[Phim hay] Hoa hậu nhí Ánh dương – Khi “bầu sô” là những gã gàn dở
Một ông nội bị đuổi ra khỏi viện dưỡng lão, một ông bố suốt ngày lảm nhảm về thành công, một anh trai đồng tính mắc bệnh trầm cảm… là những người “đứng sau” cô hoa hậu bụng phệ.
Thông tin phim
Tên phim: Little Miss Sunshine –
Hoa hậu nhí Ánh dương
Đạo diễn: Jonathan Dayton, Valerie Faris
Kịch bản: Michael Arndt
Diễn viên: Abigail Breslin, Greg Kinnear, Toni Collette
Năm sản xuất: 2006
Giải thưởng: Phim của năm do AFI bình chọn, 2 giải Oscar.
Giới thiệu
Olive là một cô bé 7 tuổi bụng phệ, cận thị , lùn tịt, có mơ ước trở thành hoa khôi, và có một gia đình bất thường với các thành viên kỳ cục.
Đầu tiên là ông nội Edwin - một “tay chơi thứ thiệt” bị đuổi khỏi viện dưỡng lão, nghiện ma túy nặng, ăn nói bạt mạng, thích xem tạp chí playboy và vẫn đánh mắt đưa tình với các cô gái trẻ đẹp trên đường.
Ông bố gàn dở Richard thích lảm nhảm bài diễn thuyết về 9 bước để đi tới thành công nhưng bản thân là một người thất bại nặng nề.
Bà mẹ Sheryl luôn chịu đựng căng thẳng, áp lực từ công việc và gia đình, bên cạnh đó lại phải lo cho ông anh trai suốt ngày đòi tự tử.
Anh cùng mẹ khác cha Dwayne luôn có mơ ước trở thành một phi công, luyện tập thể lực suốt ngày và quyết giữ im lặng cho tới khi đạt được mơ ước.
Ông bác Frank là một người đồng tính, có xu hướng trầm cảm vì những thất bại trong công việc và đời tư, lúc nào cũng có bộ dáng lù đù.
Cuộc sống bất ngờ đảo lộn khi Olive nhận được tờ rơi quảng cáo cuộc thi “Hoa hậu nhí ánh dương” ở California. Không đủ tiền đi máy bay, cả gia đình nhà Hoover phải trèo lên chiếc xe cũ kỹ và bắt đầu cuộc hành trình từ New Mexico tới California.
Đêm đầu tiên nghỉ tại nhà trọ, ông nội “dân chơi” lăn ra chết vì hít ma túy quá liều. Trong khi cả gia đình vội vã vì sợ không kịp cuộc thi thì bệnh viện lại bắt họ chờ để làm đủ thứ thủ tục mai táng cho ông khiến ông bố Richard phải liều mạng trộm xác cha mang lên xe để tiếp tục chuyến đi.
Những mâu thuẫn, những cảnh “trái khoáy”, bực bội bộc phát liên tục chẳng hạn xe hỏng khiến cả nhà phải nhảy xuống đẩy rồi lại chạy theo để lên xe vì nó không thể dừng lại được, hay cảnh sát kiểm tra xe đột ngột khiến cả gia đình lo lắng lộ xác ông nội, rồi đến việc Dwayne phát hiện mình mù màu không thể trở thành phi công, cậu đòi dừng xe, la mắng mọi người thậm chí muốn “chết quách cho xong”…
Đến được nơi tổ chức cuộc thi cả nhà lại một lần nữa tá hỏa khi thấy những cảnh tượng hoành tráng không khác gì một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia. Các cô bé đều chuyên nghiệp trong khi Olive không khác gì một “nữ thổ phỉ nhí”…
Đây là một bộ phim có kinh phí thấp, dàn diễn viên không có ngôi sao, nhưng không phải ngẫu nhiên mà bộ phim đoạt 2 giải Oscar cho hạng mục Kịch bản gốc tốt nhất và Diễn viên nam phụ xuất sắc nhất, đồng thời lọt vào top 5 phim đề cử hạng mục Phim hay nhất. Ngay sau khi công chiếu, bộ phim nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ phía các nhà phê bình và báo chí. Nhiều người cho rằng đây là bộ phim hài hước, cảm động, chứa đầy châm biếm sâu cay lại rất hấp dẫn lôi cuốn người xem.
Bên cạnh đó là tình cảm gia đình không gì thay thế được gắn kết những thành viên lại với nhau. Chia sẻ những lúc khó khăn, đồng lòng bước qua chông gai và tràn ngập niềm tin vào nhau.
Khi Olive nói muốn tham dự cuộc thi hoa hậu, người đầu tiên ủng hộ cô bé chính là ông nội Edwin, cổ vũ cô, dạy năng khiếu cho cô và luôn đứng về phía cô. Và gia đình đã gác mọi công việc để cùng lên đường vượt hàng ngàn dặm “phiêu lưu” với mơ ước của Olive.
Khi Dwayne suy sụp vì giấc mơ tan tành, chính Olive đã lặng lẽ an ủi cậu, “lên dây cót” tinh thần cho Dwayne để cậu mạnh dạn theo đuổi mục tiêu mới.
Michael Arndt, người viết kịch bản của phim và sau giành được một giải Oscar cho hạng mục này, cũng khá lận đận với “Hoa hậu nhí Ánh dương”. Bắt đầu ý tưởng từ hồi giữa năm 2000, sau vài lần bị sa thải còn kịch bản gốc thì “qua tay” nhiều ông chủ, cuối cùng Michael Arndt mới gặp Marc Turtletaub, người sẵn sàng bỏ ra 400.000 đô la Mỹ để mua lại kịch bản và 8 triệu đô để bộ phim có thể quay sau 4 năm trôi nổi.
Kịch bản của phim đã chiến thắng nhiều đối thủ “trọng lượng” khác như The Queen của Peter Morgan, Babel của Guillermo Arriaga, Letters from Iwo Jima của Paul Haggis và Iris Yamashita…trong đêm trao giải Oscar 2007.
Thường Ngọc