBC đã từ bỏ ngân hàng và tập trung lại vào hoạt động kinh doanh chính, thu hút các dự án lớn vào khu công nghiệp và có lợi nhuận tăng trong các quý gần đây.

Với Gỗ Trường Thành, việc tái cơ cấu không chỉ dựa vào mình doanh nghiệp. TTF đã cùng công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng thuộc Bộ Tài Chính (DATC) mua nợ và tái cơ cấu lại 543 tỷ đồng nợ của TTF tại Vietcombank. Cuối năm 2014 công đã phát hành 26,5 triệu cổ phần, số tiền thu được dùng để trả nợ phần lớn cho khoản nợ này và số nợ còn lại đang được cơ cấu thành nợ trung dài hạn. Đối với khoản nợ này công ty được miễn một khoản lãi vay lớn khoản 107 tỷ đồng đã giúp công ty trút bỏ được gánh nặng lớn. Hiện tại, TTF giảm được một phần gánh nặng chi phí lãi vay và áp lực trả nợ gốc. Hiệu quả được phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của công ty, doanh thu và lợi nhuận 3 quý 2014 của TTF có bước nhảy vọt khi hoạt động sản xuất kinh doanh và đơn hàng tăng trưởng trở lại. Tháng 12 vừa qua DATC cũng đã công bố mua nợ thành công khoản nợ của TTF tại ngân hàng Quân Đội (MB) với giá trị nợ gốc 354 tỷ đồng. Hiện DATC đang tiếp tục cơ cấu khoản nợ này cho TTF.

Công ty vẫn đang tiếp tục tiến hành đàm phán với các chủ nợ khác và đối tác về việc chuyển đổi các khoản nợ hiện tại của Công ty thành vốn góp.

Triển vọng tái cơ cấu của TTF là khả quan khi vị thế ngành của TFF rất tốt, triển vọng ngành gỗ xuất khẩu sáng sủa và năng lực sản xuất của TFF vẫn còn nguyên vẹn. Dự kiến lợi nhuận sau thuế 2014 sẽ đạt tăng mạnh sau khi lỗ năm 2013. Theo dự báo của chúng tôi, quá trình tái cơ cấu TTF đang diễn ra quyết liệt và nếu thành công sớm, quý IV /2014, TTF có khả năng lãi rất tốt.

Cùng với việc cơ cấu nợ, công ty cũng đã chủ động tăng vốn chủ sở hữu công ty một cách mạnh mẽ trong năm 2014 nhằm giảm sự phụ thuộc sử dụng vốn của các ngân hàng và cân đối lại tỷ trọng nợ và vốn chủ. Nếu trong năm 2013 TTF có dư nợ vay là 1900 tỷ và vốn chủ sở hữu là 850 tỷ với tỷ lệ Nợ vay/vốn chủ là 2,2 lần thì đến cuối 2014 thì dư nợ còn 1700 tỷ và vốn chủ là 1.250 tỷ (Vố điều lệ 1.000 tỷ) với tỷ lê nợ vay/vốn chủ chỉ còn 1,3 lần. Với con số này giúp tình hình tài chính của công ty được an toàn hơn.

Kết quả của quá trình tái cơ cấu của TTF cũng được nhà đầu tư đánh giá cao, phản ánh qua biến động giá cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Giá TTF có lúc chỉ còn nửa mệnh giá (5.000 đồng/cp) đã tăng lên trên mệnh giá với thanh khoản khá cao khối lượng khớp lệnh hơn triệu đơn vị/phiên.

Hành trình kinh doanh là hành trình gian nan, vất vả và có những lúc nguy khốn. Đứng trước các tình huống khó khăn,  Doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan quản lý, nhà đầu tư cần chọn cách ứng xử tích cực và phù hợp. Doanh nghiệp cần chủ động trong việc tái cơ cấu hoạt động công ty, tập trung ngành nghề kinh doanh chính mà mình có lợi thế nhằm tháo bỏ các khó khăn. Ngân hàng cần tiếp tục hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn thu và có thể trả nợ ngân hàng. Cơ quan quản lý cần thấu hiểu thị trường, có các biện pháp, chính sách điều tiết hợp lý nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đối với các nhà đầu tư cần tỉnh táo để có thể tìm thấy cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp khó khăn nhưng có cơ hội phục hồi.

>> [Sách hay] Bí mật tái cấu trúc và mô hình kinh doanh

Theo Thành Công

Cùng chuyên mục
XEM