Phó TGĐ Viettel Telecom chia sẻ chuyện “nếp nhà” thời 4.0
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Viettel Telecom, Bí thư Đảng uỷ, Phó TGĐ Viettel Telecom Nguyễn Quang Lập đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về văn hóa Viettel Telecom cũng như việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ viễn thông cho đến nay.
Ngay từ khi mới thành lập, cùng với việc phổ cập dịch vụ viễn thông cho mọi người dân, Viettel Telecom luôn khẳng định triết lý của mình là kinh doanh luôn đi song hành với trách nhiệm xã hội. Sau 20 năm, triết lý này có gì thay đổi?
Triết lý kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội Viettel – công ty mẹ của Viettel Telecom, là luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, đó là cái gốc. Viettel nói chung, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả đi đầu tư nước ngoài thì triết lý đó vẫn được thực hiện.
Các chương trình như Internet trường học, chương trình mổ tim cho trẻ em (Trái tim cho em)… Viettel vẫn luôn làm xuyên suốt từ ngày đầu ra đời đến bây giờ. Quan điểm của lãnh đạo Tập đoàn Viettel luôn rõ ràng: kinh doanh phải gắn liền với trách nhiệm xã hội, xã hội phát triển sẽ lại giúp cho Viettel phát triển.
Ngày trước, Viettel đầu tư viễn thông cho những vùng rất nghèo, không nhà mạng nào muốn đầu tư, để phổ cập dịch vụ di động, cũng có nhiều người hỏi là cái lợi ở đâu. Người Viettel khi làm điều đó nghĩ rằng: mình đầu tư cho người nghèo, họ sẽ không nghèo mãi; khi họ sẽ khá lên thì nhiều khả năng họ sẽ sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình vì họ yêu quý mình. Và như vậy Viettel mới có thể phát triển bền vững.
Là một thành viên của Viettel, cá nhân tôi hiểu rằng, việc xây dựng xã hội không phải của chỉ một doanh nghiệp, hay một người. Việc làm cho xã hội tốt đẹp, văn minh hơn không chỉ của Đảng, Nhà nước mà phải có sự chung tay của toàn dân và những điều Viettel làm đơn giản là chung tay để cùng xây dựng.
Còn bạn hỏi về thay đổi thì chúng tôi không thay đổi về triết lý, chỉ có cách làm sẽ khác hơn trước. Viettel là một doanh nghiệp có lợi thế về xây dựng nền tảng công nghệ nên vào thời kỳ cách mạng 4.0, chúng tôi sử dụng sức mạnh nền tảng của mình để giúp nhiều người, doanh nghiệp, tổ chức khác cùng tham gia các hoạt động trách nhiệm xã hội với mình.
Trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Viettel Telecom, công ty có hoạt động nào đặc biệt để chào mừng đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng?
Dịp kỷ niệm lần này chúng tôi có giải chạy Viettel Fastest 2020 - giải chạy Việt dã 1 cự ly (10km) đầu tiên tại Việt Nam. Toàn bộ doanh thu từ bán vé giải chạy này được quyên góp cho chương trình "Trái tim cho em" (chương trình do Viettel và Quỹ Tấm lòng Việt của VTV phối hợp thực hiện). Giải chạy này thu hút được nhiều vận động viên nổi tiếng, trong đó có cả vận động viên đoạt Huy chương Đồng Seagames tham gia ở nhóm chuyên nghiệp… Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức giải chạy này thường niên.
Đây cũng là giải chạy đầu tiên ở Việt Nam áp dụng nhiều công nghệ trong khâu tổ chức như: công nghệ check-in xác thực khuôn mặt, waiver (giấy miễn trừ trách nhiệm) điện tử, mã QR Code để nhận hoặc ủy thác nhận hộ Race-kit dễ dàng… Đặc biệt, ảnh thi đấu của các vận động viên sẽ được hiển thị toàn bộ sau 24h trên hệ thống của Ban Tổ chức, cho phép tìm kiếm ảnh của từng người theo số BIB.
Nội bộ Viettel Telecom cũng tổ chức giải chạy online, thi đua giữa các chi nhánh trên toàn quốc theo phương thức cộng dồn thành tích và thu hút lượng rất lớn cán bộ công nhân viên.
Qua giải chạy này, chúng tôi thấy rằng, ngoài việc cải thiện sức khoẻ và đóng góp cho Quỹ mổ tim từ thiện, hiệu ứng lan toả tích cực từ Viettel Fastest 2020 là rất lớn. Hàng nghìn vận động viên tham gia trong đó có nhiều cán bộ công nhân viên Viettel khi tham gia đều rất hào hứng quảng bá cho giải chạy, cho chương trình Trái tim cho em trên facebook cá nhân của mình. Khi việc tốt được lan toả mạnh mẽ, tác động của nó sẽ được nhân lên.
Viettel Telecom đã trải qua 20 năm thành lập và phát triển với nhiều lần thay đổi lớn. Nhìn lại quá trình thay đổi đó, anh thấy điều gì đã giữ cho Viettel Telecom luôn giữ vững được ngọn lửa đổi mới và không ngừng phát triển?
Thứ nhất, Viettel Telecom là một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), nên đường đi của Viettel Telecom được lãnh đạo tập đoàn định hướng. Lãnh đạo Tập đoàn giúp định hướng đúng chiến lược, chọn đúng công nghệ và luôn yêu cầu Viettel Telecom phải tiên phong về công nghệ.
Ví dụ khi khai trương 4G, trong khi các nhà mạng khác chỉ triển khai ở một số thành phố thì Viettel Telecom chọn cách tràn ngập toàn lãnh thổ ngay khi mới cung cấp dịch vụ. Hay trong giai đoạn hiện nay, khi dịch vụ viễn thông đã bão hòa, Tập đoàn định hướng cho Viettel Telecom chuyển từ doanh nghiệp viễn thông truyền thống thành doanh nghiệp viễn thông số. Toàn bộ sản phẩm, dịch vụ của Viettel Telecom có thể được bán, được chăm sóc… trên môi trường số.
Thứ hai, Viettel Telecom cũng đi lên từ khó khăn, lại có truyền thống quân đội nên người Viettel có tinh thần vượt khó, kỷ luật cao. Các doanh nghiệp khác muốn điều hành 63 tỉnh ngay lập tức là khó hơn Viettel nhiều.
Viettel thì chỉ cần hôm nay nói là ngày mai anh em ra đường xung phong bán hàng, lắp trạm. Một cán bộ tỉnh này có thể điều sang tỉnh khác rất nhanh nhờ tinh thần sẵn sàng làm nhiệm vụ, sẵn sàng vượt khó, chấp nhận gian khó. Viettel Telecom cung cấp nhân sự cho cả 10 thị trường ở nước ngoài, sau 3-5 năm công tác họ lại trở về.
Những điều đó thực sự các doanh nghiệp khác khó làm được. Điểm mạnh của Viettel Telecom có thể nói là tính kỷ luật cao và tinh thần nhiệt huyết của cán bộ công nhân viên.
Văn hoá Viettel từ ngày đầu đã được gìn giữ và phát triển ở Viettel Telecom như thế nào?
Văn hóa của doanh nghiệp được xây dựng bởi nhiều lớp thế hệ kế tiếp nhau và văn hóa cũng không phải là bất biến. Ngày đầu Viettel mới ra đời, văn hóa bắt đầu với tinh thần của người lính. Các thế hệ đầu đã xây dựng nên 8 giá trị cốt lõi của Viettel, truyền thống và cách làm của Viettel, bộ gen của Viettel, thậm chí có cả bộ quy tắc ứng xử của Viettel.
Từ đó, văn hóa bắt đầu được đúc kết, sau đó được truyền từ thế hệ này sang các thế hệ khác, đồng thời được bổ sung, cập nhật. Tất cả nhân viên khi mới vào Viettel đều được học về mô hình tổ chức, về văn hóa doanh nghiệp. Có những buổi chia sẻ của các lãnh đạo về chiến lược, về văn hóa của Viettel.
Như thế giống một quá trình làm văn hóa, không chỉ là trên giấy, mà thông qua hành động thực tiễn để đưa văn hóa vào cuộc sống, giống như "nếp nhà". Nếu ông bố bảo nhà mình nếp là như vậy, nhưng bản thân không làm thì con không bao giờ làm. Nếu ông bố nói nhà mình đã nói là phải làm, đến giờ đã lên kế hoạch là phải thực hiện triệt để, nếu ông bố làm triệt để thì con sẽ làm đúng như thế.
Thường trong khủng hoảng, việc đầu tiên người ta làm là lo cho thân mình trước. Trong Covid-19, bản thân doanh nghiệp cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy làm sao để Viettel Telecom vừa có thể vượt qua Covid-19, vừa duy trì được trách nhiệm của mình với xã hội?
Covid-19 rõ ràng là ảnh hưởng đến kinh tế và ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên viễn thông đương nhiên bị ảnh hưởng. Khi thu nhập ít đi thì người dân phải cắt giảm chi tiêu và viễn thông cũng là một trong những dịch vụ cắt giảm. Thứ nhất, khách hàng gọi, dùng data ít đi vì ở nhà họ dùng Wifi. Thứ hai, nhu cầu trao đổi công việc ít đi, không "tụ tập hội hè" thì gọi ít hơn.
Tuy nhiên, đối với người Viettel, chúng tôi coi đó là thách thức, chứ không phải khó khăn. Trước tiên, chúng tôi cố gắng giữ vững tinh thần, làm sao để mình cũng bị thiệt hại nhưng thiệt hại ít nhất mà vẫn có thể thực hiện được trách nhiệm của mình với xã hội.
Thứ nhất, Viettel Telecom tiến hành các chương trình khuyến mại data để bà con với mức thu nhập giảm vẫn có thể dùng dịch vụ bởi nó là thiết yếu. Đồng thời, Viettel tham gia cùng Chính phủ trong việc hỗ trợ xây dựng các giải pháp phòng, chống dịch.
Thứ hai, nếu như Covid-19 khiến cho việc bán hàng trực tiếp khó khăn thì Viettel đẩy mạnh việc bán online. Đó là một kiểu biến thách thức thành cơ hội để thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn.
Trước mắt, Covid-19 có thể làm cho chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng về lâu dài, việc đẩy nhanh, mạnh quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ online là đúng xu thế phát triển. Khi mua sắm online nói chung phát triển thì nhu cầu dùng data trên smartphone cũng sẽ tăng lên, đó chính là cơ hội đẩy mạnh tiêu dùng data 3G-4G.
Thứ ba, trong dịch Covid-19 khi người dân ít dùng data và dung Wifi ở nhà hoặc ở cơ quan thì chúng tôi đẩy mạnh việc phát triển các dịch vụ nội dung số để cung cấp cho khách hàng giải trí. Việc đẩy mạnh mảng nội dung số cũng là một cách biến thách thức thành cơ hội để phát triển, kích thích anh em sáng tạo hơn. Đó là lý do chúng tôi tổ chức các giải game, ra các sản phẩm như Home Wifi để tăng trải nghiệm dịch vụ cố định băng rộng cho khách hàng tại nhà…
Tôi nghĩ, cuộc sống thì lúc nào cũng khó khăn thôi, vấn đề là mình nhìn nó với thái độ tích cực để tìm ra con đường thích ứng.
Khi trở thành một doanh nghiệp viễn thông số, Viettel Telecom khác ra sao so với thời làm viễn thông truyền thống?
Về sự thay đổi, thứ nhất, Viettel Telecom giờ là doanh nghiệp viễn thông số, tức là mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ bán hàng, chăm sóc khách hàng cho đến trải nghiệm khách hàng sau này đều trên môi trường số. Dần dần sẽ đến đấy, bây giờ thì đang chuyển dổi dần (cười).
Thứ hai, muốn là môi trường số thì các quyết định về sản xuất kinh doanh của mình đều phải dựa trên phân tích dữ liệu. Trước đây, chúng tôi hay ra quyết định dựa trên kinh nghiệm: nông thôn thì phải bán cái này, thành phố bán cái kia. Nhưng tới đây, với các phân tích dữ liệu lớn, chúng tôi có kết quả ngay khách hàng này thì nên dùng loại sản phẩm, dịch vụ gì.
Không chỉ Covid-19 mới khiến doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, mà ngay việc phát triển, đưa công nghệ vào sản xuất kinh doanh cũng sẽ làm giảm đi vai trò của con người. Viettel Telecom xử lý điều đó ra sao?
Viettel Telecom hay các doanh nghiệp khác ở Việt Nam, tất cả đều phải đối mặt với câu chuyện: đưa công nghệ vào thì phải giảm người. Muốn người không giảm đi thì phải nghĩ ra việc cho anh em làm, như chuyển sang mảng mới. Ví dụ như bưu chính chẳng hạn, giao hàng thì không thể online được. Mua hàng thì có thể online chứ đưa hàng thì chỉ có thể online khi có người máy, nhưng thời người máy đi đầy đường chắc cũng còn xa (cười).
Tuy nhiên, ở một mặt khác, người lao động cũng phải thích nghi với môi trường mới và phải tự trang bị cho mình kiến thức để nâng cao trình độ, phù hợp với thời 4.0. Ở đây sẽ là quá trình 2 chiều, doanh nghiệp tìm cơ hội mới cho người lao động và người lao động cũng phải phát triển thêm các kỹ năng mới, thích nghi với môi trường số, văn hoá số.
Trong thời đại 4.0, văn hóa ở Viettel Telecom có gì đổi mới so với trước đây?
Văn hóa số là cái mà bây giờ chúng tôi đang cập nhật mới. Những văn hóa trước đây vẫn được kế thừa và phát huy.
Vậy văn hóa số là gì? Nói thì trừu tượng nhưng thực tế có thể thấy bằng ví dụ rất đơn giản. Như trước mình đang làm việc bằng các dụng cụ, công cụ vật lý như sổ giấy, báo cáo giấy thì giờ chuyển sang làm online. Bây giờ chúng tôi có thể đi công tác nhưng vẫn điều hành đơn vị được, ký văn bản qua điện thoại.
Trước đây, hết một tuần sẽ có một nhân sự phải lấy hết các dữ liệu rồi tổng hợp làm báo cáo Word. Nhưng bây giờ hệ thống công nghệ thông tin có phần mềm tự tổng hợp dữ liệu của các hệ thống, tự sản xuất báo cáo. Đến đúng 7 giờ là có báo cáo Word trên email. Muốn hay không muốn thì bây giờ người lao động cũng phải thích ứng với văn hóa số.
Một ví dụ khác nữa là giải chạy nội bộ toàn tổng công ty đang diễn ra ở 63 tỉnh và 700 huyện. Ngày xưa thì phải đưa anh em về tuýt còi chạy. Bây giờ chạy online. Hàng ngày, anh em ở khắp nơi trên cả nước chạy bao nhiêu km đều được ghi nhận trên tài khoản Strava và có thể xem được thành tích ngay lập tức theo cá nhân, đơn vị.
Chúng tôi cộng thành tích theo đơn vị để trao giải vào cuối tháng 10 này. Thời đại công nghệ thì cũng vẫn phải rèn luyện sức khỏe. Nếu bạn coi sức khỏe là số 1 và tất cả những thứ bạn có còn lại các số 0 đứng sau số 1 thì khi mất đi số 1 dù bạn có bao nhiêu số 0 phía sau cũng không có giá trị.