Phó Giáo sư Nhi khoa tư vấn: Chữa ho, sổ mũi cho trẻ có cần dùng kháng sinh?
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội đã đưa ra những tư vấn hữu ích cho các bậc phụ huynh về cách chăm trẻ trong thời tiết hiện nay.
- Với trẻ hay bị các bệnh đường hô hấp trên như chảy mũi, ngạt mũi, trẻ phải há miệng để thở. PGS. Thúy cho biết, nếu trẻ không có tình trạng nhiễm khuẩn thì không cần phải sử dụng kháng sinh .
Cách tốt hơn là cha mẹ làm tăng sức đề kháng của trẻ như giữ ấm cho trẻ khi thay đổi thời tiết, cho trẻ ăn đồ ấm, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Cách ly trẻ khi trẻ mắc các bệnh viêm hô hấp cấp để hạn chế bệnh lây thành các vụ dịch.
Ở lứa tuổi dưới một tuổi là giai đoạn cơ thể trẻ chưa hoàn thiện về hệ thống miễn dịch, trẻ rất hay bị các triệu chứng đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi khi thay đổi thời tiết.
Trong những trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu thường do virus, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Vì vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể sử dụng các phương pháp Đông y để điều trị các triệu chứng của đường hô hấp.
Tuy nhiên, khi trẻ có các triệu chứng về đường hô hấp kéo dài trên 10 ngày, trẻ bỏ ăn, mệt nhiều, thì cần phải đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị phù hợp.
Nếu con ho trên một tháng, cha mẹ cần mang cháu đến các cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn phù hợp.
- Nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em được phân làm 2 loại: Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên gặp ở 70% các bệnh lý đường hô hấp như viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, viêm amidan. Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gồm các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Nhiễm khuẩn hô hấp trên thường gặp nhưng không nặng, trẻ có thể sốt, ho, chảy mũi nhưng nhịp thở bình thường, không có dấu hiệu khó thở, trẻ sinh hoạt bình thường. Bệnh thường khỏi sau 7-10 ngày.
Nhiễm khuẩn hô hấp dưới thường là bệnh nặng, trẻ có tình trạng nhiễm trùng, nhịp thở nhanh, co kéo cơ hô hấp nhiều, chụp phim phổi có thể có tổn thương tại nhu mô phổi.
Những trường hợp này thường phải điều trị phối hợp nhiều thuốc và điều trị tại bệnh viện.
- Với trẻ bị hen phế quản: Theo PGS. Thúy, hen phế quản là một bệnh dị ứng, bệnh hay xảy ra khi chuyển mùa, thay đổi thời tiết.
Hen phế quản đơn thuần không có chỉ định sử dụng kháng sinh mà phải sử dụng các thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản. Kháng sinh chỉ được chỉ định khi trẻ có bội nhiễm thêm vi khuẩn.
Vì thế nếu mỗi khi thay đổi thời tiết mà trẻ có cơn hen phế quản cấp thì không cần sử dụng kháng sinh. Cha mẹ chỉ nên cho con sử dụng kháng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu tự ý dùng kháng sinh rồi tự ngừng sẽ gây tăng tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ vô cùng đáng lo ngại.
- Với trẻ bị viêm thanh quản cấp: Trẻ thường hay bị khàn tiếng, nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp thường do virus, do dị ứng. Trong những trường hợp này, bệnh thường khỏi tự nhiên sau 3-5 ngày.
Cha mẹ chỉ cần cho cháu súc miệng nước muối hàng ngày, ăn đồ ăn ấm, tránh nhiễm lạnh, bệnh sẽ tự khỏi.
8 biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp cho trẻ, mà bố mẹ nào cũng nên nhớ:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, duy trì cho đến 2 tuổi
- Đảm bảo dinh dưỡng cho bé thông qua bữa ăn hàng ngày
- Giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi thất thường
- Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ
- Cha mẹ không được hút thuốc trong phòng có trẻ nhỏ
- Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch
- Phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp để điều trị kịp thời, đúng cách
- Tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho trẻ