[Phim hay] The Tower: Cuộc chiến sinh tử trong “Tháp Lửa”
Bộ phim hành động của Hàn Quốc – “Tháp Lửa” (The Tower) là một câu chuyện cảm động về những người dân bình thường chiến đấu đế sinh tồn khi đối mặt với một thảm họa khủng khiếp.
Ngày “tận thế” 21/12/2012 đã trôi qua từ lâu nhưng những câu chuyện về thảm họa vẫn tiếp tục gây nguồn cảm hứng cho các đạo diễn làm phim.
“Lee Dae-Ho (Kim Sang-kyung) là một người cha độc thân sống với con gái duy nhất Ha Na và là đội trưởng đội quản lý tòa tháp đôi 108 tầng Sky Tower ở Seoul. Anh có tình cảm với Seo Yoon-hee (Song Ye-jin), quản lý nhà hàng trong tòa nhà, nhưng không có can đảm để nói với cô.
Vào ngày Giáng Sinh, ông Jo – chủ tòa nhà, quyết định tổ chức một bữa tiệc “White Christmas” đặc biệt cho những người thuê và khách VIP, với dàn máy bay trực thăng bay lượn bên trên và phun tuyết xuống. Khi không khí Giáng sinh tuyệt vời đang tràn ngập khắp nơi thì một tai nạn khủng khiếp xảy ra. Một chiếc máy bay trực thăng gặp phải luồng gió lớn, đột ngột mất kiểm soát, lao thẳng vào Sky Tower và khiến tòa nhà bốc cháy.
Nhiều người bị kẹt lại trên tầng cao không lối thoát và phải đối mặt với sự hoảng sợ tột độ. Bất chấp mọi nguy hiểm, cùng với lính cứu hỏa huyền thoại Kang Young-kee (Sul Kyung-gu) và đội của anh, Dea-ho tìm mọi cách quay lại rừng lửa để cứu Ha Na, Yoon-hee và các đồng nghiệp của mình…”
Có thể thấy, điện ảnh Hàn Quốc những năm gần đây ngày càng phát triển khi cho ra đời nhiều sản phẩm phim sử dụng kỹ xảo hình ảnh sống động, hoành tráng không kém gì Hollywood, như Haeundea – bộ phim mở đầu kỷ nguyên mới đối với thể loại phim thảm họa ở Hàn Quốc, Sector 7 – phim khoa học viễn tưởng 3D về trận chiến sinh tử với loài sinh vật lạ trên một giàn khoan…
The Tower (Tháp lửa) của đạo diễn Kim Ji-hoon cũng góp tên vào danh sách đó khi đem đến cho người xem những cảnh quay mãn nhãn từ trên tòa tháp cao 108 tầng, hình ảnh lung linh đầy thơ mộng khi những bông tuyết giả được thả từ trên cao xuống, cảnh va chạm kinh hoàng khi máy bay đâm vào tòa nhà, không gian rực lửa ngột ngạt khi tòa nhà bốc cháy và lúc sập xuống thành đống đổ nát…
Với nguồn ngân sách đầu tư khổng lồ lên tới 10 tỷ won (gần 10 triệu USD), ngoài việc chuẩn bị kĩ phần ý tưởng và ghi hình, đạo diễn Kim Ji-hoon đã mất hai năm cho giai đoạn hậu kỳ để hoàn thành bộ phim, khi sử dụng 1.700 cảnh có hiệu ứng đồ họa kỹ xảo trong tổng thể 3.000 cảnh của phim, cũng như dàn dựng và thực hiện những cảnh quay thật để tạo cảm giác nguy hiểm chân thực và ấn tượng.
Một điều thú vị khi xem Tháp lửa (The Tower) là khán giả sẽ dễ dàng tìm thấy những điểm tương đồng với những phim thảm họa khác như Titanic (1997) hay The Impossible (2012).
Về cấu trúc phim, The Tower và Titanic đều đặc trưng cho phong cách phim thảm họa khi nói về một công trình khổng lồ bị phá hủy sau vụ va chạm lớn, về một không gian ấm cúng của một sự kiện tại một thời điểm trong năm khi mọi người quây quần bên nhau và sau đó là nỗi sợ hãi tột độ của con người khi phải đối mặt với nguy hiểm sống chết.
Tuy nhiên, hai bộ phim có sự trái ngược về môi trường diễn ra thảm họa – một bên là nước, dưới biển; một bên là lửa, trên không - điều này cũng tạo nên một điểm mới đối với người xem. Trong khi đó, đặt điểm so sánh giữa The Impossible và The Tower, có thể thấy rõ sự khác biệt trong cách xây dựng nhân vật, đặc biệt là vai trò của trẻ con phương Tây và châu Á.
Nếu trong The Impossible (Thảm họa sóng thần), ba đứa trẻ Lucas, Thomas và Simon đều được trang bị đầy đủ kĩ năng sống đã thể hiện sự độc lập, mạnh mẽ khi đối mặt với thảm họa, sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống và dũng cảm đương đầu để sinh tồn, thậm chí là giúp đỡ và bảo vệ người khác; thì trong The Tower (Tháp lửa), hình ảnh của cô bé Ha Na rất yếu đuối, chỉ biết khóc lóc, gào thét, hoảng sợ, bám chặt lấy người lớn và không thể tự giải quyết tình huống khi đứng trước nguy hiểm sống còn.
Bên cạnh những thành công về mặt âm thanh, hình ảnh ấn tượng cũng như kỹ xảo hoành tráng, Tháp lửa (The Tower) vẫn còn mắc nhiều hạn chế quen thuộc như phong cách làm phim “sến” lấy nước mắt khán giả bằng những phân cảnh “ướt đẫm” khóc lóc, bịn rịn bộc lộ tình cha con, đồng nghiệp…, hay như những tiếng la hét, tiếng quát nạt rất chói tai của các nhân vật có “chức quyền” vốn thường thấy trong các phim Hàn Quốc.
Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều tuyến nhân vật khiến câu chuyện phim bị loãng vì vai trò của một số nhân vật không được khai thác triệt để hoặc không đóng góp nhiều cho mạch phim. Ví dụ vai ông Jo (chủ tòa tháp) do Cha In-Pyo - một trong những diễn viên thuộc lứa diễn viên hàng đầu Hàn Quốc – đảm nhận, xuất hiện khá mờ nhạt và không được khai thác hết.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua những “điểm trừ”, Tháp lửa (The Tower) vẫn là một phim rất đáng xem trong những ngày đông giá sắp tới, bởi câu chuyện phim là một bài ca cảm động và sẽ sưởi ấm lòng khán giả về sự dũng cảm, hi sinh của những người dân bình thường phải chống chọi với ngọn lửa hung dữ để tồn tại và để bảo vệ nhau, cũng như sự nhiệt tình, quả cảm của những người lính cứu hỏa không ngại nguy hiểm.
Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên nổi tiếng như Sul Kyung-gu (vai Kang Young-kee) – một trong những diễn viên được yêu thích nhất ở Hàn Quốc, từng góp mặt làm nên thành công lớn cho bộ phim về thảm họa sóng thần Haeundae, và Son Ye-jin (vai Seo Yoon-hee) – nữ hoàng phim tâm lý lãng mạn của Hàn Quốc – lần đầu tham gia thể loại phim hành động, thảm họa trong vai nữ quản lý nhà hàng lôi cuốn và mạnh mẽ…. hứa hẹn sẽ đem lại sự hài lòng cho người xem.
>> Chuyến tàu băng giá: Bom tấn điện ảnh Hàn Quốc khiến Hollywood phải 'bẽ bàng'
Đậu Đỏ